Loạt động thái mới của Nga tại Ukraine

Khánh An
Khánh An
28/03/2022 06:41 GMT+7

Quân đội Nga được cho là đang tìm cách chia cắt, bao vây lực lượng Ukraine ở Donbass, trong khi tiếp tục phóng tên lửa dồn dập ở miền tây Ukraine.

Một ngày sau khi tuyên bố hoàn thành giai đoạn 1 chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các lực lượng Nga dường như đang dồn về phía Donbass, trong khi phía Ukraine cho rằng Nga vẫn đang tiếp tục dùng toàn lực.

Chia cắt, bao vây ở Donbass

Báo cáo tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng lực lượng Nga dường như tìm cách bao vây các binh sĩ Ukraine đang đối phó lực lượng ly khai ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Một kho nhiên liệu ở Lviv, Ukraine bị trúng tên lửa hành trình

Reuters

Theo tờ The Guardian ngày 27.3 dẫn nội dung báo cáo, các đơn vị Nga từ Kharkiv đang tiến về phía nam và từ Mariupol tiến về phía bắc. Nếu thành công, chiến thuật này có thể chia cắt các binh sĩ Ukraine đang giao tranh với lực lượng ly khai tại Donetsk và Luhansk. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết phía Ukraine đã đẩy lùi 7 đợt tiến công của Nga tại vùng Donbass và tiêu diệt 8 xe tăng, đồng thời cho rằng Nga tiếp tục gây sức ép toàn lực.

Xem nhanh: Diễn biến gì trong chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine ngày thứ 32?

Song song đó, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Vadym Denysenko cho hay Nga đang đưa lực lượng luân chuyển đến biên giới và có thể tăng cường chiến dịch ở Ukraine. Phía Nga đến hôm qua chưa bình luận về thông tin trên. Nga nhiều lần khẳng định chiến dịch ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch, trong khi giới lãnh đạo phương Tây cho rằng lực lượng Nga bị chặn đứng bởi sự kháng cự quyết liệt của Ukraine.

Nhắm vào kho nhiên liệu

Bộ Quốc phòng Nga ngày 27.3 xác nhận đã tấn công các mục tiêu quân sự ở thành phố Lviv phía tây Ukraine bằng những tên lửa hành trình chính xác cao, trong khi Ukraine lo ngại rằng Nga đang tập trung phá hủy các kho nhiên liệu và lương thực. Theo Reuters, Nga nhằm vào một kho nhiên liệu của lực lượng Ukraine gần Lviv bằng tên lửa tầm xa và dùng tên lửa hành trình tấn công một nhà máy tại thành phố này vốn đang được dùng để sửa chữa các hệ thống phòng không, trạm radar và hệ thống ngắm của xe tăng.

Chiến dịch tiếp diễn, Nga phóng tên lửa vào mục tiêu quân sự ở Lviv

“Lực lượng vũ trang Liên bang Nga tiếp tục những hành động tấn công nằm trong chiến dịch quân sự đặc biệt”, theo thông cáo đưa ra bởi phát ngôn viên Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga. Phía Nga còn đưa ra đoạn phim về tên lửa tấn công tại Lviv. Giới chức Lviv, thành phố nằm cách biên giới Ba Lan chỉ 60 km, cho biết nhiều người bị thương trong các chiến dịch bằng tên lửa của Nga.

Nga còn dùng các tên lửa tầm xa phóng từ biển để phá hủy các hệ thống tên lửa S-300 và BUK gần Kyiv và phá hủy nhiều máy bay không người lái (UAV) của Ukraine. Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Vadym Denysenko cho rằng việc Nga bắt đầu phá hủy các kho nhiên liệu và lương thực đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ phải phân tán các kho này trong thời gian sắp tới.

Ảnh vệ tinh cận cảnh một kho nhiên liệu ở Kalynivka của Ukraine bị cháy hôm 25.3

Thêm hỗ trợ từ hai phía

Trong một động thái khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chỉ đạo quân đội nước này duy trì các lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động cao. Chỉ đạo được đưa ra tại cuộc họp với các quan chức cấp cao ở Moscow vào ngày 26.3 (giờ địa phương), và là lần đầu tiên trong khoảng 2 tuần qua ông Shoigu phát biểu công khai. Theo Đài NHK, ông Shoigu nói rằng quân đội Nga sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị cho lực lượng Nga ở tiền tuyến tại Ukraine, bao gồm các vũ khí chính xác cao tầm xa, thiết bị máy bay, và duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng hạt nhân chiến lược.

Nga kiểm soát thị trấn nơi công nhân nhà máy Chernobyl sinh sống

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước phương Tây cung cấp một phần khí tài trong kho vũ khí của họ cho Ukraine. Nhiều nước phương Tây đã hứa cung cấp tên lửa phòng không và một số loại vũ khí nhỏ, nhưng ông Zelensky cho hay Kyiv cần xe tăng, máy bay và hệ thống chống hạm. “Đây là những gì các đối tác của chúng tôi có”, Reuters dẫn lời ông Zelensky nêu rõ. Ông nói rằng Ukraine chỉ cần 1% số máy bay của NATO và 1% số trực thăng của khối này và sẽ không đề nghị thêm. Trước đó, ông Zelensky đã điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và bày tỏ sự thất vọng vì chưa được chuyển giao các máy bay chiến đấu.

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này hôm qua thông báo sẽ viện trợ an ninh dân sự thêm 100 triệu USD nhằm giúp Ukraine tăng cường năng lực của Bộ Nội vụ trong việc đảm bảo an ninh biên giới, duy trì chức năng thực thi luật dân sự và bảo vệ hạ tầng trọng yếu của chính phủ. Cụ thể, khoản viện trợ mới sẽ tiếp tục cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân, trang bị thực địa và chiến thuật, hỗ trợ y tế, xe bọc thép và thiết bị liên lạc cho lực lượng biên phòng và cảnh sát quốc gia Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ đứng về phía các nước ủng hộ nhân dân, chính phủ Ukraine, đồng thời kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn con đường hòa bình và ngoại giao.

Lãnh đạo Luhansk muốn trưng cầu dân ý để gia nhập liên bang Nga?

Lực lượng ly khai ở Luhansk muốn trưng cầu dân ý

Hãng Sputnik ngày 27.3 dẫn lời lãnh đạo Leonid Pasechnik của “Cộng hòa Nhân dân Luhansk”, do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine được Nga hậu thuẫn, cho rằng khu vực này có thể sớm tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. “Tôi cho rằng trong tương lai gần, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức tại lãnh thổ này. Người dân sẽ thực thi quyền hiến định và bày tỏ ý kiến của họ về việc gia nhập Liên bang Nga”, ông phát biểu. Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraine Kyrylo Budanov cáo buộc Nga đang cố gắng chia cắt Ukraine làm đôi và thành lập một khu vực do Moscow kiểm soát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.