Lãnh đạo Nga chỉ trích phương Tây đang hủy hoại văn hóa, kinh tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25.3 lên án điều mà ông gọi là "sự phân biệt đối xử ngày càng tăng đối với mọi thứ liên hệ với Nga" tại phương Tây, trong khi giới chức nước này chỉ trích các lệnh cấm vận của phương Tây.
Tự động phát
Ông Putin nói: "Tên tuổi của Tchaikovsky, Shostakovich, Rachmaninov đang bị xóa khỏi các buổi trình diễn. Các nhà văn Nga và sách của họ đang bị cấm. Lần cuối cùng từng xảy ra một chiến dịch quy mô lớn nhằm hủy diệt nền văn học không mong muốn là do Đức Quốc xã tiến hành gần 90 năm trước”.
Tại một sự kiện khác ở Moscow hôm 25.3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây đang tiến hành cuộc chiến toàn diện nhằm xóa sạch kinh tế Nga với hàng loạt lệnh cấm vận.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Lavrov nói rằng: "Phương Tây chẳng hề che giấu mà tuyên bố công khai mục tiêu - là phá hủy, bẻ gãy, xóa sổ, bóp nghẹt kinh tế Nga và nước Nga nói chung".
Kaspersky bị đưa vào "danh sách đen" của Mỹ |
reuters |
Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho rằng thật là "ngờ nghệch" khi nghĩ rằng những lệnh cấm vận áp lên doanh nghiệp Nga sẽ ảnh hưởng đến chính phủ nước này.
Ông Medvedev phát biểu trên kênh RIA rằng, các lệnh cấm vận chỉ giúp xã hội Nga đoàn kết chứ không tạo bất đồng giữa người dân với chính quyền.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước phương Tây đã đồng loạt áp các biện pháp cấm vận lên Nga. Tiếp nối làn sóng này, tờ The Guardian ngày 26.3 đưa tin Anh cấm vận 65 cá nhân và tổ chức Nga bị cáo buộc hỗ trợ Nga đưa quân đến Ukraine, trong đó có Kronshtadt, công ty quốc phòng Nga và nhà sản xuất chính loại máy bay không người lái (UAV) Orion và các UAV khác.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, những UAV này đã được Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Ở một diễn biến khác, Mỹ vừa thông báo đưa một công ty Nga vào danh sách những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị liên lạc bị xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Danh sách đen của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bao gồm AO Kaspersky Lab (Nga) và China Mobile International (Trung Quốc).
Theo ủy viên FCC Brendan Carr, động thái này "sẽ hỗ trợ đảm bảo các mạng lưới của chúng ta khỏi những mối đe dọa từ những thực thể được nhà nước Nga và Trung Quốc hậu thuẫn tham gia hoạt động gián điệp và gây tổn hại các lợi ích của Mỹ”, theo Reuters.
Kaspersky, có trụ sở ở Moscow, lâu nay phủ nhận là một công cụ của chính phủ Nga, theo Reuters.
Bình luận (0)