Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 30.8.2023 vừa qua, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xảy ra vụ tai nạn nguy hiểm, khi một ô tô SUV 7 chỗ đang di chuyển bất ngờ bị nổ lốp, xoay 180 độ và đâm vào ta-luy bên đường, may mắn không gây thương vong về người. Mặc dù vậy, vụ tai nạn nói trên cũng cho thấy rõ những nguy hiểm do các sự cố nổ lốp khi xe đang di chuyển gây ra.
Vậy làm thế nào để hạn chế nguy cơ nổ lốp trên ô tô, đồng thời hạn chế tối đa những vụ tai nạn liên quan đến các sự cố này?
Nguyên nhân gây nổ lốp xe
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến lốp xe bị nổ. Trong đó, nguyên nhân khách quan thường đến từ những sự cố ngoài ý muốn và không lường trước như lốp xe bị vật sắc nhọn (đinh, đá,…) đâm vào; hoặc bất ngờ bị "sụp ổ gà", va đập mạnh. Với trường hợp này, nếu ô tô chạy chậm có thể lốp xe chỉ bị đâm lủng và từ từ thủng. Tuy nhiên, ở tốc độ cao, áp suất lớn sẽ rất dễ gây hiện tượng nổ lốp.
Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự cố nổ lốp. Đầu tiên là trường hợp người lái để lốp bị non hơi hoặc bơm quá căng. Nếu lốp bị thiếu hơi, khi xe di chuyển lốp xe sẽ phải chịu áp lực lớn hơn. Bên cạnh đó, tiết diện tiếp xúc của lốp với mặt đường cũng lớn hơn. Điều này khiến lốp sinh nhiệt, cộng thêm ma sát với mặt đường sẽ dẫn tới tình trạng quá nhiệt và nổ. Trong khi đó, nếu lốp bị bơm quá căng, khi có áp suất đột ngột cũng rất dễ dẫn đến hiện tượng nổ lốp.
Nguyên nhân thứ hai là việc sử dụng lốp quá cũ, lốp yếu, lốp kém chất lượng dẫn đến sự cố bị nổ lốp. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, khi xe chạy trên đường cao tốc, do đường cao tốc có độ nhám cao, xe lại di chuyển ở tốc độ cao nên lực ma sát lớn, sinh ra nhiệt làm khí bên trong giãn nở. Nếu lốp không đảm bảo sẽ bị tác động dẫn đến sự cố.
Một nguyên nhân mang tính chủ quan nữa cũng không thể không kể đến là xe chở quá tải trọng. Điều này cũng rất dễ hiểu. Bởi mỗi loại lốp ô tô đều được thiết kế với khả năng chịu tải nhất định. Nếu xe chở quá tải trọng, lốp sẽ phải chịu áp lực cao và dẫn đến phát nổ.
Làm gì để tránh bị nổ lốp?
Từ những nguyên nhân dẫn đến các sự cố nổ lốp, có thể thấy ngoại trừ những trường hợp ngoài ý muốn và không thể lường trước; tài xế hoàn toàn có thể phòng, tránh hoặc hạn chế tối đa nguy cơ dẫn đến nổ lốp.
Đầu tiên là phải sử dụng lốp xe đảm bảo chất lượng. Dĩ nhiên, tùy dòng xe, điều kiện kinh tế mà chủ xe sẽ trang bị loại lốp phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tránh các sự cố về lốp, tốt nhất nên lựa chọn các mẫu lốp mới, có thương hiệu và được chứng nhận chất lượng. Ngoài ra, nên sử dụng lốp phù hợp với kiểu loại và mục đích, nhu cầu sử dụng xe.
Tiếp theo, nên thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng của lốp. Đặc biệt trước những chuyến đi xa, dài ngày. Công việc này khá đơn giản và không mất nhiều thời gian nhưng thực tế lại rất hiệu quả. Tài xế chỉ cần đi quanh xe, kiểm tra xem lốp có bị non hoặc căng quá không, bề mặt lốp có bị nứt, rách hay không, gai lốp có bị mòn quá không,… Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều thiết bị kiểm tra, theo dõi áp suất lốp. Nếu xe chưa có, người lái nên trang bị thiết bị này để đảm bảo an toàn.
Hơn nữa, cần lưu ý rằng thời gian sử dụng trung bình của lốp ô tô được khoảng 5 năm kể từ ngày sản xuất, tương đương quãng đường di chuyển khoảng 50.000 km. Nếu xe đi ít, sau 5 năm lốp chưa mòn nhiều, vẫn dùng được thì chủ xe nên kiểm tra lốp tối thiểu mỗi năm một lần và thời gian sử dụng không nên quá 10 năm. Thời gian sản xuất thường được các hãng in trên thành lốp.
Và cuối cùng, như đã đề cập, mỗi dòng ô tô cũng như lốp xe đều được thiết kế với tải trọng nhất định. Vì vậy, không nên chở quá tải trọng khuyến cáo. Đồng thời, không nên lái xe di chuyển liên tục trong thời gian dài, thay vào đó nên dừng lại nghỉ ngơi. Điều này không chỉ giúp tài xế tỉnh táo hơn mà còn giúp lốp xe có thời gian "nghỉ ngơi", tránh trường hợp ma sát quá lâu dẫn đến tăng nhiệt và áp suất, gây nổ lốp.
Bình luận (0)