Loay hoay định hướng tương lai, sinh viên tìm sự trợ giúp ở đâu?

12/01/2024 16:15 GMT+7

Thiếu kỹ năng cần thiết hoặc mông lung với ngành học đã chọn, nhiều sinh viên muốn cải thiện tình trạng này nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Một trong số các giải pháp là hoạt động mentoring (hướng dẫn, cố vấn).

Thiếu kỹ năng nghề nghiệp

Năm 2017, cuộc khảo sát trên 3.000 sinh viên các trường ĐH của diễn đàn "Giới trẻ với doanh nghiệp Việt Nam" (Viet Youth ToBusiness) thuộc tổ chức thanh niên quốc tế phi chính phủ AIESEC TP.HCM, cho thấy 42% sinh viên thất nghiệp không đạt yêu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, 61% sinh viên có việc làm tự nhận mình không có kỹ năng nghề nghiệp.

Bốn năm sau, báo cáo điều tra lao động việc làm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy 13,4% lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên. Lý do phổ biến là người ứng tuyển thiếu các kỹ năng làm việc, theo chia sẻ của 69% doanh nghiệp khi được hỏi về công tác tuyển dụng.

Đến năm 2023, báo cáo tình hình thị trường lao động Việt Nam của Tổng cục Thống kê, đánh giá tỷ lệ thanh niên (từ 15-24 tuổi) thất nghiệp còn cao, khoảng 437.300 người, chiếm 41,3% tổng số người thất nghiệp. Cũng trong năm 2023, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm gần 77% số người tìm việc ở TP.HCM và gặp nhiều khó khăn hơn các nhóm khác. Nguyên nhân đến từ kỳ vọng về mức lương, khả năng đáp ứng của người lao động đối với các vị trí, theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (FALMI).

Các báo cáo trên cho thấy không ít sinh viên thiếu kỹ năng cần thiết, mất động lực và mông lung về định hướng tương lai. Nhiều người muốn thay đổi bản thân nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Chẳng hạn, Nhật Linh, sinh viên Viện Đào tạo quốc tế (ISB), ĐH Kinh tế TP.HCM, đang học ngành quản trị kinh doanh nhưng chưa xác định rõ hướng đi, phần vì cảm thấy thích nhiều lĩnh vực, phần vì không hiểu mình, hiểu nghề.

Loay hoay định hướng tương lai, sinh viên tìm sự trợ giúp ở đâu?- Ảnh 1.

Mở lòng, hiếu kỳ và cam kết là những yếu tố góp phần xây dựng mối quan hệ "chất lượng" giữa sinh viên và cố vấn

UEH MENTORING

Tương tự, Khánh Bình (sinh viên năm 3, ngành kinh doanh quốc tế, ĐH Kinh tế TP.HCM) đăng ký ngành học theo nguyện vọng gia đình và cũng loay hoay xác định đam mê. Điểm chung của Nhật Linh và Khánh Bình còn là thiếu kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân.

Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Linh và Bình gặp được cố vấn của mình trong một hoạt động ghép cặp tư vấn. Cả hai đã có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành nghề, đồng thời cải thiện điểm yếu và bổ sung một số kỹ năng mềm.

Loay hoay định hướng tương lai, sinh viên tìm sự trợ giúp ở đâu?- Ảnh 2.

Một phiên cố vấn trong khuôn khổ chương trình

UEH MENTORING

Sợi dây gắn kết "tiền bối'' và ''hậu bối''

Được biết, Nhật Linh và Khánh Bình tham gia hoạt động cố vấn 1 kèm 1 (mentoring 1:1) của tổ chức phi lợi nhuận UEH Mentoring (UM). Đây là tổ chức được thành lập năm 2016 bởi cộng đồng cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện trực thuộc mạng lưới Vietnam Alumni Mentoring (VAM).

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ nhiệm UM và Chủ tịch VAM, cho biết sự ra đời của UM là cơ hội kết nối giữa nhà trường, sinh viên và cựu sinh viên. Trong đó, cựu sinh viên là những người thành đạt, mong muốn quay trở lại giúp đỡ ''hậu bối''.

