Lừa đảo mùa dịch: Cảnh giác 'bẫy' đầu tư

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
11/08/2021 08:53 GMT+7

Tâm lý lo lắng do bị giãn cách xã hội , hạn chế công việc, khó khăn tiền bạc dễ khiến người dân mất cảnh giác mỗi khi có cơ hội kiếm tiền qua mạng.

Theo thống kê của Công an TP.Đà Nẵng, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân ở nhà (giãn cách xã hội,) kết nối online càng nhiều thì các vụ lừa đảo qua mạng càng tăng. Đáng chú ý, những chiêu lừa đảo này từng được cơ quan chức năng cảnh báo từ mùa dịch trước đó (năm 2020) và Báo Thanh Niên đã phản ánh, nhưng kẻ gian vẫn “bổn cũ soạn lại”.

Công an Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) bắt giữ Phùng Văn Tình (22 tuổi, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) về hành vi lừa trúng thưởng iPhone hồi tháng 6.2021

Ảnh: NT

Theo đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, thủ đoạn nổi cộm, nhức nhối nhất hiện nay là lừa kinh doanh đa cấp sàn tiền ảo biến tướng, sàn ngoại hối. Đối tượng lập website đầu tư tài chính “nhái” các tổ chức quốc tế, xây dựng đội ngũ tư vấn điện thoại, quảng cáo mạng xã hội, hội thảo quy mô với các chuyên gia dỏm, tự xưng là sàn giao dịch nổi tiếng thế giới, xu hướng công nghệ blockchain tiên tiến nhất hiện nay…
Các cam kết đầu tư (gửi tiền) lãi suất cao, rút vốn tự do, không cần kiến thức, công sức dễ khiến nhiều người sập bẫy. Cho đến khi nộp tiền mua tiền ảo thì sàn giao dịch cũng… ngừng hoạt động, chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 7, chị Dương Thị Q. (32 tuổi, ngụ P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) đầu tư trên ứng dụng O., được thông báo trúng thưởng 120 triệu đồng. Nhân viên chăm sóc khách hàng yêu cầu chị Q. nhiều lần chuyển hàng chục triệu đồng để làm các thủ tục nhận tiền, sau đó chiếm đoạt.

Nhóm "bác sĩ Khoa" dùng tên giả nhưng tương tác thật, hoạt động có tổ chức

Cảnh báo một số thủ đoạn

Giả danh cơ quan luật pháp, gọi điện dọa vi phạm, yêu cầu nộp tiền chứng minh vô tội. Thậm chí, chính tội phạm gọi điện để… cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này, sau đó hướng dẫn nạn nhân cài phần mềm giả của Bộ Công an rồi chiếm quyền sử dụng điện thoại, xâm nhập dữ liệu. Ngoài ra, còn có các chiêu thức như mạo danh doanh nhân, quân nhân ngoại quốc làm quen qua mạng rồi hứa hẹn bảo lãnh, tặng quà...; chiếm tài khoản mạng xã hội rồi mượn tiền; nhắm vào các tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên giao dịch tiền bạc qua mạng, lập các email “nhái” các đối tác rồi gửi thư đề nghị chuyển tiền thanh toán.
Công an TP.Đà Nẵng cho biết thêm, mới đây nhiều người trình báo bị website Auto Ads (auto0ws3ei-ww.shoutload.com) lừa huy động vốn đa cấp. Đây là vụ việc đã bị Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) Bộ Công an phát hiện. Máy chủ website này đặt tại Hong Kong, mở tên miền ngày 24.4.2020 nhưng lại quảng cáo rằng đã hoạt động từ năm 2007 để tạo niềm tin, thậm chí “nổ” rằng đây là robot thông minh, công nghệ kinh tế mạng. Nhà đầu tư đăng ký tài khoản và nạp tiền theo 9 cấp từ 180.000 đồng đến 540 triệu đồng để nhận lãi suất từ 20 - 55%/ngày. “Huy động vốn, trả thưởng, phát triển mạng lưới của Auto Ads có dấu hiệu tội phạm kinh doanh đa cấp và dùng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản”, đại tá Trần Mưu khẳng định.
Trước thông tin lừa đảo này, Công an TP.Đà Nẵng đề nghị người dân cảnh giác, nhất là chuyện dễ bị lôi kéo đầu tư tiền ảo biến tướng, sàn ngoại hối núp bóng lừa đảo, các ứng dụng kiếm tiền qua mạng không rõ nguồn gốc, không giấy phép, thiếu cơ sở pháp lý hoạt động như iTrade, Busstrade, tiền ảo Robomine…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.