Lớp 1 năm đầu tiên đổi mới: Quá nhiều thách thức!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
11/08/2021 07:15 GMT+7

Nguyên nhân khiến lớp 1 lận đận đến từ cả nội dung chương trình, sách giáo khoa, cộng thêm tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua.

Có quá nhiều thách thức với ngành giáo dục trong 2 năm qua, khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông áp dụng năm đầu tiên với lớp 1 vào năm 2020, nhưng đến thời điểm này, nơi chưa kết thúc năm học cũ, nơi chưa biết bắt đầu năm học mới ra sao.
Nguyên nhân khiến lớp 1 lận đận đến từ cả nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK), cộng thêm tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua.

Ảnh hưởng 3 đợt dịch bệnh trong 1 năm học

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc nhập học cho học sinh (HS) lớp 1 năm học vừa qua diễn ra khá lúng túng trên cả nước. Từ bậc mầm non lên tiểu học, các bé không có thời gian được đến trường cho giai đoạn “tiền lớp 1” đặc biệt quan trọng.
Nhiều giáo viên (GV) chia sẻ nhận lớp 1 năm vừa rồi vất vả hơn mọi năm. Do ảnh hưởng của dịch nên thời gian cuối ở cấp mầm non, các con chưa được rèn luyện nhiều, không được làm quen với bảng chữ cái.
Vừa xong học kỳ 1, có thêm đợt dịch, cùng với HS cả nước, HS lớp 1 tiếp tục nghỉ học.
Đầu học kỳ 2 và cuối năm học vừa qua, Hà Nội và một loạt tỉnh phía bắc lại phải tiếp tục cho HS nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến. Với HS lớp 1 thì đây quả là một thách thức. GV và phụ huynh lo lắng việc nghỉ học sẽ khiến HS quên hết những gì mới được học trong học kỳ đầu tiên. Một số địa phương, như Hải Phòng, sau một thời gian thực hiện đã ra chỉ đạo dừng dạy học trực tuyến với lớp 1, 2 vì thấy vừa không hiệu quả, vừa áp lực, căng thẳng cho cả thầy và trò.

Lứa học sinh lớp 1 đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới

Ngọc Dương

Đến gần trung tuần tháng 8 năm nay, khi năm học mới lẽ ra sắp bắt đầu, những địa phương có dịch bệnh phức tạp như Hà Nội, Bắc Ninh vẫn chưa thể kết thúc năm học.
Sau một thời gian nghỉ học, đi học rồi lại nghỉ học… kéo dài cả năm rải rác ở các địa phương, đến thời điểm này, trong số 2 địa phương trên cả nước chưa thể kết thúc năm học thì Bắc Ninh khống chế được dịch bệnh nên quyết định cho HS đến trường làm bài kiểm tra trực tuyến từ nay đến 15.8.
Trong khi đó, lớp 1 vẫn là khối lớp sau cùng ở Hà Nội phải chờ đợi. Một số trường vẫn thấy quá khó cho cả hai hình thức kiểm tra trực tiếp và trực tuyến nên Sở GD-ĐT đành “cầu cứu” lên Bộ GD-ĐT và quyết định đưa ra cách đây vài ngày, đó là cho phép bỏ bài kiểm tra cuối năm học với lớp 1 (và cả lớp 2) ở những nơi khó khăn, không đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến. Sau văn bản này, Hà Nội sẽ phải chờ đến ngày 15.8 để có thể tổng kết năm học với lớp 1 và cũng là kết thúc năm học đầy khó khăn của toàn ngành.

Sáng 11.8: Cả nước 4.802 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.128 bệnh nhân

Lao đao vì chương trình nặng, SGK nhiều sạn

Năm học vừa qua, sau khi tròn 1 tháng dạy học chương trình, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, Bộ GD-ĐT đã phải ra văn bản “tăng cường chỉ đạo” khi có nhiều ý kiến về chương trình mới nặng so với trước. Trao đổi với Thanh Niên, các GV đều có chung nhận định SGK lớp 1 mới có những ưu điểm so với sách cũ.
Tuy nhiên, tiến độ chương trình môn tiếng Việt lớp 1 mới nhanh hơn, yêu cầu cao hơn. Sự quá tải trước hết ở thời lượng, thời gian học tiếng Việt rất nhiều, liên tục. Theo chương trình mới, HS học 12 tiết tiếng Việt/tuần, gấp 4 lần môn toán và chỉ còn tổng 20 tiết cho các môn học, hoạt động giáo dục còn lại (trong khi chương trình cũ: tiếng Việt 10 tiết, toán 4 tiết)…

Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới năm học 2020-2021

Ngọc Dương

Theo các GV, yêu cầu của chương trình mới cũng cao hơn so với chương trình cũ. Tuần 2 - 3, HS đã phải đọc câu dài, tiếp theo là viết bảng con cũng phải viết nhiều âm, vần, từ. Theo chương trình cũ, đến hết tuần thứ 4 mới học ở phần âm thì hiện nay đến tuần thứ 5 là đã sắp hết phần âm và chuyển sang phần vần. Với tâm lý lứa tuổi của HS lớp 1 thì một ngày học nhiều âm, nhiều vần cũng gây quá tải chứ chưa nói kiến thức đó là khó hay dễ.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT cho rằng việc thiết kế chương trình lớp 1 với thời lượng môn tiếng Việt tới 12 tiết/tuần nhằm giúp HS “đọc thông viết thạo càng nhanh càng tốt” để có thể học các môn khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục tiểu học cho rằng cần phải tính đến khả năng chịu tải và tâm lý lứa tuổi lớp 1. Chuẩn kiến thức trong chương trình có lộ trình nhất định. Do vậy, việc dạy HS lớp 1 là không thể nóng vội.
Câu chuyện quá tải chương trình tạm qua sau những tuần đầu cuộc khủng hoảng về nội dung SGK lại nổi lên. Cụ thể, SGK lớp 1 mới ở một số bộ sách có quá nhiều sạn. Trong đó, Bộ GD-ĐT đã phải yêu cầu rà soát lại SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều. Đến ngày 15.10.2020, Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung trong cuốn SGK này. Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để GV có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với HS lớp 1. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 12, nghĩa là sau gần hết học kỳ 1, nhà xuất bản của bộ sách Cánh diều mới công bố tài liệu điều chỉnh ngữ liệu SGK tiếng Việt lớp 1 sau khi đã được Bộ GD-ĐT cho phép. Khi ấy, nhiều nội dung đã trôi qua theo tiến độ chương trình.

Năm học tới sẽ bắt đầu ra sao?

Theo quyết định khung thời gian năm học Bộ GD-ĐT mới ban hành, lớp 1 sẽ được nới rộng hơn một mức. Cụ thể, trong khi các lớp học khác tựu trường sớm nhất vào ngày 1.9 thì lớp 1 được phép tựu trường sớm nhất từ ngày 23.8, tăng thêm 2 tuần trong khung thời gian năm học so với các lớp khác. Bộ GD-ĐT lý giải nhằm tạo thuận lợi cho các em từ bậc mầm non chủ yếu là vui chơi khi chuyển sang bậc học mới sẽ có thời gian làm quen nề nếp, trường lớp, chuẩn bị tâm thế để việc học tập chương trình mới được tốt nhất.
Tuy nhiên, thời điểm này dịch bệnh đang căng thẳng ở nhiều địa phương, hàng loạt tỉnh thành đang phải thực hiện giãn cách xã hội, việc bắt đầu năm học mới với lớp 1 đang là điều khiến ngành GD-ĐT đau đầu nhất vì chưa biết khi nào có thể cho HS tựu trường. Nhiều ý kiến thống nhất các lớp đều có thể học trực tuyến, riêng lớp 1 không thể bắt đầu bằng hình thức này để thay thế cho học trực tiếp.

Có thể ưu tiên cho lớp 1 được nới rộng khung thời gian năm học

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, khi nói về thực tế này cũng khẳng định: “HS lớp 1 rất đặc thù khi chưa biết đọc, viết. GV buộc phải tương tác trực tiếp, “cầm tay, nắn chữ” để dạy những chữ cái, chữ số đầu tiên cho các em. Việc dạy học trực tuyến không thể áp dụng máy móc khiến HS bị thiệt thòi”.
Do vậy, theo ông Tài, trong trường hợp bất khả kháng đối với một hoặc một số địa phương không thể cho HS lớp 1 đến trường đúng thời gian quy định thì Sở GD-ĐT báo cáo Bộ GD-ĐT để có ưu tiên cho lớp 1 được nới rộng khung thời gian năm học, giúp HS được học tập tương tác trực tiếp với GV.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đến thời điểm này thì Hà Nội chưa thể cho HS lớp 1 tựu trường theo nghĩa đến trường vào ngày 23.8, như mốc thời gian Bộ GD-ĐT cho phép. Tuy nhiên, nếu học trực tuyến thì ông Tiến cho rằng riêng lớp 1 cũng sẽ không thể thực hiện theo tiến độ chương trình như học trực tiếp được. “Chúng tôi chỉ có thể khuyến khích các nhà trường và cha mẹ HS giúp các con làm quen với cách học ở tiểu học, làm quen với việc học chữ, tập đọc… chứ không áp tiến độ chương trình và coi đó là những tuần thực học với lớp 1”, ông Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.