Linacre College muốn đổi tên theo tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thật sự là trường gì?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
03/11/2021 08:05 GMT+7

Linacre College, đơn vị thành viên của ĐH Oxford muốn đổi tên thành Thao College theo tên của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, thực tế không phải là 'trường đào tạo', mà là 'trường nội trú'.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, Linacre College, đơn vị thành viên của ĐH Oxford muốn đổi tên thành Thao College theo tên của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, thực chất không có chức năng đào tạo mà chỉ là "trường nội trú" .

Bên ngoài Linacre College

Ảnh chụp màn hình art uk

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, lý giải Linacre College là một "trường nội trú" hoặc "khu nội trú" (residential college) thuộc ĐH Oxford. ĐH này có đến 45 "residential colleges". Sứ mạng của Linacre College là... nội trú, nghĩa là cung cấp nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập và sinh hoạt cho những người đang học tại các chuyên khoa của ĐH Oxford.

Tiến sĩ Phương Anh cho biết, nói cách khác, các trường nội trú như vậy không đào tạo, mà chỉ cung cấp một môi trường văn hóa với các giá trị chung mà các "dân cư" đặc biệt của nơi này cùng chia sẻ. Tất nhiên là mỗi trường nội trú đều có những quy định đối với "cư dân" sinh sống ở đó. Và cũng có những thói quen, những nét văn hóa tuy không bắt buộc nhưng ai cũng phải theo. Ví dụ chạy xe không bóp còi inh ỏi, gặp ai cũng chào hỏi tươi cười, không làm ồn, gây phiền phức cho hàng xóm... Ở lâu trong một nơi như vậy sẽ định thành tính cách và tạo nên dấu ấn của một người.

"Đây là mô hình giáo dục toàn diện, đặt nền tảng trên các giá trị nhân bản, xuất phát từ các dòng tu của đạo Công giáo từ thời trung cổ, mà nhiều trường ĐH khác trên thế giới cũng học theo. Oxford và Cambridge tất nhiên là hai ví dụ tiêu biểu của mô hình này. Ở Mỹ, ta cũng thấy mô hình này tại ĐH Harvard và Yale. Hồi tôi ở Úc, học ở ĐH La Trobe thì trường cũng theo mô hình này, dù chỉ là phiên bản đã giảm nhẹ nhiều", tiến sĩ Phương Anh cho biết.

Giới thiệu về chức năng hoạt động trên trang web của Linacre College

ảnh chụp màn hình

Còn anh N.V.N.Tung, đang sinh sống và làm việc tại Cambridge (Anh), cho hay trước kia anh đã ở trong các college dạng này như Trinity Hall College của ĐH Cambridge hoặc ở trọ tại St Hughs College của ĐH Oxford để dự hội thảo do ĐH này tổ chức. Theo anh Tùng, về cơ bản, các college tại Anh không có chức năng đào tạo mà là nơi để sinh viên ăn, ở, sinh hoạt. Các college dạng này cung cấp rất nhiều dịch vụ, từ ngủ nghỉ (accommodation), ăn uống như căn-tin (catering service), giặt ủi, quầy bar, tổ chức sinh nhật...

Tuy nhiên, sinh viên không học tại college mà đi đến các khoa (Department) để học. Một department của ĐH Cambridge hay Oxford lớn tương đương như một trường (school), có khuôn viên rộng, có giảng đường, phòng thí nghiệm... Thư viện cũng trực thuộc trường và phòng thí nghiệm cũng do các khoa quản lý.

Cũng theo anh Tùng, các college ở ĐH Oxford hay ĐH Cambridge vẫn có giảng đường (Hall) rất lớn. Tuy nhiên, các giảng đường này chỉ sử dụng để tổ chức các hội thảo, sự kiện chứ không phải là nơi giảng dạy chính thức.

Đáng chú lý là có cả các giáo sư, giảng viên cũng sống tại các college. Chẳng hạn, GS Stephen Hawking từng ở ngay tại Gonville & Caius College của ĐH Cambridge. Các giáo sư ở tại các college thường được giao nhiệm vụ hướng dẫn (supervise/tutor) sinh viên làm các bài tập lớn, dự án môn học. Do ở cùng college nên việc gặp gỡ này rất thuận tiện.

Vì vậy, trong tương lai, cho dù Linacre College có đổi tên thành Thao College theo tên của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thì chức năng hoạt động của "trường nội trú" này vẫn sẽ không thay đổi. Nơi này vẫn chỉ là một khu nội trú chứ không có chức năng đào tạo.

