Hình ảnh về dòng máy bay xuất hiện trong báo cáo của Không quân Mỹ |
không quân Mỹ |
Không quân Mỹ đang theo đuổi chương trình Uy thế trên không thế hệ kế tiếp (NGAD), theo đó theo đuổi nỗ lực chế tạo dòng tiêm kích tương lai. Đến gần đây, lực lượng này hầu như không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về dòng tiêm kích bí mật, ngoại trừ thừa nhận sự tồn tại của nó.
Năng lực nâng cấp động cơ
Trong một diễn biến mới, Không quân Mỹ vừa công bố báo cáo được thực hiện 2 năm một lần liên quan đến các dự án bổ sung nền tảng khí tài cho thời gian tới. Và giới quan sát lập tức chú ý hình ảnh mô phỏng một dòng máy bay thế hệ kế tiếp của Mỹ ở phần trình bày về chương trình NGAD.
Hình ảnh thiết kế của NGAD phản ánh một dòng tiêm kích tàng hình, tốc độ lý tưởng, và có lẽ kích thước phải lớn hơn F-22.
Theo đó, máy bay trong ảnh có hình dạng kim cương, với hệ thống nạp khí của động cơ nằm bên trên cánh, chạy dọc theo hai phần trái, phải của buồng lái. Sự sắp xếp này cho phép bộ phận nạp khí nằm ngoài tầm quan sát của radar. Máy bay cũng được trang bị hai động cơ, buồng lái vòm cầu, hai cánh ổn định theo chiều đứng, có thể xếp gọn vào cánh.
Sau đây là phần mô tả trong báo cáo về NGAD: “Được thiết kế để bổ sung cho F-35, F-22 và các lực lượng đối tác trong vai trò bảo đảm uy thế trên không, NGAD là chương trình máy bay chiến đấu tối tân, có năng lực xâm nhập các nền tảng phòng không”, theo Tạp chí Air Force.
Hình ảnh cũng hé lộ một điểm đặc biệt của NGAD: đây là dòng máy bay có thể được nâng cấp động cơ vào thời điểm thích hợp, dựa trên phần thể hiện các động cơ được đánh dấu V1, V2 và V3.
Rút ngắn thời gian phát triển
Không quân Mỹ đã phát triển NGAD bằng công nghệ kỹ thuật điện tử, từ đó rút ngắn thời gian cần thiết để phát triển một dòng máy bay mới. Kỹ thuật điện tử liên quan đến việc sử dụng các công cụ dựng mô hình và mô phỏng ảo. Vì thế giới phân tích cho rằng điều này giúp NGAD sở hữu năng lực tiếp nhận việc nâng cấp phức tạp trong tương lai.
Dòng tiêm kích tàng hình F-22 |
không quân Mỹ |
Cấu trúc thân máy bay và phần cánh cho phép tăng lượng nhiên liệu mang theo và mở rộng khoang cất giấu vũ khí. Trước đó, Không quân Mỹ kỳ vọng có thể phát triển một dòng tiêm kích đủ sức tháp tùng oanh tạc cơ trong những chiến dịch thọc sâu vào lòng địch, giống như cặp bài trùng P-51D Mustang và B-17G Flying Fortress trong thế chiến thứ hai. Vì thế, dòng tiêm kích mới nhiều khả năng được phát triển theo hướng trên.
Bên cạnh đó, thiết kế cho thấy máy bay sẽ kết nối với vệ tinh và các trạm chuyển tiếp tín hiệu liên lạc trên không. Điều này có nghĩa là phi công lái NGAD sẽ hoạt động dựa vào luồng dữ liệu được truyền từ các nền tảng khí tài khác của Mỹ, từ máy bay cảnh báo sớm đến tàu khu trục. Bằng cách này, tiêm kích đủ sức xây dựng bức tranh toàn cảnh về chiến trường, mà không cần kích hoạt radar hoặc các hệ thống cảm biến khác của máy bay.
Đến nay vẫn chưa rõ hình ảnh trên đại diện cho máy bay thực thụ đang được phát triển theo chương trình NGAD hay không. Tuy nhiên, điều chắc chắn là nó thể hiện nhu cầu và năng lực cần đáp ứng trong trường hợp Không quân Mỹ phát triển tiêm kích tương lai.
Bình luận (0)