Lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương lo hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân bị lộ

Duy Tính
Duy Tính
19/10/2022 15:42 GMT+7

Lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương lo lắng thông tin hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân bị lộ. Bệnh viện đã đặt ra các giải pháp ứng phó nhưng... bất lực vì thiếu tiền, thiếu nhân viên công nghệ giỏi và vướng cơ chế.

Ngày 19.10, Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM đã giám sát tại BV (BV) Hùng Vương về tình hình thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030.

Quan trọng nhưng... bế tắc

Báo cáo với đoàn giám sát, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương cho biết, về thực hiện y tế thông minh, BV kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin; có phần mềm quản lý BV phù hợp nhu cầu thực tế; có đội ngũ con người vận hành.

“BV Hùng Vương là 1 trong những BV đầu tiên quản lý BV bằng hệ thống công nghệ thông tin (CN-TT). Nhưng so với tốc độ phát triển thì BV đánh giá là chưa phát triển mạnh mẽ, do các yếu tố khách quan và chủ quan. Đến thời điểm này, BV nhìn nhận vẫn chưa đạt mục tiêu y tế thông minh theo mong muốn đặt ra”, PGS-TS Diễm Tuyết nói.

PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương

DUY TÍNH

Cũng theo PGS-TS Diễm Tuyết, dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và wifi cho BV đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành. Đây là một trong những trăn trở lớn nhất vì bà đeo bám 3 năm trời vẫn chưa được. Còn vướng nhiều yếu tố, như: khi lập dự án gửi Sở KH-CN, Sở KH-ĐT, UBND TP và đến khi nhận được quyết định cho phép thực hiện dự án thì các máy móc công nghệ đã lỗi thời. Nếu quay trở lại xin điều chỉnh thì sẽ chậm trễ thêm nữa, lại rơi vào vòng luẩn quẩn.

“CN-TT là một ngành phát triển rất nhanh, nếu đi chậm thì kỹ thuật CN-TT lỗi thời. Nếu "đâm đầu" vào làm theo những cái lỗi thời đó thì rất lãng phí. Đây là điều tôi rất tâm tư, vì không có được hạ tầng CN-TT, không làm gì được, dù phần mềm hay cách mấy cũng không thể vận hành tốt được. Chúng tôi nhận diện đây là vấn đề quan trọng, nhưng bế tắc ở điểm này”, PGS-TS Diễm Tuyết nói.

Không tuyển được nhân viên CN-TT giỏi

Người đứng đầu BV Hùng Vương cũng cho biết, BV có đơn vị quản lý CN-TT, dù chỉ có 2 người nhưng đã xây dựng 28 phần mềm đáp ứng yêu cầu của BV.

Nhưng để đáp ứng được nhu cầu phát triển CN-TT, BV thì rất khó tìm được những người có năng lực cao, ngoại trừ một số người đã gắn kết với BV. BV không tuyển được nhân viên CN-TT theo nhu cầu thực tế vì lương người làm CN-TT ở BV thấp hơn rất nhiều hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường. Vì vậy, BV đăng tuyển quanh năm nhưng vẫn không thể nào tuyển được nhân sự.

Xin đầu tư hệ thống này nhưng chưa được

Cũng theo PGS-TS Diễm Tuyết, y tế thông minh gồm 2 lĩnh vực lớn: quản trị BV và đáp ứng nhu cầu bệnh nhân (BN).

Với nhu cầu BN, BV có các hệ thống: đăng ký khám trực tuyến (BN theo dõi được kết quả khám, chẩn đoán xét nghiệm… ); thanh toán không bằng tiền mặt (77.000 lượt thanh toán không dùng tiền mặt trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 10 lần so với năm 2020); khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, phần mềm ứng dụng, trí tuệ nhân tạo (chẩn đoán bệnh).

Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM giám sát tại BV Hùng Vương

DUY TÍNH

Hiện nay, riêng với bệnh án điện tử, BV Hùng Vương đã hoàn thành bệnh án ngoại trú (100%), bệnh án nội trú sản khoa (99%), nội trú phụ khoa (60%), sơ sinh (40%).

“BV xây dựng bệnh án điện tử từ năm 2020, đến năm 2023 mong muốn hoàn thành theo quy định của Bộ Y tế và được Bộ Y tế công nhận. Nhưng cần hạ tầng CN-TT đủ mạnh và xây dựng các mẫu bệnh án điện tử để khi cần trích xuất được số liệu báo cáo”, PGS-TS Diễm Tuyết nói.

Nhưng quan trọng nhất của bệnh án điện tử là hệ thống bảo mật thông tin, an ninh mạng vì toàn bộ dữ liệu của BN nếu không bảo mật thì có thể dẫn đến vi phạm pháp luật liên quan luật Khám, chữa bệnh. BV đã xin đầu tư hệ thống này nhưng chưa được.

4 kiến nghị của Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc BV Hùng Vương kiến nghị cần tính đúng, tính đủ giá viện phí có tích hợp CN-TT trong cơ cấu giá. Cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với CN-TT cần rõ ràng và chi tiết giúp BV dễ thực hiện, tránh vi phạm pháp luật. Định hướng chung phần mềm quản lý BV để có sự thống nhất sau này, thuận tiện cho việc kết nối, trao đổi thông tin. Cuối cùng, chế độ lương đúng mặt bằng thị trường, đãi ngộ cho nhân viên CN-TT làm việc tại các BV để thu hút nguồn nhân lực CN-TT.

Ngoài ra, lãnh đạo BV Hùng Vương bày tỏ mong muốn TP xem xét có nguồn đầu tư cho y tế, y tế dự phòng hoặc hệ thống y tế thông minh về hạ tầng để đáp ứng y tế thông minh và đạt mục tiêu của TP.

"Cần mời công an quét dữ liệu, test máy"

Kết luận cuộc giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đề nghị BV Hùng Vương cần quan tâm hơn nữa đối với các dữ liệu, tăng cường quản lý chặt chẽ hồ sơ bệnh án điện tử.

BV mạnh dạn định kỳ mời cơ quan công an đến để test máy và quét dữ liệu, để cùng chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Vì có những phần mềm thủ thuật, kỹ xảo mà nhân viên IT cũng có thể không biết hết được.

Để đồng bộ trong ứng dụng CN-TT, ông Bình cũng đề nghị Sở Y tế và Sở TT-TT ban hành bộ tiêu chí đảm bảo cho các đơn vị sử dụng phần mềm. Sở Y tế nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích thêm cho đội ngũ CN-TT. Kịp thời tuyên dương, động viên cá nhân, tập thể làm tốt đề án y tế thông minh.

Trẻ sinh năm 2022 ước tính giảm 30%

Mỗi năm tại BV Hùng Vương có từ 40.000 - 45.000 trẻ được sinh ra. Nhưng năm 2022 ước tính giảm 30% so với những năm trước đây. Bên cạnh đó, các năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, số lượt khám, phẫu thuật giảm rất sâu. Do BV tự chủ chi thường xuyên nên việc giảm BN ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của cán bộ viên chức, người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.