Lâm Đồng xây dựng lại quy định về bảo tồn quỹ biệt thự ở Đà Lạt

02/11/2021 06:30 GMT+7

Tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng lại quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước ở TP.Đà Lạt và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 30.11.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP.Đà Lạt rà soát, tập hợp hồ sơ, tài liệu kiến trúc, quy mô, diện tích xây dựng của các ngôi biệt thự để tổ chức phân loại, đánh giá cụ thể về giá trị kiến trúc, chất lượng công trình của từng biệt thự. Trên cơ sở đó, xây dựng quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, với nguyên tắc “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, khai thác phù hợp và có hiệu quả quỹ đất hiện có. Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu việc này phải khẩn trương thực hiện và báo cáo, đề xuất tỉnh trước ngày 30.11.

Việc Lâm Đồng xây dựng quy định mới thay QĐ 47 khiến dư luận lo lắng về số phận của Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt

Gia Bình

UBND tỉnh cũng có quyết định kiện toàn hội đồng thẩm định, đánh giá, phân loại biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt gồm 11 người do ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, làm Chủ tịch hội đồng và 10 ủy viên.

Trước đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thay thế Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh (gọi tắt là QĐ 47) quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt. QĐ 47 đã phân loại quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt (162 biệt thự) thành 3 nhóm: nhóm 1 có 5 biệt thự, nhóm 2 có 74 biệt thự và nhóm 3 có 83 biệt thự. Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, sau 4 năm thực hiện QĐ 47 đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc giữ gìn, tôn tạo giá trị kiến trúc đặc thù trên địa bàn TP.Đà Lạt, được dư luận đồng tình, ủng hộ; đưa quỹ biệt thự vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích kinh doanh dịch vụ, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện QĐ 47 cũng đã bộc lộ một số khó khăn.

Điều đáng lưu ý, trong QĐ 47 (cũng như QĐ 49/2011/QĐ-UBND trước đó), Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt là một trong 5 dinh thự được xếp vào nhóm 1. Biệt thự nhóm 1 là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; có giá trị điển hình về kiến trúc. Việc quản lý, sử dụng không được làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự.

Như Thanh Niên đã thông tin, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt (từ 14.8 - 14.9.2020) và phương án được đa số các ý kiến đồng thuận, lựa chọn cũng như đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng chọn là phương án Hotel du Printemps của kiến trúc sư (KTS) Thierry Van de Winagaert (đưa Dinh tỉnh trưởng lên cao 28 m và phía dưới là tổ hợp khách sạn - PV). Dù vậy, cả 3 phương án này đều vấp phải sự không đồng tình của nhiều KTS trong nước, bởi xa lạ với Đà Lạt và có thể phá đi di sản của Đà Lạt. Các KTS cho rằng Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt cùng đồi Dinh là “viên ngọc quý” cần gìn giữ và bảo tồn. Ngày 15.9.2020, Hội KTS Việt Nam cũng gửi văn bản đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng có ý kiến về 3 phương án xây dựng khách sạn tại đồi Dinh tỉnh trưởng này, đề nghị không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh.

Vì vậy, việc tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng quy định mới về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt lần này (để thay QĐ 47) khiến dư luận không khỏi lo lắng về số phận của Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.