Từ “College” trong “Linacre College” nên dịch sang tiếng Việt thế nào?

GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH Công nghệ Sydney (Úc), cho rằng từ “'college” ở đây không hẳn là một đại học đúng nghĩa, chắc chắn không phải là cao đẳng, và không chỉ là một trường nội trú.Theo GS Tuấn, đây là vì mô hình giảng dạy mang tính di sản lịch sử để lại từ thế kỷ 13. Theo mô hình này, các sinh viên ghi danh ĐH Oxford sẽ dự giờ giảng, làm thí nghiệm và đi thi ở trung tâm đại học. Nhưng sau bài giảng, sinh viên cần được “tutor” (trợ giảng) hướng dẫn bài tập và dự lớp ở các college. Các college còn là nơi diễn ra các sinh hoạt học thuật như seminar, workshop, debate (tranh luận). Nói cách khác, ĐH là nơi diễn giảng, còn college là nơi “trợ giảng” và sinh hoạt học thuật sau bài giảng.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, vì college ở ĐH Oxford có giảng dạy dưới dạng hướng dẫn (tutorial) và sinh hoạt học thuật nhưng cũng có khi là nơi cho sinh viên ở nội trú nên dịch “college” trong trường hợp này là “học xá”. “Học xá” là trường học, cũng là nơi tu khoá nghiệp và cũng là nơi ở.

Trong khi đó, GS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng nên dịch thành “trường nội trú” để cho dễ hiểu. Theo GS Nam, college kiển này là “đặc sản” riêng của ĐH Oxford, ĐH Cambridge, và ĐH Durham của Anh Quốc. Nó là “Residential College” chứ không phải “Teaching” hay “Research College” như "trường" thông thường (hiểu theo nghĩa school/faculty/department). Nhưng nó cũng không phải là ký túc xá thông thường (Hall of Residence) như ký túc xá những trường khác ở Anh.

College dạng này là ký túc xá đặc biệt cộng với môi trường học hành, trong đó sinh viên đại học và sau đại học có thể trao đổi chuyên môn học thuật với các GS đang lưu trú tại đó. Vì thế nếu gọi college kiểu này là ký túc xá hay trường đều không phải, nếu hiểu theo nghĩa thông thường ở Việt Nam. Nhưng gọi trường thì cũng không hẳn sai nên có thể dịch sát nghĩa “Residential College” thành "trường nội trú".

College không chỉ là nơi để ăn, ngủ mà còn có các sinh hoạt học thuật

Quy trình khi nộp đơn cho Oxford hay Cambridge (Oxbridge) là sẽ nộp đơn cho trường (Oxford/ Cambridge Uni nói chung) và khoa. Khoa sẽ là nơi chịu trách nhiệm chính cho việc giảng dạy và học tập chung của sinh viên. Tuy nhiên điều làm cho Collegiate system của Oxbridge khác với tất cả các ĐH khác ở Anh là hệ thống 1-on-1 tutorial. Hay nói cách khác là các lớp học chuyên đề thường sẽ có sĩ số rất ít (dưới 5), thậm chí có trường hợp chỉ có 1 thầy 1 trò để chấm và sửa bài tập hoặc bài luận. Chính vì sự khác biệt này nên khi nộp đơn vào Oxbridge phải cân nhắc chọn college rất kỹ. Vì có những college sẽ có GS thường trú tại đó giỏi về lĩnh vực chuyên môn mà bạn mong muốn học hơn, và cũng là người sẽ trực tiếp đồng hành cùng bạn trong suốt thời gian học ở Oxbridge. Chưa kể là có những college có truyền thống mạnh về 1 môn nào đó, thì số lượng SV ưu tú tụ họp về đó cũng đông hơn, dẫn đến nhiều cơ hội để học tập cùng bạn bè xuất sắc ở môn đó hơn. Nói 1 cách khác, college không chỉ là nơi để ăn với ngủ (mặc dù chuyện đó cũng rất quan trọng), mà nó còn là nơi diễn ra tất cả những sinh hoạt học thuật cũng như giải trí, thể thao, văn nghệ trong suốt thời gian học ở đấy.

Nguyễn Việt Hoàng

Giám đốc, Chương trình nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách- VEPR (Broaden Economics)

Linacre College vừa được CEO Vietjet quyên tặng 155 triệu bảng Anh là trường nào?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.