Tan hoang đội tàu du lịch vịnh hạ long
Đến Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) dịp này, không ai hình dung địa điểm vốn tấp nập du khách trong và ngoài nước đến chờ tàu tham quan vịnh Hạ Long giờ lại rơi vào cảnh đìu hiu đến thế. Hơn 1 năm trước, ngày “hẻo” nhất, tại đây cũng bán được hàng nghìn vé tham quan vịnh Hạ Long, nhưng bây giờ, đỏ mắt không tìm thấy bóng du khách nào.
Hơn 10 năm kinh doanh chở khách tham quan trên vịnh Hạ Long, anh Vũ Đức Dũng (40 tuổi, trú tại P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long; đang sở hữu đội tàu gần 10 chiếc), cho biết đến giờ vẫn chưa thể tin nổi sự tàn phá đáng sợ đến vậy của dịch Covid-19 với ngành du lịch địa phương.
“Cách đây 1 năm, kể cả vào mùa thấp điểm, tàu du lịch và khách sạn của nhà tôi vẫn túc tắc kinh doanh, nuôi đủ hàng chục nhân công. Thế nhưng, khi làn sóng dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra vào đầu năm 2020, đến giờ tôi vẫn chưa thể tưởng tượng nổi nó đáng sợ đến vậy. Gần 1 năm trời, các làn sóng dịch bệnh đã đánh sập hệ thống dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng ở Hạ Long. Nhiều doanh nghiệp phải bán tàu, đóng cửa khách sạn để trả nợ, hàng nghìn người mất việc làm”, anh Dũng nói.
Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương, nói thêm rằng, những tưởng sau tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh tạm lắng xuống, du khách sẽ đổ xô đến Hạ Long, nào ngờ Quảng Ninh lại là địa phương khởi phát làn sóng dịch thứ 3 tại Việt Nam, khiến ngành du lịch tiếp tục chịu “trận đòn đau” của Covid-19.
Không chỉ tàu du lịch, khách sạn nhà hàng cũng điêu đứng vì dịch bệnh này. Nhiều hộ kinh doanh cá thể quanh khu du lịch Bãi Cháy buộc phải tạm nghỉ bán hàng. Dọc đường Hạ Long, các cửa hàng, siêu thị bán đồ lưu niệm đã đóng cửa suốt 1 năm qua, bàn ghế phủ đầy bụi, bảng hiệu xô đổ mà chẳng ai đến dọn dẹp, bởi dù có mở cửa bán hàng cũng chẳng có ai ghé vào hỏi mua.
Chị Trần Huyền Trang, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Khu du lịch Bãi Cháy, cho biết: “Gần 1 năm qua, cửa hàng tôi chỉ mở bán túc tắc được 3 tháng, còn lại đóng cửa suốt. Sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 ập tới, không biết có gắng gượng được không. Nếu tình hình này kéo dài, có lẽ tôi phải chuyển nhượng cửa hàng, kinh doanh sang lĩnh vực khác để mưu sinh”.
Tận dụng cơ hội an toàn để vực dậy du lịch
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, địa phương này đón khoảng 1,35 triệu khách, giảm 2,25 triệu khách so với kịch bản; và giảm 40% so với cùng kỳ 2020; tổng thu du lịch ước đạt 2.565 tỉ đồng, giảm 4.635 tỉ đồng so với kịch bản và giảm 44% so với cùng kỳ 2020.
Trước đó, năm 2020, Quảng Ninh đã tung ra các gói kích cầu du lịch vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt, thế nhưng, đợt dịch bùng phát lần thứ 3 đã “đánh chìm” nỗ lực vực dậy ngành du lịch. Từ đầu năm đến nay, khoảng 20.000 lao động bị mất việc làm và kế hoạch đón 3,6 triệu khách du lịch trong quý 1/2021 bị phá sản.
Sau khi khống chế được 2 ổ dịch lớn H.Vân Đồn, TX.Đông Triều, từ ngày 2.3, Quảng Ninh bắt đầu tái khởi động ngành du lịch, nhưng tạm thời chỉ đón khách nội địa, với các quy định kiểm soát chặt chẽ ngăn ngừa nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Ghi nhận của Thanh Niên từ 6 - 8.3, tại Khu di tích, danh thắng Yên Tử chỉ đón vài trăm khách đến chiêm bái. Trong khi đó, vịnh Hạ Long vẫn trong tình cảnh buồn thảm, gần như không thấy bóng dáng du khách nào.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết trong mấy ngày qua, đơn vị mới chỉ bán được mấy chục vé tham quan do du khách chưa mặn mà với việc đi du lịch. “Thông thường, khách nội địa phải đến dịp hè mới đông trở lại, bởi thời gian này, mọi người còn bận công việc làm ăn, học sinh cũng chưa được nghỉ học. Dự định phải tới cuối tháng 4, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách du lịch mới kéo tới Hạ Long”, ông Huỳnh nói.
Theo nhận định của Sở Du lịch Quảng Ninh, dự kiến phải mất vài tháng nữa, Quảng Ninh mới dần vực dậy được ngành công nghiệp không khói này. Tuy nhiên, ngay thời điểm này, Quảng Ninh vẫn tận dụng cơ hội an toàn trong bối cảnh dịch bệnh để kích cầu thị trường, thông qua việc duy trì 4 gói kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỉ đồng; duy trì các chính sách ưu tiên, miễn giảm vé tham quan, lưu trú vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích, danh thắng Yên Tử đến hết năm 2021.
Ngoài ra, ngành du lịch tỉnh này cũng đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới; tăng cường hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh liên kết, mở rộng không gian và thị trường khách du lịch trên cơ sở gắn kết chính quyền - điểm đến - doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh thời gian tới, doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông theo phương châm truyền thông chủ động, tích cực về một Quảng Ninh “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”.
“Tỉnh Quảng Ninh sẽ cho rà soát lại các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược như đường cao tốc, cảng biển, khẩn trương phục hồi ngành vận tải, hàng không, từng giờ từng phút tận dụng cơ hội an toàn trong dịch bệnh để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi nhanh trong quý 1 và cả năm 2021”, ông Ký cho biết.
Bình luận (0)