Sáng 11.11, tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội (QH). Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu ngồi “ghế nóng” và được gần 50 đăng ký chất vấn. Vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) đặt ra với Bộ trưởng GD-ĐT là chất lượng dạy và học trực tuyến đang được thực hiện tại nhiều địa phương trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Chất lượng dạy và học trực tuyến đang được nhiều cử tri quan tâm |
độc lập |
Chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng
Theo ĐB Dương Minh Ánh (Đoàn TP.Hà Nội), dạy học trực tuyến là phù hợp trong tình hình hiện nay, song chương trình trực tuyến vẫn theo trực tiếp, gây áp lực cho cả thầy cô và trò; học sinh (HS) sẽ bị lệch kiến thức.
ĐB Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An) cho hay nhiều cử tri phản ánh việc cho trẻ em lớp 1 học trực tuyến chưa đạt hiệu quả như mong muốn, làm khó khăn nhiều mặt cho phụ huynh và đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp khi tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đã xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ cho việc dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình. Khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Bộ GD-ĐT đã 2 lần tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình dạy học trong điều kiện dịch bệnh. “Chương trình mà mỗi năm rút một ít thì không còn gì”, ông Sơn nói và khẳng định chương trình năm học 2021 - 2022 tập trung vào nội dung cốt lõi để các địa phương đang dạy học trực tiếp lẫn trực tuyến có căn cứ để triển khai chứ không giữ nguyên chương trình dạy trực tiếp.
Với vai trò của tư lệnh ngành, bộ trưởng nên lắng nghe và xử lý vấn đề vì chúng ta không có quyền để HS lớp 1 với tâm hồn, tư duy non nớt trở thành nơi thực nghiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị xuân (Đắk Lắk)
Bộ GD-ĐT chủ trương HS lớp 1, lớp 2 chủ yếu học trên truyền hình; các trường có thật đầy đủ điều kiện và có sự đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến. Trong vòng hơn 2 tháng vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài truyền hình VN sản xuất 166 bài giảng cho HS lớp 1 và 2. “Các bài giảng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của bài giảng lớp 1 và lớp 2”, ông Sơn nói và cho biết đây chỉ là một trong các giải pháp. “Khó có giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. Chúng ta phải chọn một giải pháp tối ưu hơn cả”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chưa thỏa mãn với những gì được Bộ trưởng GD-ĐT trình bày, nhiều ĐB Quốc hội sau đó tiếp tục đặt ra các vấn đề xoay quanh vấn đề dạy, học trực tuyến. ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) chất vấn: “Bộ trưởng đánh giá chất lượng học trực tuyến thế nào, nhất là đối với HS cấp tiểu học khối lớp đầu cấp? Giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho HS sau thời gian học trực tuyến?”. Còn ĐB Nguyễn Hồng Hạnh (TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết giải pháp kiểm tra đánh giá khi dạy học trực tuyến để đảm bảo thực chất, công bằng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, học trực tuyến là việc cả thế giới đang phải làm. Tuy nhiên, bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian của việc dạy, học trực tuyến là “chưa có tiền lệ” và nhiều nước trên thế giới cũng gặp thách thức. Cho biết hơn 1,8 triệu HS không có thiết bị để học tập, ông Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm bởi “nhiều cháu đang dần bỏ học vì không học được”. “Đó là vấn đề cấp bách hơn trước khi chúng ta đánh giá xem các cháu học được gì”, ông Sơn nói.
Về chất lượng dạy, học trực tuyến, theo ông Sơn, để đánh giá được đầy đủ phải có điều tra, khảo sát, kiểm tra khi HS trở lại trường. Tuy nhiên, ông Sơn nói rằng “chắc chắn việc học trực tuyến có những thách thức và ảnh hưởng đến chất lượng” và “không thể nói chuyển sang học trực tuyến mà vẫn hoàn toàn chất lượng như học trực tiếp…”. Bộ trưởng GD-ĐT cho hay đã yêu cầu nhà trường khi HS quay trở lại trường, “đừng lôi ngay các em ra đánh giá xem được gì trong đầu; không quẳng ngay vào tay các em các loại phiếu khảo sát, đánh giá” và khẳng định Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch để khi HS quay trở lại trường sẽ củng cố, hỗ trợ cho các em có sự chênh lệch kiến thức sau thời gian dài học trực tuyến.
Không chỉ là một “hạt sạn”
Một vấn đề cũng được nhiều ĐB chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng GD-ĐT là chất lượng sách giáo khoa. ĐB Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng Sơn nêu giải pháp về việc một số bài học trong sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên, tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “thiếu tính khoa học, giáo dục”.
