Làm gì để có đủ điện?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/06/2023 06:27 GMT+7

Thêm 9 dự án năng lượng tái tạo được phát lên lưới, điện tiết kiệm cũng tăng mạnh... nhưng nguy cơ thiếu điện vẫn đang đe dọa, đặc biệt với các tỉnh phía bắc.

Giảm nguồn điện huy động hàng triệu kWh

Cho đến hôm qua (5.6), nhiều khu vực ở TP.Hà Nội tiếp tục bị cắt điện. Ðặc biệt, ngay sáng đầu tuần, có nhiều nhà thuộc khu vực Ðống Ða, Gia Lâm, Hà Ðông và quận huyện lân cận bị mất điện từ sáng sớm đến chiều. Thực tế gần 1 tuần qua, nhiều khu vực ở Hà Nội đã bị cắt điện luân phiên, có nơi vài tiếng, nơi cả buổi, thậm chí cả ngày, gây xáo trộn lớn sinh hoạt của người dân.

Làm gì để có đủ điện? - Ảnh 1.

Điện tại khu vực miền Bắc liên tục bị cắt nhiều ngày qua

PHẠM HÙNG

Không chỉ tại thủ đô, nhiều tỉnh thành thuộc miền Bắc, bắc Trung bộ, cũng có lịch cắt điện luân phiên khi thời tiết đang vào mùa nắng nóng. Công ty điện lực Bắc Giang (thuộc Tổng công ty điện lực miền Bắc) buộc ngưng cung cấp điện từ sáng đến khuya trong ngày 2.6 vì lý do thời tiết nắng nóng cực đoan, phụ tải tăng cao, ngành điện lực buộc phải cắt để bảo đảm an ninh hệ thống điện.

Một số bạn đọc tại Nghệ An thông tin, nhiều ngày qua, thời tiết tại tỉnh này nắng nóng khủng khiếp, các xã thuộc huyện vùng núi như Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu… bị cắt điện kéo dài, hoặc nhiều khoảng thời gian khác trong ngày. Ðáng nói điện bị cắt từ sáng, đến tối người dân mới nhận được tin nhắn thông báo, thậm chí sang hôm sau tin báo mới tới. "Thông báo gửi về điện thoại không nói lý do sửa chữa hay thiếu điện, chỉ nói sẽ bị mất điện đột xuất trong hôm nay và các ngày tới. Mất đột xuất gì mà từ 9 giờ 30 sáng đến 10 giờ đêm. Quá khổ vì mọi sinh hoạt bị động, thực phẩm đông lạnh bỏ trong tủ để bán hư hỏng hết", bạn đọc Thu Hằng (H.Thanh Chương) phản ánh.

Trong khi đó, nguồn điện huy động từ thủy điện, nhiệt điện tại khu vực phía bắc ngày càng giảm sút đáng báo động. Cập nhật đến ngày 3.6, loạt hồ thủy điện phía bắc đã và đang về mực nước chết, đa số hồ thủy điện lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành. Ước tính tổng công suất điện không huy động được của các nhà máy thủy điện ở miền Bắc hiện khoảng 5.000 MW (5 triệu kWh). Ðến cuối tháng 5 vừa qua, EVN cho biết riêng sản lượng điện quy đổi còn lại tính theo mực nước trong các hồ thủy điện toàn hệ thống chỉ khoảng 2,35 tỉ kWh, thiếu 1,736 tỉ kWh so với kế hoạch của năm, trong đó, riêng thủy điện miền Bắc bị giảm đến 1,23 tỉ kWh.

