Làng di sản Trường Lưu: Một dòng họ có 2 di sản thế giới

Phạm Đức
Phạm Đức
17/12/2022 06:41 GMT+7

Đến nay, làng Trường Lưu là nơi duy nhất trong cả nước có đến 3 di sản tư liệu thế giới được UNESCO ghi danh. Trong đó, riêng dòng họ Nguyễn Huy ở làng này sở hữu đến 2 di sản quý là Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ.

Như vậy, 3 trong số 8 di sản tư liệu thế giới của Việt Nam nằm ở làng Trường Lưu.

Giá trị xuyên quốc gia

Cả 2 di sản của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu gồm Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nếu không nhờ công của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu) thì chắc có lẽ các tư liệu quý này vẫn đang trong tủ của một dòng họ.

Ông Mỹ nói rằng, là một người con của dòng họ Nguyễn Huy nên ông rất tự hào về các bậc tiền nhân và từ lâu ông đã rất quan tâm đến các tư liệu quý mà dòng họ vẫn đang lưu giữ. Năm 2013, khi dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh đang tiến hành lập hồ sơ để tiến tới đệ trình lên UNESCO, một số nhà nghiên cứu đã hỏi ông về làn điệu hát Phường Vải ở làng Trường Lưu.

“Thông qua đây, tôi mới biết cách thức lập hồ sơ và nhận ra rằng Mộc bản Trường học Phúc Giang của dòng họ cũng rất có giá trị, xứng đáng là di sản tư liệu của thế giới. Do đó, từ năm 2013 đến năm 2015, tôi bắt đầu nghiên cứu, lập hồ sơ về di sản này. Và đến năm 2016 bảo vệ thành công và mộc bản của dòng họ đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Mỹ tâm sự.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ và tập sách Hoàng Hoa sứ trình đồ

PHẠM ĐỨC

Theo ông Mỹ, Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Mộc bản Phúc Giang trước đây có hơn 2.000 bản gỗ được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời hậu Lê do 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy sáng tạo, biên soạn là Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự.

“Sau khi mộc bản được ghi danh, tôi tiếp tục được tỉnh Hà Tĩnh giao cho nghiên cứu về tư liệu Hoàng Hoa sứ trình đồ do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh ghi chép lại trong thời kỳ được triều đình cử đi sứ sang Trung Hoa năm 1766 - 1767 do ông làm Chánh sứ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ và nhờ các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá về giá trị của nó, tôi cùng đoàn của tỉnh Hà Tĩnh và Việt Nam thêm một lần nữa gửi lên Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và được UNESCO công nhận là di sản của thế giới vào năm 2018”, ông Mỹ nhớ lại và khẳng định, cả 2 di sản của dòng họ Nguyễn Huy đều có tính giá trị khác biệt so với các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam và các nước khác.

Theo ông Mỹ, điểm khác biệt của Mộc bản Trường học Phúc Giang là mang dấu ấn giáo dục của tư nhân, do 5 cha ông con cháu của dòng họ Nguyễn Huy tự biên soạn, in ấn. Riêng Hoàng Hoa sứ trình đồ thì có giá trị về ngoại giao, mang tính xuyên quốc gia, được các nước, trong đó có Trung Quốc, rất quan tâm.

Đưa di sản của làng ra thế giới

Mới đây, vào ngày 26.11, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra từ ngày 23 - 26.11 tại Andong (tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc), Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 - 1943) chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là di sản thứ 3 ở làng Trường Lưu được UNESCO ghi danh sau Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ của dòng họ Nguyễn Huy.

“Đây là lần thứ 3 tôi cùng với các nhà nghiên cứu của tỉnh Hà Tĩnh và quốc gia lập hồ sơ để đưa di sản ở làng Trường Lưu ra thế giới. Vì là người rất am hiểu về làng, nắm giữ nhiều tư liệu quý nên cũng giống như 2 di sản của dòng họ Nguyễn Huy lần trước được UNESCO công nhận, lần này tôi lại tiếp tục là người chủ trì sưu tầm, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ. Khi di sản văn bản Hán Nôm được công nhận thì tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm”, Giáo sư Mỹ nói.

Giáo sư Mỹ cho hay, bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ ở làng Trường Lưu là Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng. Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn (1689 - 1943), 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu cũ (nay là xã Kim Song Trường) dưới thời Nguyễn (1803 - 1943) và 3 bức trướng tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt (gồm: bà Phan Thị Trừu nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, khen Nguyễn Huy Quýnh đỗ tiến sĩ và mừng thọ 70 tuổi Nguyễn Huy Cầu).

“Bộ sưu tập là bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học, kính trọng người cao tuổi của một làng quê tiêu biểu Việt Nam, cụ thể là làng Trường Lưu thời bấy giờ”, ông Mỹ bày tỏ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.