Liên Xô từng giải cứu Tổng bí thư Đảng cộng sản Chile ra sao?

Phạm Bá Thủy
Phạm Bá Thủy
10/02/2021 20:00 GMT+7

Đã có một kế hoạch giải thoát ông Luis Corvalan bằng vũ lực, nhưng cuối cùng các tính toán trao đổi kiểu "chiến tranh lạnh" đã thắng thế.

Tất cả bắt đầu vào ngày 11 tháng 9 năm 1973 tại Chile, khi tướng Augusto Pinochet lật đổ tổng thống hợp hiến Salvador Allende.
Salvador là một nhà lãnh đạo cánh tả tiến bộ, được bầu vào năm 1970 và muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Chile, tiến hành quốc hữu hóa ngân hàng, doanh nghiệp và đất đai. Những cải cách quá “mạnh tay” của ông gây những hệ lụy nặng nề như lạm phát, thiếu lương thực và bất ổn xã hội (tương tự những gì đang xảy ra ở Venezuela hiện nay). Do đó, các ngân hàng quốc tế đã từ chối cho Chile vay tiền.
Mặc dù Liên Xô rất muốn hậu thuẫn Tổng thống Allende, nhưng các tình huống quốc tế lúc đó đã không cho phép – Liên Xô và Mỹ đang mở ra khả năng xích lại gần nhau sau chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon đến Moskva và của Tổng bí thư Leonid Brezhnev đến Washington, vì thế Liên Xô không thể can thiệp vào “sân sau” của Mỹ.
Cuộc đảo chính của Pinochet là một sự kiện đẫm máu. Khi quân đội bao vây dinh tổng thống (cung điện La Moneda), Allende đã đọc bài diễn văn cuối cùng của mình, tuyên bố sẽ không từ chức, và rồi quyết định tự sát. Sau đó, có khoảng 30.000 người bị giết, hơn 100.000 người bị giam cầm trong các nhà tù.

Dinh tổng thống Chile bị quân đảo chính ném bom ngày 11.9.1973

Wikipedia

Pinochet là một nhà độc tài khát máu, thẳng tay đàn áp, giết chóc các đảng viên cộng sản và những ai ủng hộ phong trào cánh tả. Luis Corvalan, Tổng bí thư đảng Cộng sản Chile, bị lùng bắt khi chưa kịp trốn ra nước ngoài. Đầu tiên, ông bị tống giam trong nhà tù thủ đô, sau đó được đưa đến trại giam trên đảo Dawson với những điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt (chẳng hạn, nhiệt độ trung bình hàng năm của hòn đảo chỉ là 5 độ C). Do tuổi già sức yếu, Luis Corvalan khó mà sống sót tại đây trong thời gian dài.

Cố Tổng bí thư đảng Công sản Chile Luis Corvalan (thứ 2 từ phải qua) trong một ảnh tư liệu chụp cùng với Tổng thống Chile Salvador Allende (đầu tiên bên trái) và nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro (thứ 2 từ bên trái)

