Áp lực tăng giá bủa vây sinh viên
Vài năm qua, căn phòng trọ khoảng 20 m2 ở một con hẻm trên đường Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức (TP.HCM) là nơi trú ngụ của 2 nữ sinh viên (SV). Gần đây, căn phòng trở nên chật chội hơn vì có thêm thành viên. Phòng tăng thêm 1 người nhằm đỡ nhau gồng gánh vì giá phòng trọ đã tăng chóng mặt so với năm ngoái. Hứa Như Quỳnh, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cùng 2 người bạn cùng là SV năm cuối, đều có gia cảnh khó khăn. Quỳnh kể, tiền trọ từ sau dịch tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,3 triệu đồng, nếu tính thêm điện, nước thì tổng cộng lên đến gần 2,7 triệu đồng.
Vật giá leo thang đang là gánh nặng với sinh viên |
“Phòng 3 người thì có 2 người sống phụ thuộc cha mẹ, 1 người phải làm thêm từ sáng đến tận 22 giờ mới về nhà. Bạn phải làm thời gian dài như vậy mới đủ đáp ứng nhu cầu sống hiện tại”, Quỳnh chia sẻ.
Chưa kể giá xăng tăng làm Quỳnh “chóng mặt” mỗi khi đi lại. Năm trước cô chỉ đổ 50.000 đồng tiền xăng là có thể đi được 1 tuần, nhưng giờ thì chỉ đi được 2 ngày cho quãng đường từ Q.12 đến làng đại học Thủ Đức và ngược lại. Từ đó, những ngày phải chi tiêu dè sẻn, dưới mức trung bình của Quỳnh cùng 2 người bạn ngày một nhiều. Áp lực kẹt tiền xuất hiện thường xuyên hơn.
“Ngày đi học cũng như ngày nghỉ đều ở trường… Chỉ về nhà khi trời đã tối. Tôi cũng không dám đi chơi xa, chỉ đi xe buýt đến những nơi cần thiết. Chấp nhận ăn mì gói xen kẽ với những bữa cơm bên ngoài”.
Trương Văn Hài, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Là SV năm 2 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Văn Tỷ cho biết cũng đang trong tình cảnh thắt lưng buộc bụng. Ở quê, gia đình Tỷ vốn đã khó khăn, rồi dịch đến khiến cuộc sống càng ngặt nghèo hơn. Cậu phải vay tiền Ngân hàng chính sách để đóng học phí, làm gia sư để tự trang trải. Thời gian qua Tỷ lo nhất là tiền xăng vì giá tăng liên tục. Quãng đường đi làm gia sư gần 20 cây số đã ngốn 1/3 số tiền dạy thêm mỗi ngày của cậu. Những loại thực phẩm đóng gói có vai trò khá quan trọng trong đời sống SV như mì gói cũng lên giá. “Ngày trước tôi mua một gói mì khoảng 3.500 đồng nhưng gần đây tăng lên đến 4.800 đồng. Đối với SV, mì gói rất quan trọng và buộc phải mua để dự trữ”, Tỷ chia sẻ.
Nhiều mặt hàng gắn liền với đời sống sinh viên cũng tăng giá |
Phạm Hữu |
Lý Hồng Phát, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì than thở ngay cả gửi xe cũng tăng giá, giá gửi xe đạp từ 1.000 đồng tăng lên 2.000 đồng; xe máy từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng. Trái cây, thịt cá, rau củ, cơm hộp hay cả hộp xôi ăn sáng cũng tăng theo.
“Nhiều lần tôi hỏi cô bán cơm sao thịt hôm nay ít đi vậy, cô chủ trả lời xăng tăng, giá thịt tăng thì cắt thịt mỏng lại thôi”, Phát kể.
Trương Văn Hài, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ cũng cảm nhận được sự tăng giá trong thời gian gần đây tác động đến mình như thế nào. Nhìn quanh căn phòng trọ, Hài cho biết dầu gội, xà phòng lần lượt tăng giá nhanh nhất. Tiền cơm không tăng nhưng thịt ít đi. Do vậy Hài lo ngại sẽ không đủ năng lượng cho việc học mỗi ngày.
Hài chia sẻ mỗi tháng cậu chỉ có 2 triệu đồng tiền chu cấp để chi cho mọi thứ nên phải cực kỳ dè sẻn để đủ chi tiêu, thế nhưng nhiều lúc các đồ thiết yếu hết cùng lúc khiến cậu không còn biết đường nào xoay xở.
Một dãy nhà trọ dành cho sinh viên ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM |
Tằn tiện chi tiêu
Với số tiền 3 triệu đồng trợ cấp mỗi tháng, Quỳnh cho rằng chỉ có thể đủ chi tiêu trong những năm về trước, còn giờ thì co kéo lắm mới đủ tiền trọ, ăn uống, xăng xe. Quỳnh tâm sự: “Thật sự áp lực tăng giá với tôi không nhiều mà nó chuyển thành áp lực cho cha mẹ ở nhà. Mỗi khi có vấn đề về tiền, cha mẹ phải tính toán xoay xở nhiều ngày mới có thể gửi lên được”.
Để tiết kiệm, nhóm 3 nữ sinh chọn cách nấu cơm chung, mang cơm theo đến chỗ làm hoặc chỗ học, đi xe buýt nhiều hơn thay vì đi xe máy. Thức ăn được gia đình gửi từ quê cho thêm. Ngoài ra các cô phải từ bỏ những sở thích cá nhân, chỉ sử dụng tiền tiết kiệm cho những nhu yếu phẩm hằng ngày.
Còn Tỷ cho biết từ ngày giá xăng tăng, cậu đã rời ký túc xá ra ở ghép cùng 3 người bạn để giảm chi phí. Mỗi tháng Tỷ chỉ trả 800.000 đồng tiền phòng, còn tiền ăn mỗi ngày cho 3 người chỉ 90.000 đồng, tiết kiệm được một nửa tiền ăn so với khi ở ký túc xá. Bên cạnh đó, cậu cũng tiết kiệm được tiền xăng xe, vì nơi ở trọ gần chỗ dạy thêm hơn.
Hiện tại, Lý Hồng Phát cũng đã giảm ăn cơm tiệm, tăng cường ăn cơm nhà nấu và đã thay xe máy bằng xe đạp khi đến trường.
Ở phòng trọ chật hẹp, nóng nực, chỉ có cây quạt nhỏ nhưng Trương Văn Hài cũng không dám mua thêm. “Cách tốt nhất của tôi là đi bộ lên trường, ngày đi học cũng như ngày nghỉ đều ở trường, “ké” nước uống và không gian phòng học thoáng đãng, chỉ về nhà khi trời đã tối. Tôi cũng không dám đi chơi xa, chỉ đi xe buýt đến những nơi cần thiết. Chấp nhận ăn mì gói xen kẽ với những bữa cơm bên ngoài”, Hài chia sẻ về cách tiết kiệm chi tiêu trong thời “bão giá”.
Bình luận (0)