Nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng và nay càng được chú ý bởi xu hướng du lịch miền quê đang hút khách...
“Tôi là đời thứ 7 sở hữu ngôi nhà cổ này. Ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời cụ tổ. Nhiều thế hệ của gia đình cùng nhau lưu giữ, bảo vệ và xem đây là “kỷ vật” vô giá”, ông Nguyễn Đình Hoan, 75 tuổi, nói về ngôi nhà cổ có niên đại gần 200 năm mà ông đang sở hữu ở xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước (Quảng Nam). Theo ông Hoan, căn nhà cổ được làm bằng gỗ mít, phải mất 12 năm công thợ để hoàn thành, tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ. Nền nhà được đắp từ đất của những tổ mối nên rất chắc chắn, bền bỉ với thời gian. Thời bố ông (cụ Nguyễn Huỳnh Anh) còn sống, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cử người đến hỏi mua căn nhà này, còn đưa ra điều kiện đổi căn nhà lấy một khu biệt thự ở Sài Gòn nhưng bố ông không đồng ý. Nhờ vậy, giờ đây Lộc Yên còn lưu giữ được căn nhà cổ có giá trị cao và kiến trúc độc đáo.
Một góc làng cổ Lộc Yên, nhìn từ trên cao |
MẠNH CƯỜNG |
“Ngôi làng này trước đây sở hữu hàng trăm ngôi nhà cổ. Nhưng trải qua chiến tranh, bom đạn đã phá nát hết, giờ chỉ còn khoảng 8 căn nhà còn nguyên vẹn như thuở mới xây. Hiện nay, những ngôi nhà cổ ở làng cổ Lộc Yên đang trở thành điểm tham quan yêu thích của khách du lịch”, ông Hoan chia sẻ.
Ông Hoan cho biết, theo các bậc cao niên kể lại, làng cổ Lộc Yên được hình thành gắn với công cuộc khai hoang, lập làng vào thế kỷ 15-16. Làng có tổng diện tích 279 ha, với gần 200 hộ dân sinh sống. Đến thời Tây Sơn (1771 - 1802), ông Nguyễn Công Tuyết (người Tam Kỳ) đưa gia đình cùng một số dân đinh đến đây khai hoang lập làng và đặt tên là Lộc An thôn, về sau gọi là Lộc Yên. Đến nay, qua 7 đời, làng Lộc Yên có nhiều tộc họ cùng sinh sống thuận hòa.
Giếng cổ đầu làng |
Làng cổ “chuyển mình”
Những năm gần đây, nhiều gia đình ở Lộc Yên tập trung chỉnh trang vườn nhà theo hướng xanh - sạch - đẹp, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, chung tay cùng chính quyền thúc đẩy phát triển du lịch. Đáp ứng nhu cầu cầu lưu trú của du khách, nhiều gia đình xây dựng mô hình homestay từ chính ngôi nhà, mảnh vườn của gia đình mình. Mỗi năm, mô hình này giúp người dân thu về hàng trăm triệu đồng.
Những ngôi nhà cổ có niên đại gần 200 năm tuổi ở làng cổ Lộc Yên |
MẠNH CƯỜNG |
Ông Nguyễn Đình Sưu (ở làng Lộc Yên) cho biết từ khi có đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái của H.Tiên Phước, gia đình ông đã đầu tư chỉnh trang khuôn viên nhà vườn. “Du khách sau khi tham quan nhà cổ thường ghé vào nhà vườn để chụp ảnh, mua nông sản, trái cây mang về làm quà. Tôi thấy làm du lịch cộng đồng vừa phát huy được thế mạnh kinh tế vườn, tăng thu nhập, vừa tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi tại địa phương. Du khách tìm đến làng cổ Lộc Yên trước là hít bầu không khí trong lành, sau đó là trải nghiệm những giá trị mà chỉ ở ngôi làng cổ này mới có”, ông Sưu nói.
Ông Nguyễn Phước Dương, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, cho biết làng cổ Lộc Yên đang thực sự “chuyển mình”. Những năm gần đây, lượng du khách trong và ngoài nước tìm đến làng cổ Lộc Yên nói riêng và H.Tiên Phước nói chung tăng lên đáng kể, ước gần hàng trăm nghìn lượt mỗi năm. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình Năm du lịch quốc gia 2022, H.Tiên Phước sớm có kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn, chuẩn bị tổ chức Hội làng Lộc Yên, lễ hội măng cụt, các sản phẩm du lịch phục vụ du khách tại các ngôi nhà cổ...
Ngõ đá rêu phong |
Theo ông Dương, trước đây người dân chỉ biết làm vườn, nhưng từ khi có đề án phát triển du lịch cộng đồng thì đã thích ứng hơn với việc "làm du lịch". Người dân năng động hơn, chủ động giao tiếp với khách, buôn bán các mặt hàng nông sản đem lại nguồn thu nhập cao. “Đến với làng Lộc Yên, du khách có cơ hội tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa, tham gia hoạt động lễ hội, tham quan, khám phá những ngôi nhà cổ, không gian ngõ đá và thưởng thức đặc sản ẩm thực miền quê Tiên Phước... Quan điểm của địa phương là sẽ phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích, phát huy các giá trị di sản mà làng cổ Lộc Yên đang sở hữu”, ông Dương nói.
Lưu giữ những kỷ vật vô giá
Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước) nằm cách trung tâm thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ hơn 40 km về phía tây nam. Tháng 9.2019, làng cổ Lộc Yên được công nhận di tích quốc gia và là một trong 4 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Làng cổ Lộc Yên được người dân gọi với cái tên đầy trìu mến, “xứ Tiên”, bởi sở hữu nhà cổ, ngõ đá rêu phong và hội tụ những nét đẹp, sự bình yên ngỡ như trong tiên cảnh. Điểm nhấn của ngôi làng là sự kết hợp hài hòa giữa ngõ đá rêu phong nằm “ẩn mình” dưới hàng cau xanh cao vút, vườn trái cây, ruộng đồng và những ngôi nhà cổ với nét kiến trúc tinh tế. Những hàng chè ôm lấy những lối đi bằng đá sâu hun hút, quanh co dẫn vào các ngôi nhà cổ tạo nên một cảm giác yên bình, mộc mạc. Sự kết hợp này đã tạo nét riêng độc đáo, đặc trưng cho làng cổ Lộc Yên. Ngoài ra, chính cách bố trí khéo léo, tinh tế của những quần thể ngôi nhà cổ khiến ngôi làng như một bức tranh thủy mặc.
Giá trị cốt lõi nhất ở ngôi làng này chính là lưu giữ được 8 ngôi nhà cổ, tuổi đời từ 150 - 200 năm. Những ngôi nhà cổ này còn nguyên tường đá 3 gian 2 chái với mái ngói âm dương theo kiểu nhà rường. Tất cả đều giữ nguyên giá trị văn hóa, lịch sử dù trải qua nhiều trận bom rơi đạn lạc thời chiến. Các chủ nhân vẫn đang nâng niu di sản cha ông để lại, như chiếc bàn xoay bí ẩn, chiếc tủ thờ độc nhất vô nhị có chạm trổ hoa văn bằng ngọc trai… giúp tạo nên một Lộc Yên trầm mặc, nguyên sơ, đánh động cảm xúc du khách thập phương.
Bình luận (0)