Khi UM lớn mạnh, ông Thắng cùng ban lãnh đạo mở rộng quy mô hoạt động bằng việc thành lập "hiệp hội" VAM, với sự góp mặt của các tổ chức như BK Mentoring (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), FTU Alumni Mentoring (Trường ĐH Ngoại thương), HUB Alumni Mentoring (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), Hanoi Alumni Mentoring...

UM hướng đến mục tiêu hỗ trợ sinh viên có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp, trang bị kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân thông qua môi trường tương tác giữa cố vấn (mentor) và "người học" (mentee).

Bà Lê Thị Thúy, đồng chủ nhiệm UM, Giám đốc chăm sóc khách hàng Công ty Dentsu Sports Vietnam, nhận thấy cố vấn và sinh viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau và lan tỏa những giá trị tử tế, giúp sinh viên trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Hùng Thiện, Giám đốc điều hành Công ty GCOMM, khẳng định các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ sinh viên. "Qua quá trình cố vấn, sinh viên sẽ hình thành tư duy đúng, trang bị kỹ năng và tâm thế gia nhập thị trường lao động. Điều này không chỉ có ích cho sinh viên mà còn giúp doanh nghiệp chiêu mộ người tài, hạn chế tái đào tạo. Hơn nữa, giúp đỡ sinh viên là cách doanh nghiệp phụng sự xã hội", ông Thiện nói.

Loay hoay định hướng tương lai, sinh viên tìm sự trợ giúp ở đâu?- Ảnh 3.

Sinh viên được đào tạo kỹ năng sử dụng excel khi tham gia chương trình

UEH MENTORING


Tại sao sinh viên cần mentor?

Trước khi trở thành mentee, sinh viên sẽ trải qua 2 vòng sàng lọc là nộp hồ sơ và phỏng vấn để mentor nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của ứng viên và kiểm tra độ phù hợp khi ghép cặp.

Hình thức mentoring 1:1 diễn ra giữa 1 mentee sinh viên và 1 mentor là chủ doanh nghiệp, quản lý cấp cao hoặc chuyên viên. Hai bên có những buổi gặp mặt hàng tháng trong vòng 1 năm để trao đổi các vấn đề học tập, công việc… Sau mỗi buổi, mentee phải viết bài tổng kết những gì đã học được từ mentor.

Như vậy, ban điều hành cho biết vai trò của mentor là gợi mở, dẫn dắt để mentee tự tìm câu trả lời cho các câu hỏi. "Không giống giảng viên cung cấp kiến thức học thuật, mentor sẽ dùng hiểu biết, kinh nghiệm để giúp mentee trưởng thành, tự tin hơn", ông Thắng chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Thúy thấy rằng một số vấn đề sẽ khó giải quyết nếu sinh viên xoay xở một mình. Ngược lại, mentor có khả năng "gỡ nút thắt" bằng kỹ năng chuyên môn cũng như trải nghiệm thực tế. "Có những điều sinh viên nghe gia đình, bạn bè, thầy cô nói nhưng chưa 'thấm' tại thời điểm đó. Đến với môi trường mentoring, các bạn sẵn sàng tâm thế học hỏi và mentor xuất hiện đúng lúc, do đó 'nút thắt' dễ được tháo gỡ", bà Thúy lý giải.

Dù vậy, ban điều hành nhấn mạnh mentor chỉ "trao cần câu chứ không cho cá". Vì thế, bà Thúy đề xuất sinh viên có sự cam kết, mở lòng và hiếu kỳ để tận dụng khoảng thời gian mentoring hiệu quả. Với hoạt động này, ban điều hành hy vọng sinh viên không còn cô đơn, lạc lối khi giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

Không chỉ riêng UEH Mentoring, một số trường ĐH khác như Trường ĐH Hoa Sen cũng tổ chức hoạt động mentoring, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm như hội thảo đào tạo, tham quan doanh nghiệp… để hỗ trợ hàng ngàn sinh viên định vị bản thân, định hướng tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.