Trước đó, ông Elliott và các cộng sự đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 1.000 người New Zealand, được ghi nhận từ khi họ vừa sinh ra (khoảng những năm 1970) cho đến năm 45 tuổi. Nhóm nghiên cứu phát hiện những dấu hiệu lão hóa bắt đầu biểu hiện tương đối rõ từ năm 26 tuổi, dựa trên các chỉ số như lượng mỡ cơ thể, sức khỏe tim, dung tích phổi, các dấu hiệu viêm trong máu... Đồng thời, tốc độ già đi của mỗi người cũng khác nhau.
Trong dữ liệu đã ghi nhận được, người lão hóa chậm nhất chỉ già đi 0,4 năm sinh học/năm tuổi (“năm sinh học” là thước đo tuổi thật của cơ thể; trong khi “năm tuổi” thể hiện tuổi được ghi nhận trên khai sinh). Ngược lại, những người có tốc độ lão hóa nhanh nhất tăng gần 2,5 năm sinh học/năm tuổi.
Đặc biệt, đến độ tuổi 45, những dấu hiệu sinh học liên quan đến lão hóa cũng thể hiện rõ hơn. Ở nhóm người có tốc độ lão hóa nhanh, họ di chuyển chậm hơn, sức cầm nắm yếu hơn và gặp nhiều vấn đề về thăng bằng, thị lực, thính giác, trí nhớ... so với những người cùng tuổi.
Giải thích về các yếu tố quyết định tốc độ lão hóa của một người, tiến sĩ Sofiya Milman, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu lão hóa, trực thuộc Đại học Y Albert Einstein (Mỹ), cho biết gien đóng vai trò quan trọng, những yếu tố như môi trường sống (chất lượng thực phẩm, nguồn nước...), lối sống (chất lượng quan hệ gia đình, xã hội, thói quen...), thậm chí điều kiện tài chính cũng tác động ít nhiều đến quá trình lão hóa.
“Việc tập thể dục thường xuyên (ảnh), có chế độ ăn uống lành mạnh và không hút thuốc... là những điều mọi người có thể thực hiện ngay bây giờ để làm chậm lại tốc độ lão hóa”, chuyên gia Milman nói. Cùng quan điểm, chuyên gia Elliott nhấn mạnh: “Việc can thiệp sớm để giải quyết tình trạng lão hóa nhanh có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, thậm chí cứu sống một người”.
Bình luận (0)