Ông Thái Văn Tài cho biết Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa (SGK) từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN, NXB Trường ĐH Sư phạm, NXB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
|
Hội đồng thẩm định SGK được thực hiện theo 2 vòng và kết luận ở 3 mức: đạt, đạt nhưng cần sửa chữa, không đạt. Đối với bản thảo được hội đồng đánh giá “đạt nhưng cần sửa chữa", các tác giả chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng và đề nghị thẩm định vòng 2. Những bản thảo SGK đánh giá "không đạt", các tác giả có quyền chỉnh sửa theo góp ý đánh giá của hội đồng để trình thẩm định lại. Như vậy, kế hoạch thẩm định đang thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và đúng quy định.
38 bản thảo SGK lớp 1 đạt qua hai vòng thẩm định
Ông có thể cho biết kết quả của hội đồng thẩm định qua 2 vòng ra sao, môn nào có nhiều SGK tham gia thẩm định và được đánh giá là đạt?
Các hội đồng đã tiến hành thẩm định qua 2 vòng và đạt được kết quả sơ bộ như sau: có 38/49 ở tất cả 9 môn học, bản thảo SGK của một số môn học/hoạt động giáo dục được các hội đồng thẩm định đánh giá là "đạt" và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt. Có 11/49 ở 6 môn học bản thảo SGK của một số môn học/hoạt động giáo dục ở mức đánh giá “không đạt”, cụ thể: môn tiếng Việt: 1/6 bản thảo; môn toán: 1/6 bản thảo; môn giáo dục thể chất: 3/4 bản thảo; hoạt động trải nghiệm: 3/6 bản thảo; môn tự nhiên - xã hội: 2/5 bản thảo; môn đạo đức: 1/6 bản thảo. Có những bản thảo dù vòng 1 đã yêu cầu sửa chữa để thẩm định vòng 2 nhưng sau thẩm định vòng 2 thì vẫn được đánh giá là không đạt. Trong số 11 bản thảo không đạt ở cả hai vòng thì vòng 1 có 9 bản, vòng 2 có thêm 3 bản thảo dù đã yêu cầu sửa nhưng vẫn không đạt.
Đây là một kết quả khách quan, dân chủ giữa hội đồng thẩm định và các tác giả biên soạn SGK. Sau khi tiếp nhận biên bản từ hội đồng, Bộ đã thông báo kết quả thẩm định đến các đơn vị đề nghị thẩm định (các nhà xuất bản). Theo đó, đối với những bộ sách đánh giá ở mức “không đạt” thì hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nếu có nguyện vọng tiếp tục biên soạn SGK thì bản mẫu SGK phải được xây dựng lại để thẩm định từ đầu.
|
Bao giờ những cuốn SGK lớp 1 mới sẽ được phê duyệt và công bố, thưa ông?
Ban tổ chức thẩm định SGK, do một lãnh đạo Bộ sẽ họp để xét từng kết quả của hội đồng thẩm định, đồng thời rà soát lại các quy trình làm việc của hội đồng, nhận ý kiến phản hồi để xem xét. Đây là khâu cuối cùng của kết quả thẩm định. Nếu không có vấn đề gì thì sẽ đề nghị Bộ trưởng ra quyết định công nhận kết quả của hội đồng. Dự kiến trong tuần cuối tháng 10 này sẽ công bố kết quả chính thức. Đến thời điểm này, 38 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định đánh giá là “đạt”, đang chờ quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Điều đáng mừng nữa là 38 bản thảo này đủ cho 9 môn học ở lớp 1. Sau khi được Bộ trưởng phê duyệt thì các địa phương có thể lựa chọn sử dụng, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Không đồng thuận có thể mời... trọng tài
Nếu tác giả viết SGK và hội đồng thẩm định không tìm được tiếng nói chung thì Bộ có cơ chế nào để không bỏ qua những cuốn SGK tốt, trong khi những người tâm huyết vẫn tiếp tục đóng góp cho đổi mới GD-ĐT?