Ông Sơn trả lời, khi có ý kiến phản ánh, hội đồng chuyên môn của Bộ GD-ĐT đã trao đổi với tác giả điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay cho HS. “Về lâu dài, Bộ đang tiến hành điều chỉnh quy trình, các điều kiện để đảm bảo cho sách giáo khoa trong thời gian sắp tới có chất lượng ngày càng cao hơn”, ông Sơn thông tin.
Không chỉ vì một vài viên sỏi, viên sạn mà chúng ta nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành giáo dục.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Cho rằng bộ trưởng trả lời “chưa thuyết phục”, vì sách có sai sót thì HS đã mua, đã học rồi, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) bày tỏ dư luận đang trông chờ vào việc giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ GD-ĐT và cần phải có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. “Bộ GD-ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa. Trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập; cơ quan tham mưu của Bộ và lãnh đạo Bộ. Dù việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt cho nên lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục VN và tập thể tác giả sách giáo khoa nói trên trả lời công luận. Nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục và xử lý theo thẩm quyền”, ĐB Thúy nêu.
Trước chất vấn, tranh luận của nhiều ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng người ta biết nhiều đến “sỏi và sạn” trong sách giáo khoa trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học trong đó thì ít ai nói đến. “Liệu có công bằng không?”, ông Sơn đặt vấn đề và cho biết hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện sách giáo khoa mới cho thấy các thầy cô rất hứng thú trong việc dạy nhờ tính mở của sách. “Để đánh giá được cả chương trình phổ thông chỉ qua lớp 1 thì cũng chưa nói được thật nhiều, nhưng cũng là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới đã chọn. Không chỉ vì một vài viên sỏi, viên sạn mà nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành giáo dục”, Bộ trưởng Sơn nói.
Tiếp tục tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nói, nhiều cử tri theo dõi phiên chất vấn cho biết chưa thỏa mãn với trả lời của ông Sơn và cho rằng thiếu tính thuyết phục. “Với vai trò của tư lệnh ngành, bộ trưởng nên lắng nghe và xử lý vấn đề vì chúng ta không có quyền để HS lớp 1 với tâm hồn, tư duy non nớt trở thành nơi thực nghiệm”, bà Xuân nói và phát biểu thêm, ở đây không chỉ là một “hạt sỏi” như lời Bộ trưởng Sơn mà chất lượng, nội dung, hình thức của các bộ sách giáo khoa còn nhiều bất cập, quản lý xuất bản sách giáo khoa chưa tốt, việc sử dụng 1 lần sách giáo khoa và tài liệu tham khảo gây lãng phí lớn, khó khăn cho người dân nghèo có con còn đi học… “Tôi đề nghị bộ trưởng nghiên cứu theo hướng khác mới hơn, có cách tiếp cận khắc phục bất cập này, có giải pháp căn cơ hơn, đảm bảo chất lượng đổi mới giáo dục toàn diện trong tương lai”, ĐB nêu.
Giáo viên dạy thêm vì thu nhập thấp
Câu chuyện dạy thêm, học thêm cũng là vấn đề được nhiều ĐB tranh luận với Bộ trưởng GD-ĐT. Trả lời chất vấn của ĐB liên quan tới tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến mới xuất hiện, Bộ trưởng Sơn khẳng định dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm ngay trong điều kiện bình thường. Do đó, khi học trực tuyến, HS căng thẳng hơn, thì việc dạy và học thêm giờ, thêm nội dung càng phải ngăn cấm.
Nhiều ĐB không tán thành với phần trả lời của ông Sơn. ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng trong vấn đề này, ngành giáo dục chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề. Theo ông, trước nay, dạy thêm, học thêm vẫn được coi như một vấn nạn xã hội và được xử lý bằng cách cấm, rồi tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa cả lên báo chí là không phù hợp. Khẳng định con em mình trưởng thành, đỗ đạt và đi làm cũng nhờ đi học thêm và việc đi học thêm là “có tác dụng chứ không phải không”, ĐB Long cho rằng, một trong những căn nguyên của việc học thêm, dạy thêm là do thu nhập của giáo viên quá thấp. “Rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như một việc mưu sinh”, ĐB Long nêu và cho rằng nên giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo vì ngoài ý nghĩa, tác dụng, nhu cầu của phụ huynh, HS còn có cả vấn đề đời sống của giáo viên.
Trong khi đó, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) bày tỏ: “Thực tế phụ huynh và HS có nhu cầu học thêm là thật. Quan trọng là quản lý nhà nước về vấn đề này thế nào để tránh tràn lan”.
Bình luận (0)