Ðiện huy động từ các nhà máy nhiệt điện cũng giảm mạnh vì các tổ máy bị sự cố liên tục do vận hành quá tải trong những ngày nắng nóng. Theo EVN, đến ngày 5.6, tổng công suất tổ máy nhiệt điện thuộc các nhà máy điện than khu vực miền Bắc và miền Trung bị suy giảm khoảng 926 MW (926.000 kWh); tổng công suất các tổ máy đang gặp sự cố khoảng 3.250 MW (3,25 triệu kWh). Mới đây, Bộ Công thương dự báo nhu cầu điện vào ngày cao điểm trên toàn hệ thống có thể trên 830 triệu kWh, đặc biệt các tỉnh miền Bắc trên 300 triệu kWh/ngày, ngày cao điểm trên 310 triệu kWh. Bộ Công thương cũng thông tin chương trình tiết kiệm điện đang giúp tiết kiệm khoảng 20 triệu kWh mỗi ngày. Bên cạnh đó, đến nay có 9 nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp đã được phát lên lưới với tổng công suất khoảng 472 MW (472.000 kWh).

Như vậy, so với nguồn thủy điện, điện than đang bị giảm mạnh, nguồn bổ sung từ điện tái tạo và nguồn tiết kiệm mỗi ngày chưa thể bù nổi số giảm lên hàng triệu kWh.

Dành nguồn lực tối đa cho miền Bắc

Một trong giải pháp khắc phục thiếu điện phía bắc là tải từ miền Trung ra. Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết đã nâng ngưỡng truyền tải công suất trong ngắn hạn lên tới 2.600 MVA trên đường dây 500 kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 - Hà Tĩnh theo chiều Nam - Bắc trong một số giờ cao điểm nhằm ưu tiên mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện đa mục tiêu tại miền Bắc. Bên cạnh đó, để cung ứng đủ than cho phát điện, Bộ Công thương đã yêu cầu tăng sản lượng than khoảng 300.000 tấn trong tháng 5 và lên 100.000 tấn trong tháng 6 và 7. Cùng đó, tăng 18% lượng khí cấp khu vực cho các nhà máy sản xuất điện khu vực Ðông Nam bộ và 8% cho Tây Nam bộ.

GS Trần Ðình Long, Viện trưởng Viện Ðiện lực VN, cho rằng nguồn thủy điện hầu như không thể tăng nữa mà đã và đang có xu hướng giảm. Nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời những tưởng dồi dào nhưng độ thiếu ổn định. Tổng công suất lắp đặt và đưa vào vận hành nguồn điện gió năm ngoái đạt đến 4.000 MW, nhưng thực tế nhiều thời điểm chỉ cao hơn mức 2.000 MW, tức chỉ đạt 50% so với tổng công suất điện gió đã được công nhận vận hành thương mại (COD). 

"Thủy điện cạn kiệt, khó tăng công suất lên, điện gió thường xuyên biến động. Ðiện mặt trời tập trung ở miền Trung và miền Nam là chủ yếu, trong khi miền Bắc đang hạn hán, đường truyền tải lại hết công suất. Lúc này chỉ trông chờ vào nguồn điện than, hy vọng với nguồn than phát điện được cung ứng dồi dào trong tháng tới, điện tại khu vực miền Bắc mới hết bị cắt luân phiên. Bên cạnh đó, giải pháp tối ưu trong những ngày này là tiết kiệm điện và tiết kiệm điện. Về lâu dài, phải đầu tư các dự án đang dở dang từ Quy hoạch điện 7…", GS Long chia sẻ.

Ðến nay, một số tổng công ty điện lực đã có thông báo đến khách hàng có máy phát dự phòng, giao cụ thể cho các công ty điện lực cấp dưới chủ động làm việc với khách hàng, huy động tối thiểu 30% công suất máy phát dự phòng vào giờ cao điểm từ 10 giờ 30 - 12 giờ 30 hằng ngày. Vào những ngày sử dụng điện tăng vọt, các địa phương đều có phương án điều khiển phụ tải, cắt mức tiêu thụ trong giờ cao điểm, đặc biệt áp dụng với khách hàng có máy phát dự phòng, sử dụng điện lớn…

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nói thẳng việc cắt điện luân phiên ở khu vực phía bắc là trường hợp bất khả kháng. Nắng nóng quá, phụ tải lớn, không cắt sẽ nguy hiểm hơn. Ðiều này người tiêu dùng hoàn toàn chia sẻ được với ngành điện. Tuy vậy, bản thân ngành điện muốn tránh tối đa tổn thất cho ngành thì nên "cân đong đo đếm" tổn thất của khách hàng, người sử dụng điện. Phụ tải quá mức sẽ cắt điện, nhưng việc cắt phải công tâm và tôn trọng người dùng. 

