Chiều 17.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo tình hình chống dịch ở các địa phương. Theo đó, tình hình cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn diễn biến khó lường, nhất là tại các ổ dịch ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN).
|
Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định đợt dịch này có chủng vi rút mới, lây lan nhanh, khó lường tại nhiều tỉnh - thành, nhất là dịch lại xảy ra tại các KCN trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh ở các KCN.
Dù vậy, Thủ tướng khẳng định chúng ta đang kiểm soát tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước; các tỉnh, TP có dịch đang từng bước được kiểm soát; chưa phát sinh ổ dịch chưa rõ nguồn lây; chúng ta đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phát triển
KT-XH, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được tiến hành đúng quy trình, đúng tiến độ...
Chiều 17.5, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng công nghiệp vẫn bám sát kịch bản tăng trưởng GDP từ đầu năm, xuất khẩu trong nước tăng cao hơn khu vực FDI. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp thời gian tới. Còn theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bộ KH-ĐT đã yêu cầu Ban Quản lý các KCN, nhất là tại các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, đề nghị các DN thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Chí Hiếu
|
Thủ tướng cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu như chúng ta lơ là chủ quan. Do đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân cần vào cuộc một cách thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể: huy động các nguồn lực để xét nghiệm Covid-19 chủ động; thực hiện “chiến lược vắc xin”, tìm kiếm nguồn vắc xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của Bộ TT-TT vào phòng, chống dịch; chuẩn bị thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và nguồn tài chính sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch; chuẩn bị phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện phân công, phân cấp hợp lý, rõ ràng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong mọi tình huống, nhất là khi dịch bệnh xảy ra tại các KCN; tiếp tục xây dựng chính sách, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội vào đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân nhằm trang bị kiến thức và truyền cảm hứng cho người dân vào cuộc trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19...
|
Duy trì “tổ an toàn” trong KCN
Trong khi đó, UBND tỉnh Bắc Giang vừa quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời giãn cách xã hội đối với 4 huyện từ 0 giờ ngày 17.5.
Thêm 181 ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong nước25 bệnh nhân tiên lượng rất nặngNgày 17.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 184 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu và Khánh Hòa. 181 ca mắc ghi nhận trong nước tại 11 tỉnh, TP, gồm: Bắc Giang 97 ca; Bắc Ninh 49 ca; Đà Nẵng 7 ca; Điện Biên 7 ca; Hà Nam 5 ca; Hà Nội 5 ca; Vĩnh Phúc 4 ca; Phú Thọ, Hưng Yên và Lạng Sơn mỗi tỉnh 2 ca và Tuyên Quang 1 ca. Đây là các ca phát hiện trong khu cách ly và đã phong tỏa, không có ổ dịch mới.
* Ngày 17.5, Bộ Y tế thông báo, bệnh nhân 3055 (nam, 34 tuổi) nhiễm SARS-CoV-2 đã tử vong do các bệnh lý nền. Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) ngày 10.5 với chẩn đoán viêm màng não mủ trên bệnh nhân Covid-19. 6 tháng trước đó, bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Bệnh nhân tử vong ngày 16.5, với chẩn đoán viêm màng não mủ biến chứng, nhiễm khuẩn huyết, di chứng chấn thương sọ não. Đây là bệnh nhân Covid-19 thứ 37 tử vong tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, đến chiều 17.5, trong số 1.481 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, 25 ca tiên lượng rất nặng.
Liên Châu
|
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết diễn biến dịch trên địa bàn đang diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp. Các ổ dịch đang được phong tỏa tại H.Việt Yên gồm KCN Vân Trung và Quang Châu thì ngày hôm qua cũng trên địa bàn này đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với Covid-19 đang làm việc tại Công ty TNHH VSun thuộc KCN Đình Trám. Qua điều tra dịch tễ ban đầu, cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây. Ngay sau khi phát hiện, H.Việt Yên đã phối hợp cùng các lực lượng phong tỏa, truy vết, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho các công nhân liên quan.
Cùng ngày 17.5, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm của tỉnh đã tăng do có hỗ trợ từ Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và quân đội… và 1 ngày có thể hoàn thành gần 20.000 mẫu xét nghiệm. Tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trước mắt sẽ xem xét cho dừng hoạt động của các công ty trong các KCN không đủ điều kiện về phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị Bắc Giang cần tiếp tục khẩn trương lấy mẫu tại các khu dân cư liên quan đến KCN, tranh thủ sự hỗ trợ từ lực lượng các địa phương. Đồng thời, phải theo dõi được kết quả lấy mẫu, theo dõi thời điểm, thời gian, số lượng kết quả lấy mẫu trong thời gian nhanh nhất.
PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho rằng Bắc Giang cần duy trì các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng và tổ an toàn Covid-19 trong KCN.
Còn tại Vĩnh Phúc, theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, thực hiện yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, từ ngày 14.5 các doanh nghiệp (DN) trong các KCN trên địa bàn bắt đầu khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động (gọi chung là người lao động). Đến ngày 17.5, có 306/351 DN đã ký hợp đồng với các đơn vị lấy mẫu và lấy 54.931 mẫu, trên tổng số 86.022 người lao động. Trong 31.091 người còn lại, có 25.696 người đã được công ty ký hợp đồng lấy mẫu với đơn vị lấy mẫu.
|
Do mới triển khai nên đến cuối ngày 17.5, mới có 85 mẫu có kết quả xét nghiệm và đều âm tính. Có 45 DN báo cáo, DN đang tích cực liên hệ, đăng ký và ký hợp đồng với các đơn vị xét nghiệm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều DN đã ký hợp đồng hoặc đăng ký với các đơn vị xét nghiệm nhưng chưa tới lượt xét nghiệm, do các đơn vị này đang quá tải.
Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, trước 24 giờ ngày 17.5, tất cả các DN phải triển khai được việc lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động. Từ ngày 18.5, tỉnh sẽ tổ chức đi kiểm tra. Đơn vị nào chưa hoàn thành sẽ bị xử lý. Ngoài các DN trong KCN, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu tất cả DN khác phải triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người lao động, nhưng thời hạn hoàn thành muộn hơn (đến 25.5).
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng vào chiều ngày 17.5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, khoảng 50.000 công nhân tại các KCN sẽ tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm. Trước tình hình lây lan dịch bệnh với nhiều ca mắc trong KCN tại các tỉnh phía bắc, Ban Chỉ đạo yêu cầu các DN trong KCN phải siết chặt các quy định kiểm soát, phòng chống dịch tại đơn vị mình. UBND TP sẽ lập các tổ liên ngành để kiểm tra đột xuất các đơn vị trong KCN, các DN ngoài KCN, qua đó chấn chỉnh kịp thời những vi phạm.
|
Bình luận (0)