Lợi nhuận hơn 10.600 tỉ đồng, vì sao Techcombank chưa chia cổ tức?

Anh Vũ
Anh Vũ
13/04/2019 16:11 GMT+7

Đó là một chiến lược gia tăng vốn, nguồn lực vững chắc mà theo Tổng giám đốc Techcombank , ngân hàng sẽ chỉ khoẻ hơn và cổ đông gắn bó dài hạn chắc chắn được hưởng lợi.

Sáng 13.4, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2019. Nhân dịp này Thanh Niên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank về kết quả hoạt động kinh doanh, lợi ích của cổ đông, chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng này trong tương lai.

Mua đi bán lại, lướt sóng thì không nên đầu tư

Là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất đạt lợi nhuận 10.000 tỉ đồng năm 2018, tại sao Techcombank giữ lại lợi nhuận, tạm thời chưa chia cổ tức cho cổ đông, thưa ông?
Vấn đề giữ lại lợi nhuận là lợi điểm cạnh tranh của bất cứ ngân hàng nào trong hoạt động kinh doanh. Nó đảm bảo lúc nào ngân hàng cũng đầy đủ vốn, không phải mất tiền đi huy động. Ngoài ra, nhìn lại các ngân hàng khác năm nào cũng chia cổ tức, không giữ lại khả năng phát triển sẽ yếu đi. Tôi nghĩ rằng, ngân hàng yếu thì không nên chia cổ tức bằng tiền, đây là điều tiên quyết để thành công và đảm bảo sự an toàn về lâu về dài.
Kết quả kinh doanh quý 1/2019 vượt mọi chỉ tiêu
Theo báo cáo của lãnh đạo Techcombank, ngân hàng vừa trải qua năm 2018 kinh doanh tích cực với lợi nhuận đạt hơn 10.660 tỉ đồng, tăng 32,7% so với 2017 và vượt 6,6% so với kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ được tăng lên gần 35.000 tỉ đồng, gấp 3 lần so với 2017 và vượt hơn 60% so với kế hoạch. Vốn chủ sở hữu cũng được tăng mạnh thêm 92,2% lên 51.783 tỷ đồng, vượt hơn 15,2% so với kế hoạch. Sau khi trích lập các quỹ, Techcombank còn lại 10.286 tỉ đồng có thể phân phối cho cổ đông, tuy nhiên ngân hàng sẽ không chia cổ tức mà giữ lại để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Quý 1 ngân hàng vượt mọi chỉ tiêu kết quả đề ra. Con số chi tiết sẽ được báo cáo kiểm toán trong thời gian tới. 
Kế hoạch 2019, ngân hàng muốn tăng tài sản thêm 17% lên 375.821 tỉ đồng; huy động vốn (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi) tăng 32% lên 274.156 tỉ đồng, dư nợ tín dụng tăng 13% lên 235.366, lợi nhuận trước thuế tăng 10% lên 11.750 tỉ đồng. Kết quả bầu cử, các ứng cử viên đều trúng cử vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019 - 2024, bao gồm: ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Nguyễn Thiều Quang, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Đỗ Tuấn Anh, ông Lee Boon Huat, ông Saurabh Narayan Agarwal và ông Nguyễn Nhân Nghĩa (thành viên độc lập).
Với cổ đông họ chỉ có 2 nguồn lãi là từ cổ tức và giá cổ phiếu tăng lên. Tuy nhiên, sau khi lên sàn chia tách cổ phiếu, giá thị trường của TCB khá thấp, không chia cổ tức nữa thì họ được lợi gì?
Nếu cổ đông giữ cổ phiếu dài hạn, giá trị của ngân hàng sẽ đi lên và họ lấy được lợi nhuận từ đó. Tại Techcombank, nhờ giữ lại không chia nên trong những năm qua ngân hàng tăng được vốn, có tiền mở rộng đầu tư, tăng tín dụng… mức tăng trưởng bình 20%/năm. Tôi lấy ví dụ, nhờ tăng vốn nên quy mô của ngân hàng càng ngày càng lớn. Chúng tôi có nguồn lực đầu tư vào nền tảng công nghệ. 2 năm qua số người dùng hệ thống giao dịch trực tuyến của Tehcombank tăng 3 lần, số tiền tăng gấp 10 lần. Dịp tết vừa rồi, Techcombank là ngân hàng duy nhất không bị ngưng, nghẽn giao dịch. Đó là kết quả của 3 năm liên tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ.
Ý ông là với cổ đông, muốn thu được lợi nhuận lớn khi đầu tư vào Techcombank thì nên nắm giữ dài hạn, thay vì đầu tư lướt sóng?
Với mức tăng trưởng 20%/năm thời gian qua và mục tiêu trong vài năm tới, rõ ràng đầu tư dài hạn vào Techcombank sẽ có lợi. Với cổ đông giữ cổ phiếu Techcombank từ 3 năm trước đến nay đã có lãi gấp nhiều lần vì giá trị của ngân hàng đã tăng từ mức 400 triệu USD lên tới 5 tỉ USD. Còn mua đi bán lại, lướt sóng thì Techcombank không phải nơi để đầu tư.

Xoay trục, tăng thu phi tín dụng, giảm nợ xấu

Năm nay Techcombank chỉ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13% và lợi nhuận chỉ tăng 10% bằng một nửa năm ngoái, vì sao các ông lại thận trọng như vậy?
Tăng trưởng tín dụng 13% là hạn mức tín dụng mà Ngân hàng nhà nước cho phép và Tehcombank phải xây dựng kế hoạch theo chỉ tiêu này. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đã nộp hồ sơ báo cáo về việc áp dụng các tiêu chí của Basel 2. Tehcombank là một trong số nhà băng đã xử lý được hết nợ xấu bán cho VAMC từ 2 năm nay. Hiện tỷ lệ an toàn vốn CAR của Techcombank khá cao ở mức 14,5%, cùng với việc áp dụng Basel 2, áp dụng chuẩn mực kế hoạch tài chính theo tiêu chuẩn thế giới, trong khoảng 2-3 tháng tới khi được ngân hàng nhà nước chấp thuận thì hạn mức tín dụng sẽ được nâng lên, dư địa phát triển sẽ lớn hơn nhiều.
Techcombank có chiến lược “xoay trụ” tăng tỉ trọng doanh thu từ lĩnh vực phi tín dụng, thay vì dựa nhiều vào tín dụng vốn cũng rất dễ phát sinh nợ xấu như các ngân hàng đang làm hiện nay?
Một ngân hàng muốn phát triển bền vững, phải có mạng lưới và lượng khách hàng lớn cũng như tỷ trọng doanh thu từ phí cao. Như vậy mới đảm bảo được an toàn, tránh rủi ro cho vay quá nhiều rơi vào chu kỳ suy thoái của nền kinh tế. Vì khi kinh tế theo chu kỳ suy giảm, nhưng khách hàng vẫn phải giao dịch, vẫn cần tư vấn và dòng tiền vẫn đi vào ngân hàng. Hiện nay tỷ lệ thu từ phí của Techcombank chiếm 40% tống doanh thu. Định hướng trong thời gian tới tỷ trọng này sẽ được nâng lên 50% để cân bằng với mức 50% còn lại doanh thu từ tín dụng.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.