Nguyễn Thiên Minh từng rối loạn hưng - trầm cảm, suýt nhảy lầu tự tử |
bảo vy |
Nguyễn Thiên Minh (tên nhân vật đã được thay đổi), 22 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Quang Trung, Bình Phước giành hàng loạt giải thưởng với môn vật lý. Là học sinh giỏi quốc gia 2 năm liên tiếp, được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng có những cú sốc đến, khiến một thời gian dài anh bị rối loạn lưỡng cực (rối loạn hưng - trầm cảm).
"Tôi luôn nghĩ tới chiếc xe tải cán nát mình"
Thiên Minh hay bị bắt nạt hồi còn nhỏ. Sống khép kín, ít thích nói chuyện với mọi người. Bạn bè đã gọi anh là Minh “khùng”, do không thích tụ tập lêu lổng, phá làng phá xóm như nhiều bạn bè trang lứa mà chỉ mê đọc sách, làm việc.
“Sáng nào tôi cũng đi khắp mấy rẫy cao su để vệ sinh tô mủ, trút mủ thuê. Tôi nặng có 30 kg nhưng xách chiếc thùng hơn 20 kg mủ khật khưỡng. Làm xong thì về làm việc nhà rồi trưa chiều đạp xe đi học. Mỗi tháng tôi kiếm được 600.000 đồng tới 1 triệu đồng đưa cho mẹ”, chàng trai kể.
Minh được vào lớp chọn từ năm lớp 7. Sự ấm áp là những lời khen ngợi từ thầy giáo. Minh liên tiếp được thi học sinh giỏi.
Năm lớp 9, anh đạt giải nhì học sinh giỏi cấp huyện Phú Riềng (trước đây là huyện Bù Gia Mập), giải nhất toàn tỉnh môn vật lý. “Sau những giải thưởng ấy, tôi rất kinh ngạc khi có lần mình ở quán internet chơi tới tận 12 giờ trưa mà bố chỉ gọi về ăn cơm rất nhẹ nhàng chứ không quát mắng như mọi lần”, Minh kể lại.
Anh tiếp tục là niềm tự hào của gia đình khi thi đậu lớp chuyên vật lý, Trường THPT Chuyên Quang Trung, giành huy chương vàng môn vật lý ở Olympic tháng 4 TP.HCM mở rộng năm lớp 10. Năm lớp 11, Minh đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn vật lý. Năm lớp 12, Minh tiếp tục giành giải ba trong kỳ thi này. Nhưng đây cũng chính là dấu mốc để cuộc đời Minh đổi thay và con người trong anh vụn vỡ.
“Tôi rất kỳ vọng mình sẽ giành giải nhì quốc gia để có thể vào đội tuyển thi Olympic vật lý quốc tế. Tôi học ngày đêm và không tham gia các buổi ra quán net với bạn bè. Tôi dằn vặt về bản thân là chỉ có thể giậm chân tại chỗ. Nhưng những điều đó không khiến tôi sụp đổ. Những lời nói từ người thân trong gia đình như những cú tát: “Tao cho mày ăn học như thế mà không bằng thằng A, B…”. Tôi đã để cuộc đời mình trôi trong sự chán chường”, anh kể lại với người viết.
Học sinh giỏi quốc gia, tuyển thẳng vào ĐH nhưng có lúc Minh không biết mình đang cần gì, phải làm gì |
bảo vy |
Được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, song Minh vẫn ôn tập và tiếp tục thi ĐH, dư điểm vào ngành Kỹ thuật cơ - điện tử, khoa Cơ khí như một sự khẳng định lại với người thân về những gì anh nỗ lực.
Nhưng những cảm giác vụn vỡ đã có trong Thiên Minh từ lâu đã khiến Minh trở thành một con người khác. Anh dễ bị tổn thương, không biết phương hướng.
Năm nhất ĐH, động lực để học duy nhất của anh là đi chỉ bài cho các sinh viên khác để kiếm tiền. “Công việc này cho số tiền không ít, nhưng tôi thấy rất chán chường, không có động lực sống, tôi vật vờ suốt ngày. Tôi loay hoay vừa học, vừa làm. Tôi hiểu rằng những mong ước nhỏ nhoi của mình là một ngày bố tôi vỗ vai tôi nói “mày đã giỏi rồi, bố rất tự hào về mày” thật là điều khó khăn”, Minh tâm sự.
Đầu năm 2 ĐH, trong lần đi xe máy từ quê lên TP.HCM, Minh tông vào một người đi đường khiến người này nhập viện, anh giấu bố mẹ, vay 40 triệu đồng để đền bù. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi Minh phải đi làm trả nợ trong suốt 1 năm mới hết.
