Lương giáo viên chưa bằng người giúp việc liệu có thu hút học sinh giỏi ?

Hà Ánh
Hà Ánh
17/05/2022 08:00 GMT+7

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến tiếp tục đưa ra điều kiện học lực khi xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên.

Quy định này dù đã được áp dụng nhiều năm nhưng vẫn rất “nóng” trong bối cảnh hiện nay khi đặt trong vấn đề làm sao để thu hút người giỏi vào học sư phạm.

Mục tiêu chất lượng đầu vào tốt, đầu ra tốt

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non, đào tạo giáo viên là 1 trong 2 nhóm ngành đặc thù có quy định riêng về ngưỡng đầu vào. Trong đó, học sinh (HS) xét tuyển nhóm ngành này ở hình thức đào tạo khác chính quy hoặc không dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, cần đạt điều kiện học lực giỏi.

Cụ thể là học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên (trừ các ngành sư phạm (SP) nghệ thuật và thể thao chỉ cần học lực khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên). Với phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT căn cứ vào phổ điểm công bố mức điểm sàn chung cho khối ngành theo tổ hợp 3 môn.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Với quy định trên của dự thảo, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng chỉ HS xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên bằng phương thức khác ngoài phương thức điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT mới cần học lực giỏi (trừ các ngành SP đặc thù). Còn ở phương thức điểm kỳ thi chung, ngưỡng đầu vào là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển được xác định căn cứ trên kết quả học tập THPT, chỉ tiêu tuyển và kết quả thi thực tế.

“Dù không quy định thí sinh phải có học lực giỏi khi xét tuyển bằng điểm kỳ thi nhưng mức điểm sàn điểm thi được công bố các năm đều tương đương với mức học lực giỏi khi xét bằng phương thức khác”, ông Quốc nói.

Cũng theo ông Quốc: “Quy định “sàn” với thí sinh xét tuyển SP như hiện nay nằm trong lộ trình tổng thể nhằm tuyển được người học giỏi từ bậc phổ thông vào các ngành này. Chất lượng đầu vào tốt, đầu ra tốt là đích hướng đến của tất cả các ngành, đặc biệt với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe”.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng cách đây 5 - 6 năm Bộ đã đặt ngưỡng điểm xét tuyển cho ngành SP và ngưỡng đó chỉ đủ để cho HS có học lực trung bình khá trở lên có thể đăng ký xét tuyển vào ngành SP. Tại thời điểm ấy, quy định đó đã làm cho việc tuyển sinh ngành SP thay đổi theo hướng tích cực nhưng cũng gây khó khăn cho những trường nhóm dưới. Ở thời điểm hiện tại, theo ông Hồng, tăng điểm tuyển sinh SP cũng là phù hợp bởi để có kết quả đầu ra tốt thì có sinh viên giỏi đóng vai trò quan trọng.

“Một thống kê ở Trường ĐH SP Hà Nội cho thấy các HS giỏi được tuyển thẳng từ nguồn thi quốc tế, quốc gia, HS giỏi của các trường chuyên uy tín được tuyển thì kết quả tốt nghiệp ĐH cũng tương đồng. Đó cũng là một trong những cơ sở để chúng ta xem xét tuyển thí sinh có học lực giỏi vào SP”, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói thêm.

“Lương 5 triệu đồng/tháng đừng hy vọng có HS giỏi”

Dù ủng hộ việc thu hút người giỏi học SP nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng cần thêm các giải pháp khác chứ không chỉ quy định tuyển sinh.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc có ý kiến, thực tế tuyển sinh 2 năm qua ở các trường SP đã có đầu vào tốt hơn. Điều này chứng tỏ các chính sách mới phần nào đã kích thích những HS khá, giỏi đăng ký vào ngành đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, theo ông Quốc: “Song song với quy định tuyển sinh cần xây dựng những chính sách đi kèm mới thực sự thu hút được HS giỏi. Ví dụ, với sự ra đời của Nghị định 116, sinh viên SP được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí giúp các em an tâm trong việc học. Bên cạnh đó, những chính sách gắn kết giữa đào tạo SP và việc làm cho sinh viên cũng góp phần thực hiện mục tiêu trên”.

Tương tự, theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, việc thu hút người giỏi vào ngành đào tạo giáo viên mới chỉ được nhìn thấy ở một số trường, ngành nhất định. Nhiều trường khác đa phần chỉ tuyển được HS có học lực khá.

Từ phân tích đó, ông Hồng cho rằng: “Tuyển người giỏi vào học SP theo tôi vẫn chỉ là mong muốn của ngành. Muốn điều này trở thành hiện thực thì phải cần thêm nhiều điều kiện ưu đãi nghề dạy học khác. Không chỉ những chính sách tác động tới sự lựa chọn của HS đăng ký thi vào ngành đào tạo giáo viên mà còn tới cả những giáo viên đang đi dạy”.

Ông Hồng đề xuất giải pháp cụ thể: “Thu nhập của giáo viên là ưu tiên cải cách đầu tiên, tiếp đến là môi trường làm việc và vị thế nhà giáo. Như bảng lương hiện nay, giáo viên mới vào nghề lương chưa tới 5 triệu đồng/tháng (không bằng thu nhập của một người làm nghề giúp việc) thì đừng hy vọng tuyển được HS giỏi vào học các trường SP”.

TS Thái Thị Diễm Thúy, giảng viên giảng dạy môn bơi lội Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, nhìn nhận: “Yếu tố đầu tiên để thu hút HS giỏi chọn ngành SP vẫn phải xuất phát từ sự yêu thích, đam mê của bản thân các em với ngành học này”. Nhưng bên cạnh đó, theo TS Diễm Thúy: Trước mắt phải giải quyết 2 vấn đề: đảm bảo có nơi công tác ổn định khi sinh viên tốt nghiệp và lương giáo viên phải được xếp cao hơn nữa trên thang bảng lương của nhà nước. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ tiền lương cho giáo viên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.