Trong Thông tư 33 có quy định rất rõ: Nếu hội đồng thẩm định và tác giả có tranh luận và những nội dung không thống nhất được thì cả 2 bên đều có quyền đề nghị Bộ GD-ĐT trưng dụng lực lượng thứ ba. Lực lượng này làm việc độc lập và kết quả làm việc 3 bên sẽ được Bộ trưởng quyết định. Điều này cũng phù hợp với luật Giáo dục, với quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng SGK trước toàn dân. Tất nhiên, lực lượng thứ ba vẫn do Bộ trưởng quyết định thành lập, thành viên là những người am hiểu về chương trình giáo dục phổ thông mới, các quy định về thẩm định SGK và phải được tập huấn trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Các khâu thẩm định SGK đều lấy ý kiến của chuyên gia quốc tế trước khi Bộ trưởng phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào về việc trưng dụng lực lượng thứ ba. Nếu tác giả còn phân vân thì nên có ý kiến chính thức với Bộ GD-ĐT.
Nếu tác giả có nguyện vọng thẩm định lại từ đầu thì bao giờ Bộ sẽ thông báo và thành lập hội đồng thẩm định, thưa ông?
Nếu không có gì thay đổi thì tháng 11.2019 Bộ sẽ tiếp tục thông báo để những bản thảo SGK không đạt trong thẩm định lần 1 nếu có nhu cầu sẽ tham gia thẩm định lại và như vậy vẫn đủ thời gian để sử dụng vào năm học 2021 - 2022. Với những bản thảo không đạt, chúng tôi cũng ý thức là những công trình rất tâm huyết, vì vậy Bộ sẽ thông báo vào đầu tháng 11 để thẩm định lần 2. Nếu các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình thì có quyền yêu cầu trưng dụng lực lượng thứ ba như tôi đã nói ở trên.
Trong thời gian qua, Báo Thanh Niên phản ánh nhiều ý kiến lo ngại các tiêu chí thẩm định quá cứng nhắc khiến cho việc có nhiều bộ SGK không còn thực sự ý nghĩa khi mà bộ nào cũng na ná nhau, thiếu bản sắc riêng và dễ trở thành “đồng phục” SGK?
Tôi cho rằng không thể đem các tiêu chí của Thông tư 33 ra để nói rằng SGK sẽ trở thành “đồng phục” vì Thông tư 33 chỉ quy định những cái chung nhất thôi, còn nội dung thế nào sẽ được quy định ở Thông tư 32. Những quy định mang tính chất khung thôi. Tiên quyết ban đầu vẫn là mạch nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình quy định tổng số tiết của một môn là bao nhiêu tiết thì SGK phải đảm bảo thiết kế đủ số tiết như vậy.
Về mặt nội dung, SGK được thiết kế dựa trên Thông tư 32 quy định về chương trình giáo dục phổ thông là quan trọng nhất. Phẩm chất, năng lực và những nội dung cần đạt theo từng khối lớp học và SGK là thể hiện của chương trình. Có thể hình dung Thông tư 32 là đưa ra đề bài còn Thông tư 33 đưa ra cấu trúc của SGK... Tính đa dạng của SGK lần này thể hiện ở cách tiếp cận nội dung của từng tác giả, nhóm tác giả theo nội dung của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Còn khi tác giả trình bày mạch nội dung ấy theo cách tiếp cận theo góc độ nào thể hiện tâm huyết và phương pháp của từng nhóm tác giả. Còn thẩm định SGK là để kiểm đếm, xem xét các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã đảm bảo chưa. Khi thiết kế thì bản thảo đã thể hiện đúng quy cách chưa. Vì vậy, chúng ta cũng phải chấp nhận một việc là lần đầu tiên Bộ tiến hành thẩm định chi tiết, bài bản nên không tránh khỏi những băn khoăn.
Hoàn toàn không dùng ngân sách nhà nước để biên soạn SGKÔng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong việc biên soạn SGK nên toàn bộ kinh phí xuất bản SGK mới sẽ hoàn toàn không dùng ngân sách nhà nước.
|
Bình luận (0)