“Vào đầu năm 3 ĐH là khoảng thời gian đáng sợ. Đầu óc tôi lúc nào cũng căng thẳng. Tôi làm quản lý trong một chuỗi cửa hàng ăn uống rất nhiều đầu việc phải chịu trách nhiệm và liên tiếp phải hoàn thành các đồ án. Cả tuần tôi không dám ngủ, mỗi ngày chỉ chợp mắt được 1 tiếng”, Minh kể.
Tháng 2.2021 anh gọi điện cho bố mẹ nói “con muốn nghỉ học ĐH”. Không ai đồng ý. Người thân dùng biện pháp gọi điện cho tất cả bạn bè, họ hàng để nhờ can thiệp. Minh muốn nổ tung đầu óc.
Anh luôn luôn gặp ác mộng, thấy chiếc xe tải đi qua cũng nghĩ tới hình ảnh mình bị cán dưới bánh xe.
Tháng 4.2021, những ngày đầu tiên của làn sóng dịch thứ 4 ập tới TP.HCM, đỉnh điểm của những cảm xúc tiêu cực đến với Minh. Anh bước chân trong vô thức lên sân thượng chung cư mini ở Q.10, thả một chân xuống. “Một người trạc tuổi tôi bỗng xuất hiện gọi “mày làm cái gì đó”. Tôi co chân lại. Nếu không có khoảnh khắc đó, tôi đã nhảy lầu, kết thúc cuộc đời mình tuổi 21”, Minh kể.
Tìm lại chính mình
Minh đi khám bệnh và được biết mình bị rối loạn lưỡng cực, chứng bệnh rối loạn tâm thần hay còn gọi rối loạn hưng - trầm cảm. Những tháng giãn cách xã hội trong mùa dịch càng khiến tình trạng tệ hơn. Anh phải uống thuốc, nhiều tới mức lệ thuộc vào thuốc và phải “cai”.
Những cuốn sách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và những cuốn sách khác giúp anh dần nhìn ra chính tâm can của mình và hiểu được cha mẹ. Từ sự thấu hiểu vì sao cha mẹ đã từng như thế, anh cảm thông và biết ơn nhiều hơn.
Chàng trai đã tự chữa lành cho bản thân |
bảo vy |
“Không ai tự chữa lành cho bản thân hiệu quả bằng chính mình. Tôi học thói quen viết nhật ký, tìm hiểu nhiều hơn về gia đình, chữa lành từ chính việc chấp nhận, buông bỏ những mảnh dao đã găm tâm hồn mình. Những vết thương ấy đang lên da non”, Minh chiêm nghiệm.
“Tôi thương mẹ. Dù rất lâu rồi tôi chưa ôm mẹ. Nhưng tôi hiểu rằng việc mình sống gần gia đình, thấy cha mẹ khỏe mạnh, mẹ vui vẻ là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi”, điều giản dị ấy Minh mới thấy vỡ òa trong anh.
Chàng trai bị rối loạn lưỡng cực từng suýt nhảy lầu đã tìm thấy hứng thú với việc học và đi làm. Anh dành hết số tiền tiết kiệm để tải về các bài báo khoa học để nghiên cứu và không ngừng đọc thêm nhiều cuốn sách.
Minh hiểu ra rằng thực chất cuộc sống là một chuỗi vấn đề, qua vấn đề này lại có vấn đề khác. Anh mong những người trẻ đừng từ bỏ, hãy chọn tôn trọng bản thân, tìm ra cho mình một động lực để sống.
Khi bạn stress, đừng chối bỏ nó!
Minh là thành viên nhóm sáng chế màng bọc thực phẩm ăn được, giành giải nhì cuộc thi BK Innovation năm 2021.
Hiện tại, khi đã bảo lưu việc học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, anh vẫn đang làm cộng tác viên cho một dự án liên quan năng lượng bền vững tại trường, đồng thời tham gia nhóm thiết kế một ứng dụng (app) về giáo dục môi trường cho trẻ em, sắp tới được triển khai ở Đà Nẵng.
Minh nhắm tới mục tiêu sẽ thi lại ĐH vào chuyên ngành tâm lý học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM để có thể giúp nhiều hơn cho những người trẻ từng gặp vấn đề như mình.
“Thay vì sống để truyền năng lượng tiêu cực, tôi nghĩ người trẻ cần sống có trách nhiệm hơn. Khi gặp những stress, đừng chối bỏ nó, hãy tìm tòi những vấn đề ấy để tìm ra chìa khóa. Khi bạn giải quyết vấn đề của mình, cũng là vô hình, bạn đang giải quyết vấn đề mà xã hội đang gặp phải”, nam sinh từng trầm cảm suýt nhảy lầu bộc bạch.
Bình luận (0)