Các chuyên gia quan ngại khi người dùng mạng xã hội ngày càng trẻ hóa kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi tiếp cận nội dung không phù hợp lứa tuổi |
Chụp màn hình |
Lo ngại trẻ em tiếp cận nội dung 18+
Tại sự kiện Hiểu về mạng để dạy em an toàn do Google Việt Nam tổ chức hôm 26.6, bà xã ca sĩ Hoàng Bách tâm sự: "Có một lần, tôi phát hiện ra con vào những đường link, những trang web chưa phù hợp với lứa tuổi. Lúc đó, hai vợ chồng hốt hoảng lắm”. Dù đã lường trước nhưng vợ chồng Hoàng Bách vẫn không khỏi lo lắng khi con còn quá nhỏ. Điều này dẫn đến việc trẻ dễ bị lệch lạc nhận thức khi tiếp cận nội dung nhạy cảm.
Sau sự việc, gia đình Hoàng Bách tích cực tìm phương án xử lý. Bà xã nam ca sĩ nói: “Tôi làm bạn với con, thường xuyên chia sẻ những đường link chứa thông tin bổ ích. Khi có vấn đề nóng đang diễn ra, cả nhà cùng ngồi lại thảo luận. Tôi tạo ra thói quen giúp mọi người chủ động chia sẻ thông tin. Từ đó, con cũng chủ động chia sẻ với mình, tránh cảm thấy hốt hoảng, bối rối khi bắt gặp thông tin không phù hợp…”.
Vợ chồng Hoàng Bách chia sẻ cách giáo dục con khi sử dụng internet, mạng xã hội |
BTC |
Tuy nhiên, gia đình Hoàng Bách không giấu được sự bất an trước muôn vàn nội dung biến tướng trên mạng, hiện cũng là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh có con nhỏ sớm tiếp cận với internet, mạng xã hội.
Một khảo sát của Google và Qaltrics năm 2021 cho thấy có đến 71% phụ huynh quan ngại về các vấn đề an toàn trên không gian mạng với con trẻ trong thời điểm Covid-19. Trong số đó, những quan ngại hàng đầu bao gồm: an toàn thông tin của trẻ nhỏ, trẻ nhỏ đối mặt với người lạ và xem những thông tin không phù hợp với lứa tuổi.
Theo báo cáo gần đây của Ofcom, cơ quan quản lý truyền thông Anh, trẻ em là đối tượng đặc biệt yêu thích sử dụng mạng xã hội. Nghiên cứu chỉ ra có 99% trẻ em từ 3-17 tuổi sử dụng internet vào năm 2021. Trong đó, 89% đối tượng trong phạm vi khảo sát dùng YouTube. Một nửa trong số đó sử dụng TikTok.
Nhiều nội dung độc hại, núp bóng giải trí tràn lan trên mạng xã hội |
CHỤP MÀN HÌNH |
Hầu hết các nền tảng mạng xã hội yêu cầu người dùng có độ tuổi 12+. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng dưới độ tuổi cho phép chiếm số lượng lớn. Báo cáo từ phía Ofcom cho thấy phần lớn trẻ em dưới 13 tuổi đã có tài khoản riêng trên ít nhất một ứng dụng hay trang mạng xã hội. Đáng chú ý, phía này gây bất ngờ khi tiết lộ có khoảng 16% trẻ em 3-4 tuổi đã sớm tiếp cận TikTok.
Đáng chú ý, những nền tảng này hiện đang tồn tại khá nhiều clip rác, độc hại. Gần đây, xu hướng sex jokes (trò đùa tình dục) cùng nhiều video 18+, cổ xúy hành vi lệch lạc (loạn luân, quấy rối tình dục, bắt nạt…) được lan truyền gây bức xúc. Những nội dung rác này được chỉnh sửa tỉ mỉ, núp bóng dưới các trào lưu giải trí. Để vượt rào kiểm duyệt, các chủ tài khoản đã chuyển sang sử dụng tiếng lóng, tráo ký tự trong từ ngữ phản cảm… cùng nhiều chiêu trò tinh vi.
Dạy con biết thế nào là "giới hạn"
Sự bùng nổ của các nền tảng sản sinh hàng triệu nhà sáng tạo nội dung trên toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng không đi kèm chất lượng. Nhiều chủ tài khoản bất chấp tạo ra nội dung độc hại, đồi trụy nhằm câu view kiếm tiền.
