Các hình ảnh vệ tinh của công ty công nghệ vũ trụ Maxar (Mỹ) cho thấy chi tiết các căn cứ quân sự khủng đang được xây dựng, cũng như các khí tài ở bờ biển Bắc Băng Dương của Nga, cùng với các cơ sở ngầm dường như để chứa ngư lôi Poseidon và các vũ khí công nghệ cao khác.
Phía Nga luôn cho rằng mục tiêu ở Bắc Cực nhằm đảm bảo an ninh bờ biển phía bắc và mở rộng tuyến hàng hải Á - Âu, trong khi phương Tây lo ngại Nga đang củng cố sức mạnh để cạnh tranh tại Bắc Cực.
Củng cố, xây mới
Theo CNN, bên cạnh ngư lôi Poseidon các khí tài của Nga tại khu vực này còn có các oanh tạc cơ, tiêm kích siêu âm MiG31BM và các hệ thống radar mới, kể cả tại khu vực gần bờ biển Alaska.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy việc củng cố dần các sân bay và căn cứ hình cỏ 3 lá, với 3 màu đỏ, trắng và xanh của cờ Nga tại nhiều nơi dọc bờ biển Bắc Băng Dương của Nga trong vòng 5 năm qua.
|
Nhằm đối phó, NATO cũng đã điều động các binh sĩ và thiết bị, trong đó có các oanh tạc cơ B-1 Lancer của Mỹ đóng tại căn cứ không quân Orland của Na Uy mới đây đã hoàn tất các sứ mệnh tại phía đông biển Barents.
Vào tháng 8 năm ngoái, giới chức Mỹ thừa nhận tàu ngầm tàng hình Seawolf của nước này cũng đã đến khu vực trên.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận rằng “rõ ràng có thách thức quân sự từ Nga ở Bắc Cực”, bao gồm việc sửa chữa lại các căn cứ cũ thời Chiến tranh lạnh và xây dựng các cơ sở mới tại bán đảo Kola gần thành phố Murmansk.
“Siêu vũ khí”
Các chuyên gia quân sự và giới chức phương Tây mới đây đã bày tỏ quan ngại đặc biệt về “siêu vũ khí” của Nga là ngư lôi Poseidon 2M39, loại vũ khí có thể đang được Nga trang bị tại các căn cứ trên.
|
Việc phát triển ngư lôi này đang được tiến hành cấp tốc khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo nâng cấp một “giai đoạn then chốt” trong các đợt thử nghiệm hồi tháng 2 và sẽ tiến hành thêm thử nghiệm trong năm nay.
Ngư lôi tàng hình tự hành này có động cơ là lò phản ứng hạt nhân, với thiết kế nhằm lọt qua các hàng rào phòng thủ bờ biển. Giới chức Nga cho biết vũ khí này có đầu đạn với sức nổ nhiều megaton, gây sóng phóng xạ và khiến một khu vực lớn không thể cư trú được trong nhiều thập niên.
Phó đô đốc Nils Andreas Stensønes đứng đầu cơ quan tình báo Na Uy cho biết cơ quan này xem Poseidon “là một phần trong các vũ khí răn đe hạt nhân mới”.
Bình luận (0)