Lo sân bay Long Thành chậm tiến độ

21/12/2022 06:31 GMT+7

Dự kiến cuối năm 2022 sẽ khởi công xây dựng nhà ga hành khách dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuy nhiên gói thầu quan trọng trị giá hơn 35.000 tỉ đồng hạng mục nhà ga phải hủy thầu, đấu thầu lại, đẩy tiến độ chung toàn dự án trượt xa so với tiến độ đặt ra.

Phải đấu thầu lại gói thầu nhà ga

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết “rất sốt ruột” khi Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) thông báo hủy gói thầu 5.10 để đấu thầu lại. Việc này sẽ kéo dài thời gian thêm nhiều tháng nữa, từ việc xem xét thay đổi tiêu chí bộ hồ sơ mời thầu, thời gian mời thầu cho đến khi chọn được nhà thầu. Bộ GTVT sẽ triệu tập cuộc họp với ACV để làm rõ các nội dung liên quan trong thời gian sớm nhất.

Đào đắp, san nền tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tháng 12.2022

lê lâm

Trước đó, ngày 16.12, ACV đã ra quyết định hủy gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, thuộc dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Lý do hủy thầu, theo ACV là tất cả các hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu theo quy định tại khoản 1, điều 17 luật Đấu thầu.

Máy móc và công nhân đang thi công trên đại công trường sân bay Long Thành trong tháng 12.2022

LÊ LÂM

Đáng chú ý, gói thầu 5.10 trị giá 35.233 tỉ đồng là hạng mục quan trọng bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3. Theo dự kiến, thời gian thực hiện hợp đồng là 990 ngày (tương đương 33 tháng), bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, tết theo quy định tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ 24.9 - 8.11, đóng thầu vào 23.11, song do không đủ số lượng hồ sơ dự thầu nên được ACV gia hạn đến 30.11.

Trước đó, tại hội nghị tiền đấu thầu do ACV tổ chức đã thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi đóng thầu không có nhà đầu tư nước ngoài nào nộp hồ sơ ứng tuyển.

Được biết, ngoài các tiêu chí về kinh nghiệm gây khó khăn cho nhà thầu trong nước thì áp lực về tiến độ thời gian thực hiện quá gấp (33 tháng) là điểm khiến các nhà thầu nước ngoài không mặn mà. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu VN, với các tiêu chí đưa ra về thời gian thi công và đơn giá nhà nước, nhà thầu nước ngoài dù có muốn cũng không thực hiện được, nhất là với đơn giá hiện tại.

Đây là lý do dù các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhưng đến lúc nộp hồ sơ thầu thì lại thôi. Hiệp hội Nhà thầu cũng đã có công văn gửi ACV liên quan đến các tiêu chí đấu thầu vào giữa tháng 10.2022, song ACV chỉ phản hồi các nội dung liên quan đến đấu thầu đã được đơn vị này đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia theo đúng quy định pháp luật.

Xem xét lại hồ sơ mời thầu

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV, khẳng định hiện nay việc hủy gói thầu 5.10 chắc chắn khiến mốc tiến độ của dự án nhà ga hành khách sân bay Long Thành trượt đi so với kế hoạch đề ra, song cụ thể ảnh hưởng như thế nào thì chưa xác định được. Chủ đầu tư phải đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xong mới xác định được tiến độ của dự án. Kế hoạch hiện nay của chủ đầu tư chỉ là dự kiến, định hướng. Khi nhà thầu tiếp cận hồ sơ mới tính toán được phải làm những đầu việc gì, làm như thế nào, làm trong thời gian bao lâu rồi đề xuất tiến độ thực tế.

Lý giải vì sao tất cả các hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu, ông Đỗ Tất Bình thừa nhận điều kiện đề ra khá nhiều thách thức. Đơn cử, nhà ga hành khách sân bay Long Thành là công trình cấp đặc biệt, quy mô lớn. Theo đúng hướng dẫn về quy định đấu thầu thì yêu cầu các nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công ít nhất 1 dự án cấp đặc biệt. Đây là điều kiện tiên quyết và rất khó để các nhà thầu qua được “vòng gửi xe” bởi những dự án quy mô như vậy thì trong nước hiện không nhiều, chưa kể “tình trạng sức khỏe” của các DN xây dựng hiện cũng không còn mạnh như giai đoạn trước. Do vậy chỉ có thể định hướng trông chờ vào các nhà thầu nước ngoài.

