Nghe tiếng đồn gần xa, chúng tôi tìm đến lò bánh thuẫn Ba Phùng của vợ chồng bà Võ Thị Ba (62 tuổi) và ông Bùi Đình Phùng (66 tuổi) trú tại thôn Đông Thuận để được chứng kiến cảnh nhộn nhịp chế biến bánh thuẫn truyền thống vào những ngày tháng chạp.
Làm từ sáng sớm đến trời tối
Tại đây, mọi người thay nhau làm các công đoạn, gồm trộn nguyên liệu, đổ bánh, sấy bánh liên tục.
Bà Võ Thị Ba kiểm tra mẻ bánh mới ra lò |
hải phong |
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Võ Thị Ba, chủ lò bánh thuẫn Ba Phùng cho biết, những ngày cận tết, lò bánh của bà luôn đỏ lửa từ lúc 3 giờ sáng cho đến 7 giờ tối, để cho ra lò những cái bánh thuẫn thơm ngon. Một ngày dịp tết, lò của bà sản xuất được khoảng 7.000 - 8.000 cái bánh, còn ngày thường thì khoảng 4.000 - 5.000 cái. Một túi 24 bánh có giá bán 35.000 đồng.
Bánh thuẫn có màu vàng ươm còn nóng hổi trên lò |
hải phong |
Bà Ba kể, bánh thuẫn vốn là một loại bánh không thể thiếu trong ngày tết của người dân. Lúc trước, có rất nhiều người đổ bánh thuẫn nên thị trường được chia đều ra. Sau khi làm nhiều năm, bà tích lũy kinh nghiệm và không ngừng cải tiến, chế biến nguyên liệu để cho ra những cái bánh thuẫn ngon. Đến nay, ở H.Bình Sơn chỉ còn duy nhất lò bánh thuẫn của nhà bà là hoạt động, giữ lại hương vị xưa của ông bà.
Thợ đổ bột vào khuôn |
hải phong |
Lò bánh thuẫn đỏ lửa trong những ngày cận tết |
hải phong |
“Từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch, lò bánh của tôi phải làm hết công suất mới đủ cung cấp cho khách hàng. Tôi có 5 nhân công, làm từ sáng sớm cho đến trời tối, mỗi người mỗi công đoạn. Nghề này là nghề gia truyền của ông bà để lại, đến đời vợ chồng tôi là đời thứ 3, riêng tôi đã có thâm niên gần 40 năm trong nghề rồi. Giờ truyền lại cho con, để giữ lại cái nghề cũng như giữ lại hương vị tết xưa mà ông bà ta truyền lại”, bà Ba nói.
Cung cấp cho các tỉnh miền Trung
Bà Bùi Thị Sen (50 tuổi, trú thôn Đông Thuận, xã Bình Trung) làm việc tại lò bánh thuẫn Ba Phùng đã gần 20 năm cho hay, đảm nhận nhiệm vụ đổ bánh vào khuôn và canh lửa, đợi bánh chín rồi lấy ra. Đổ bánh và canh lửa là công đoạn hết sức quan trọng, vì nếu lửa lớn quá thì bánh bị cháy, mà lửa chưa đến thì bánh sẽ sống. Nên mỗi khi làm, bà Sen rất cẩn thận và chú tâm.
Thợ kiểm tra bánh |
hải phong |
“Nghề đổ bánh thuẫn cũng rất nhẹ nhàng nhưng cần sự tập trung và tỉ mỉ rất cao. Những ngày cận tết, chúng tôi làm liên tục từ sáng sớm cho đến chiều tối. Một ngày thu nhập khoảng từ 200.000 - 300.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày”, bà Sen bộc bạch.
Bánh được đưa qua lò sấy khô để dùng lâu hơn |
hải phong |
Để có những cái bánh thuẫn thơm ngon, đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến khâu trộn nguyên liệu lại với nhau cho đều rồi được đổ vào khuôn, xong đem bánh đi sấy khô… được thợ làm rất công phu. Các nguyên liệu làm bánh thuẫn gồm: bột mì tinh, trứng gà, trứng vịt, sữa và gừng. Đặc biệt, đối với khâu đổ bánh, người thợ phải canh lửa thật kỹ, tập trung rất cao độ mới cho ra lò những cái bánh đẹp có màu vàng ươm và thơm ngon.
Kiểm tra bánh trước khi đóng gói |
hải phong |
Bà Võ Thị Ba cho biết thêm, để chuẩn bị nguyên liệu, hai vợ chồng bà phải thức dậy từ 3 giờ sáng, sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong là nhóm lò lên để đổ bánh. Khuôn được làm bằng đồng có 12 cái lỗ, mỗi lỗ tương ứng 1 cái bánh. Sau khi thợ đổ bột vào khuôn, phải dùng nắp đậy lại, bên trên nắp để vài cục than hồng, phía dưới khuôn cũng phải có than để làm khuôn nóng đều. Đợi chừng khoảng 3 phút bánh chín, người thợ sẽ lấy bánh ra để đưa lên các khay, phía dưới có than hồng để sấy sao cho bánh khô, đanh lại, như vậy mới để được lâu.
Mỗi túi 24 bánh có giá bán 35.000 đồng |
hải phong |
Cũng theo bà Ba, lò bánh thuẫn của gia đình bà chuyên cung cấp cho người dân ở tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận như Quảng Nam và Đà Nẵng. Vào dịp tết cổ truyền, lò bánh thuẫn Ba Phùng cung ứng ra thị trường khoảng gần 300.000 cái để phục vụ khách hàng gần, xa.
Bình luận (0)