"Không thể cắt tập trung khu vực có các tòa nhà và nhà máy vì nơi đó có máy phát điện, cũng không thể cắt rồi mới thông báo sau như có lệ đã và đang xảy ra tại một vài địa phương vùng cao, đặc biệt không nên cắt điện vào ban đêm, rất khó cho việc nghỉ ngơi của người dân sau một ngày lao động mệt nhọc. Ngoài ra, nói tiết kiệm điện trong ngành điện, song công tác giảm tổn thất điện ít được đề cập. Ðiện hao phí trong quá trình truyền tải từ nhà máy qua lưới, phân phối đến các hộ có mức độ tổn thất trong giai đoạn này thế nào cũng nên được công khai, báo cáo", ông Long bức xúc.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, lại cho rằng tiết kiệm điện thì thời nào cũng có. Nhưng không thể để việc cắt điện tiết kiệm kéo dài như vậy. Lý do thiếu điện theo ông Ngãi, lâu rồi không có thêm nhà máy điện truyền thống nào, ngoài một nhà máy nhiệt điện than mới khánh thành là Thái Bình 2. Thế nên, thiếu điện là tất nhiên. 

"Ðiện gió ngoài khơi mới mang lại nguồn điện lớn nhưng chưa vận hành, điện gió trong bờ thì không thể nào thay thế cho điện truyền thống. Các dự án trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đến nay vẫn chưa xong. Chúng ta cứ đủng đỉnh thế này về cơ chế chính sách vốn đầu tư thì việc thiếu điện còn kéo dài nữa, không chỉ trong năm nay. Quy hoạch điện 8 mới ban hành cũng không nói rõ ai sẽ đầu tư, chỉ nêu dự án. Vậy ai đầu tư, đầu tư theo cơ chế thế nào?", ông Ngãi đặt vấn đề.

Ngày 5.6, trao đổi với Thanh Niên, đại diện Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC), cho biết từ ngày 15.5 đến nay, trên địa bàn 21 tỉnh thành phía nam đã có khoảng 4.568 khách hàng tự nguyện tham gia thực hiện điều chỉnh với công suất tiết giảm gần 870 MW, tương đương sản lượng điện tiết kiệm trên 2,544 triệu kWh; các trụ sở, cơ quan hành chính, khu vực chiếu sáng công cộng, biển quảng cáo… đã tiết kiệm được 38 triệu kWh. Như vậy, sau khoảng 20 ngày triển khai, áp dụng hàng loạt biện pháp tiết kiệm điện, 21 tỉnh thành phía nam tiết kiệm được 40,544 triệu kWh, tương đương 80 tỉ đồng (mỗi ngày tiết kiệm 4 tỉ đồng).

Trước đó, Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cũng cho biết chỉ sau 10 ngày phát động chương trình tiết kiệm điện, trung bình mỗi ngày, TP tiết kiệm được gần 1,14 triệu kWh, tương đương 2,4 tỉ đồng. Tại Hà Nội, hơn một tuần sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 397 về triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Điện lực TP.Hà Nội cho biết đã tiết kiệm được gần 4 triệu kWh. Trong bối cảnh nhiều khu vực ở miền Bắc và Hà Nội liên tục bị cắt điện luân phiên nhiều ngày qua, sản lượng điện tiết kiệm được ghi nhận khu vực miền Bắc cũng chưa được cập nhật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.