Thực tế, theo ông Bình, trong quá trình ACV làm tiền đấu thầu cũng có nhà thầu nước ngoài quan tâm. Thế nhưng họ lại phản hồi rằng mốc thời gian 33 tháng theo đúng nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ là quá gấp, không khả thi. Các nhà thầu nước ngoài đề nghị kéo dài thời gian nhưng việc này nằm ngoài tầm quyết định của ACV, do tiến độ của dự án Chính phủ đã quyết.

“Quy trình đấu thầu hiện nay phải tuân thủ tuyệt đối theo quy định, thông tư, nghị định. Nhà thầu buộc phải đáp ứng những điều kiện khó và chủ đầu tư không thể can thiệp, điều chỉnh. Trước mắt, ACV sẽ tiếp tục mở thầu lại theo đúng quy định cho đến khi tìm được nhà thầu thích hợp. Song song đó, các bên cùng ngồi lại, rà soát các điều kiện, bởi nguyên tắc khi đấu thầu không thành công nhiều lần, không nhà thầu nào đạt yêu cầu thì phải xem xét lại hồ sơ mời thầu. Ưu tiên khi xem xét là vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật”, ông Đỗ Tất Bình nhấn mạnh.

Rào cản mặt bằng

Ngoài gói thầu nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3, nhiều hạng mục quan trọng khác cũng chưa thể triển khai thi công đồng loạt do mặt bằng chưa được bàn giao hoàn chỉnh. Trước đó, vào tháng 11, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai cho biết theo báo cáo ACV có thể thi công đào/đắp đạt công suất 300.000 - 400.000 m3/ngày đêm. Song thực tế dù khối lượng mặt bằng đã được Đồng Nai bàn giao diện tích lớn, nhưng phạm vi có thể triển khai thi công khu vực đường cất - hạ cánh vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn bộ mặt bằng được bàn giao và tạm giao.

Trước đó, theo báo cáo của ACV vào cuối tháng 11, đơn vị này mới nhận được gần 98% diện tích mặt bằng khu vực thi công giai đoạn 1 do tỉnh Đồng Nai bàn giao (hơn 1.770 ha trên tổng số 1.810 ha), còn lại khoảng 39 ha chưa bàn giao, trong đó khoảng 10 ha chưa phê duyệt phương án bồi thường.

Theo kế hoạch điều chỉnh mới đây, ACV cho biết dự kiến quý 1/2023 sẽ triển khai thi công đồng loạt nhiều hạng mục, từ nhà ga, đường băng đến sân đỗ. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công 2 tuyến đường kết nối số 1, số 2 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, nếu 2 tuyến kết nối chưa hoàn thành sẽ là rào cản rất lớn khi triển khai thi công đồng loạt các hạng mục khác, do không có đường để phục vụ thi công.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thông tin tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai đồng loạt 5 dự án trọng điểm quốc gia, lớn nhất là dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, mặt bằng dành cho dự án Long Thành vẫn đang trong tình trạng “xôi đỗ”, gây khó khăn, ảnh hưởng đến thi công đồng loạt dự án.

Kiến nghị lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án nước ngoài

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu VN, cho rằng: Để có thể triển khai dự án hiệu quả, Hiệp hội Nhà thầu dự kiến sẽ kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án nước ngoài. Lý do là chưa có DN trong nước nào làm tư vấn quản lý dự án có nghề, chuyên nghiệp. Với việc lựa chọn nhà thầu, cần có cơ chế đặc biệt ngoài đơn giá định mức hiện tại. Đề xuất ưu tiên các liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và các nhà thầu nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm thi công các công trình tương tự từ nhà thầu nước ngoài, cũng như sử dụng được năng lực thi công của nhà thầu trong nước, giảm thiểu chi phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.