Đối với Liên Xô, việc giải thoát nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Chile ra khỏi chốn lao tù đã trở thành vấn đề nguyên tắc. Trong 3 năm liên tiếp, giới lãnh đạo Liên Xô đã thường xuyên khuấy động vấn đề này trên trường quốc tế. Liên Xô và các nước XHCN thường xuyên tổ chức các cuộc mít tinh với khẩu hiệu "Tự do cho đồng chí Corvalan!". Tất nhiên ngoài đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao, các phương án hành động khác cũng được tính tới.
Chẳng hạn, Trung tướng Nikolai Leonov (Phó Trưởng phòng Thông tin và Phân tích Tình báo hải ngoại) đã đề xuất một kế hoạch giải thoát Corvalan bằng vũ lực.
Kịch bản thật tuyệt vời, với những tình tiết ly kỳ và táo bạo chẳng kém gì phim về điệp viên 007 James Bond. Theo đó, hai con tàu thủy cỡ lớn chở máy bay trực thăng chiến đấu giấu bên dưới boong sẽ tiếp cận hòn đảo, lực lượng đặc nhiệm sẽ tiêu diệt lính gác từ xa bằng tên lửa cầm tay, sau đó đổ bộ lên đảo, giải cứu tù nhân và bay đi 30 km, đến nơi tàu ngầm đang chờ sẵn.
Nhưng giới lãnh đạo Liên Xô không thích các vụ bê bối quốc tế chỉ vì một con người cụ thể, vì vậy họ quyết định giải quyết vấn đề theo một hướng khác: trao đổi Corvalan với một nhân vật bất đồng chính kiến nào đó của Liên Xô đang ở trong tù, người đang được phương Tây yêu cầu phóng thích. Nhân vật phù hợp nhất là Vladimir Bukovsky, khi đó đang chịu án tù vì tội phát tán những tài liệu cấm, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính quyền.
Trong khi phía Liên Xô yêu cầu thả Corvalan, các chính trị gia phương Tây cũng yêu cầu thả Bukovsky.
Người ta cho rằng chính Viện sĩ Andrei Sakharov (cũng là một nhân vật chống đối nổi tiếng) đề nghị trao đổi Corvalan với Bukovsky. Tổng bí thư ĐCS LX Brezhnev rất thích ý tưởng này, người Mỹ cũng thích nó và thậm chí Pinochet cũng đồng tình. Đã diễn ra những cuộc đàm phán bí mật và cuối cùng các bên đã đạt được thỏa thuận. Về phía Liên Xô, chiến dịch được giao phó cho lực lượng đặc nhiệm Alpha (để đề phòng trường hợp đối phương trở mặt, nhận Bukovsky nhưng không trao Corvalan).
Điều đáng chú ý: trong hoạt động trao đổi này, chỉ có phía Mỹ là đại diện, vì Liên Xô không có quan hệ ngoại giao với Chile. Địa điểm trao đổi là thành phố Zurich (Thụy Sĩ).
Theo thỏa thuận, Corvalan được vợ tháp tùng và Bukovsky đi cùng với mẹ. Ở phía bên kia, người Mỹ trương lên một tấm bảng nhỏ có ghi rõ: “Trao đổi”. Nhưng phía Liên Xô khăng khăng với cụm từ: "Đồng tự nguyện phóng thích". Người Mỹ đáp lại bằng một lời từ chối dứt khoát. Tất cả các thỏa thuận trước đây đang trên bờ vực sụp đổ. Ông Yuri Andropov, khi đó là người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia - KGB, gọi trợ lý và ra lệnh:
“Các nhân viên của nhóm có quyền hành động theo các quyết định tại chỗ của mình, tùy vào diễn tiến của tình hình. Cần thực hiện các hoạt động sao cho mọi thứ từ bên ngoài trông giống như một cuộc phóng thích tự nguyện”.

Cảnh trao đổi người tại sân bay Zurich

Ảnh cắt từ video của hãng tin AP

4 chiến sĩ đặc nhiệm Alfa được giao nhiệm vụ bảo vệ Luis Corvalan từ xa, trước khi ông đặt được chân vào khu vực an toàn của phía Liên Xô.
Ở Moskva, Bukovsky bị còng tay đưa lên máy bay. Ông ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình và không tin vào lời nói của những người áp giải.
Khi được đưa lên máy bay, Corvalan nghĩ rằng có lẽ người ta quyết định đưa ông đi xử tử. Khi máy bay đã cất cánh, những người áp giải nói rằng ông đang được đưa đến Liên Xô, ông vẫn không thể nào tin được.
Tại Zurich, chiếc máy bay Liên Xô bị cảnh sát Thụy Sĩ và xe bọc thép vây kín. Corvalan lên máy bay Liên Xô, Bukovsky lên máy bay của Mỹ từ hai đường vòng khác nhau, và họ không hề nhìn thấy nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.