Như Thanh Niên thông tin, Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có mô hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, cửa hàng tiện lợi... Cụ thể, với loại hình cửa hàng tiện lợi, dự thảo đưa tiêu chí chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m; bán theo phương thức tự phục vụ, theo chuỗi; áp dụng công nghệ trong bán hàng, thanh toán.
Bên cạnh đó, các cửa hàng tiện lợi được yêu cầu đặt ở vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, du lịch, nơi tập trung đông người, với diện tích kinh doanh 30 - 200 m2; số lượng mặt hàng kinh doanh trong mỗi cửa hàng tiện lợi khoảng 3.000 tên hàng...
Với cửa hàng outlet, tiêu chí cũng đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại, gần nhà máy hoặc kho của các nhà sản xuất, các cảng hàng không, khu kinh tế, khu phi thuế quan; hoặc nằm trong trung tâm outlet, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch có liên quan. Diện tích kinh doanh từ 50 m2 trở lên. Trung tâm outlet phải đặt tại khu vực ngoại thành, ngoại thị, gần các địa điểm du lịch nổi tiếng, gần trung tâm các thành phố lớn, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch có liên quan; có diện tích tối thiểu là 7.000 m2...
Dự thảo quy định cửa hàng tiện lợi phục vụ khách hàng trong bán kính 500 m gây nhiều tranh cãi |
NG.NG. |
Phát nản với những đề xuất “trời ơi”
Bạn đọc (BĐ) cho rằng nhiều quy định tại dự thảo này thiếu khả thi, can thiệp quá mức vào thị trường... “Đây là một đề xuất bất khả thi, không phù hợp với thực tế. Tôi không biết Bộ Công thương đã nghĩ đến chuyện làm sao để quản lý người tiêu dùng thực hiện theo quy định mà mình đưa ra chưa? Không lẽ cứ mỗi lần đi mua hàng lại phải bắt họ xuất trình giấy tờ cá nhân? Hãy tạo điều kiện để cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh doanh thay vì đưa ra những quy định như thế này có thể giết chết họ”, BĐ Phương Quỳnh nêu quan điểm.
Tương tự, BĐ Đinh Hồng viết: “Tôi chẳng hiểu các vị đang nghĩ gì mà đưa ra những đề xuất trời ơi đất hỡi như vậy? Chẳng lẽ ở cách xa 600 m là sẽ không được vào mua, rồi công tác quản lý như thế nào? Nghĩ đến cảnh mua đồ ở cửa hàng tiện lợi mà phải cầm theo sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú mà tôi chỉ biết lắc đầu. Sau dịch, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển kinh doanh trở lại, thay vì gây khó dễ bằng những đề xuất thiếu thực tế như thế này”.
“Cá nhân tôi thấy đây là đề xuất vừa không thực tế vừa ngớ ngẩn. Người tiêu dùng có thể mua hàng ở những nơi họ cảm thấy thoải mái, hoặc có thể vì nguồn hàng hóa đa dạng hay thái độ phục vụ tốt, chứ đâu thể buộc họ chỉ được vào cửa hàng thuộc bán kính 500 m... Rồi mỗi lần đi mua đồ là phải khai báo nơi ở hay sao?”, BĐ Nguyễn Huỳnh nêu quan điểm.
Quản lý nhà nước cần trọng tâm hơn
Thực tế, những mô hình phân phối hiện đại nói trên đã hoạt động từ lâu tại Việt Nam. Với những tiêu chí yêu cầu cửa hàng tiện lợi đặt tại khu trung tâm, hay “phục vụ dân trong bán kính 500 m” không chỉ khiến người dân mà cả doanh nghiệp lẫn chuyên gia thương mại băn khoăn.
“Những quy định này mà áp dụng thì không khéo mấy cái “cửa hàng tiện lợi” như giờ trở thành “bất lợi” hết. Đề xuất phải sát thực tế, đừng ngồi phòng lạnh mà ra quy định”, BĐ Trần Võ thẳng thắn.
Tương tự, BĐ Đỗ Vân ý kiến: “Nói là cửa hàng tiện lợi mà lại đưa ra những quy định “bất lợi”, thật không thể hiểu được. Tôi nghĩ việc kinh doanh mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, đón tiếp khách hàng ra sao hãy để doanh nghiệp tự quyết định. Đơn vị nào thái độ phục vụ không tốt thì tự đào thải mình thôi. Chứ những đề xuất như thế này vừa thiếu thực tế vừa làm khó người kinh doanh”.
“Thật nể phục những người đưa ra đề xuất này. Thay vì nghĩ đến chuyện “phục vụ khách hàng mua hàng trong bán kính 500 m” thì làm ơn làm sao để có thể đảm bảo được chất lượng hàng hóa một cách tốt nhất, kiểm soát giá cả công khai, minh bạch..., như vậy mới đảm bảo cho người dân. Thời buổi này cửa hàng nào có mặt hàng đa dạng, thái độ phục vụ tốt thì khách hàng tự tìm đến thôi. Hãy để cá nhân, đơn vị kinh doanh tự quyết định nơi mở cửa hàng, đối tượng phục vụ và tự chịu trách nhiệm việc kinh doanh của họ”, BĐ Lê Hà góp ý.
Cùng góc nhìn, BĐ Lan Hương viết: “Cái các anh cần quan tâm là làm tốt những vấn đề cốt lõi chuyên môn như kiểm tra đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giá cả niêm yết công khai, minh bạch, chống các hiện tượng đầu cơ ghim hàng tăng giá... là được rồi. Quản lý nhà nước cần biết cái nào là trọng tâm, là nhiệm vụ cốt lõi của mình để mà làm cho tốt”.
Bó tay với quy định của dự thảo này... Hãy để nhà kinh doanh tự quyết định nơi mở cửa hàng và đối tượng phục vụ.
Phuong Nguyen
Quy định như thế này chẳng khác nào gây khó người dân, doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của họ với những quy định không thực tế, vô lý.
Nguyễn Sơn
Bình luận (0)