Là tác giả của nhiều đầu sách gia đình, nhà báo Trần Thu Hà cũng chung nỗi lo trước "cơn bão" kỹ thuật số hiện tại. Bên cạnh việc tích cực dọn dẹp nội dung rác, bà cho rằng việc tự trang bị kiến thức cho người dùng rất cần thiết. Đặc biệt, bố mẹ có trách nhiệm định hướng, dạy con những kỹ năng mềm khi sinh hoạt trên mạng ngay từ sớm.
Sự kiện Hiểu về mạng để dạy em an toàn với nhiều hoạt động bổ ích do Google Việt Nam tổ chức |
BTC |
Tác giả quyển Buông tay để con bay nói: “Hãy làm bạn với con ngay từ nhỏ, mọi lúc mọi nơi. Qua đó, chúng ta có thể dạy con những giá trị như: tỉnh táo, thông minh, can đảm, tử tế và mạnh mẽ. Trong đó, yếu tố can đảm, mạnh mẽ giúp con nhận diện, báo cáo những nội dung không lành mạnh. Các nét tính cách này giống như một màng bọc, lớp bảo vệ giúp các con tự vệ khi lỡ xem phải những nội dung bạo lực, riêng tư, không phù hợp lứa tuổi… Chúng ta nên dạy con những điều này ngay khi chúng còn nhỏ. Không chỉ có thể tự bảo vệ chính mình, các con còn có thể bảo vệ bạn bè và cả người lớn”.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Điều hành C.F.C (Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng) chia sẻ với Thanh Niên: “Khi đối diện vấn đề này, hãy nghĩ đến từ khóa “giới hạn”. Ở góc độ người lớn, chúng ta phân biệt được đâu là nội dung lành mạnh, đâu là nội dung phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi. Nhưng ở góc độ trẻ con, làm sao chúng biết được. Khi đó, tôi thường nói với các con, khuyên các con nên quay về với cảm xúc của mình. Khi các con cảm thấy nội dung nào khiến mình không thoải mái, thấy sợ hãi, bất an, căng thẳng… thì các con nên dừng lại, tắt đi. Đấy chính là giới hạn của các con”.
Bà Lương Ánh Tuyết cho rằng ngoài các cơ quan ban ngành, phía gia đình và cá nhân phải chủ động trang bị kiến thức để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng |
BTC |
Theo bà Lương Ánh Tuyết, quản lý truyền thông mảng sản phẩm Google APAC, thị trường Việt Nam, để xây dựng môi trường mạng lành mạnh cần hướng giải quyết đồng bộ đến từ nhiều phía. Ngoài chính phủ, các ban ngành, doanh nghiệp liên quan thì vai trò của gia đình và cá nhân cũng vô cùng quan trọng.
"Hiện tại, chúng tôi thấu hiểu những quan ngại và luôn luôn nỗ lực làm sạch, làm lành mạnh môi trường mạng bằng công nghệ, máy lọc và cả từ con người nữa. Về yếu tố con người, chúng tôi có nhân viên, tổ chức phi chính phủ và những đơn vị cộng tác. Tất nhiên, để làm được điều đó cũng cần sự nỗ lực từ phía gia đình và cá nhân. Họ có những công cụ góp phần dọn dẹp môi trường mạng bằng cách gắn cờ, báo cáo nội dung, comment bẩn…”, bà Tuyết chia sẻ.
Google ra mắt loạt clip ngắn Internet phiêu lưu ký giúp trẻ học hỏi thông qua các tình huống thiếu an toàn khi truy cập trực tuyến |
BTC |
Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Google ra mắt loạt clip ngắn Internet phiêu lưu ký. Đây là hoạt động thuộc chuỗi dự án giáo dục Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google. Loạt phim gồm 3 tập, lồng ghép các tình huống giúp cha mẹ và bé nhận diện cũng như phòng tránh các nguy cơ khi tham gia trực tuyến.
Trước đó, Google từng ra mắt bộ tài liệu miễn phí Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google dành cho giáo viên, phụ huynh và các em nhỏ, xoay quanh 5 chủ đề cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số. Bên cạnh đó, phía này còn sáng tạo trò chơi trực tuyến Interland giúp trẻ tương tác và học hỏi để tự bảo vệ trên môi trường mạng.
Bình luận (0)