Lại biểu tình ở sân bay Hồng Kông

01/09/2019 16:55 GMT+7

Ngày 1.9, hàng trăm người tập trung bên ngoài sân bay quốc tế Hồng Kông, gây cản trở giao thông, tiếp diễn chuỗi ngày biểu tình phản đối chính quyền đặc khu.

Trong một thông báo, cảnh sát cảnh báo đám đông tập trung ở sân bay là bất hợp pháp và sẽ sớm tiến hành “chiến dịch giải tán”, theo Reuters.
“Chúng tôi yêu cầu tất cả người biểu tình chấm dứt hành động bất hợp pháp và rời khỏi khu vực sân bay ngay lập tức”, theo thông báo.
Tuy nhiên, người biểu tình tiếp tục cố thủ, hô hào khẩu hiệu phản đối chính quyền đặc khu trước sự hiện diện dày đặc của lực lượng cảnh sát chống bạo động trong sân bay.
“Chúng tôi lên kế hoạch gây cản trở hoạt động tại sân bay để thu hút sự chú ý của thế giới trước những hành động mà chính quyền đặc khu cùng cảnh sát đã làm đối với chúng tôi. Nếu hoạt động sân bay bị gián đoạn, nhiều người nước ngoài sẽ biết thêm nhiều tin tức về Hồng Kông”, một sinh viên 20 tuổi nói với Reuters.
Tất cả chuyến xe điện ngầm đến sân bay bị tạm hoãn và giao thông tắc nghẽn vì đám đông người biểu tình. Dù vậy, hành khách có thể vào sân bay và máy bay vẫn cất cánh bình thường, theo Reuters. Sân bay Hồng Kông từng lâm vào tình trạng bị tê liệt do người biểu tình cố thủ bên trong cách đây vài tuần.

Lực lượng cảnh sát bên ngoài sân bay quốc tế Hồng Kông

Reuters

Trước đó, Hồng Kông trải qua một đêm hỗn loạn đầy bạo lực trong tối 31.8 cho đến rạng sáng 1.9, với cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để đối phó người biểu tình quá khích ném bom xăng.
Bất chấp trực thăng cảnh sát bảo phía trên tuần tra và cảnh báo, đám đông người biểu tình quá khích còn đốt phá trên các tuyến đường, ném gạch nhắm vào cảnh sát gác trước những văn phòng chính quyền đặc khu vực và đơn vị đồn trú của binh sĩ Trung Quốc. Đây được cho là vụ bạo động nghiêm trọng nhất kể từ khi phong trào biểu tình bùng phát kể cách đây ba tháng và kéo dài đến nay.

Lực lượng cảnh sát đảm bảo an ninh bên trong sân bay quốc tế Hồng Kông

Reuters

Từ mục tiêu ban đầu là phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, những người biểu tình sau đó muốn Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, yêu cầu giới chức dừng mô tả các cuộc biểu tình là “bạo động”, miễn khởi tố những người bị bắt, điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát “dùng vũ lực quá mức” và cải cách chính trị, theo Reuters.
Bất ổn ở Hồng Kông trở thành thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền Trung Quốc trước thềm ngày lễ quốc khánh 1.10.Bắc Kinh cũng đã nhiều lần lên án.

[VIDEO] Trung Quốc luân chuyển quân đồn trú tại Hồng Kông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.