Lưu Tấn Liêm: Nỗi buồn 30 năm bị “đổi trắng thay đen“

30/05/2020 07:00 GMT+7

Lưu Tấn Liêm là mũi tên vàng của Hải Quan, TP.HCM và tuyển Việt Nam những năm 1980 và đầu năm 1990 thế kỷ trước. Cầu thủ sinh năm 1959 này luôn được nhớ đến như những cuộc săn đón vội vàng

 

Những cuộc "săn đón" vội vàng

Quá trình đá bóng của Lưu Tấn Liêm khởi đi bằng những cuộc "săn đón" rất vội vàng, có những chỉ đạo buộc anh phải thi hành ngay trong vòng vài phút. Năm 1976 ở tuổi 17, Tấn Liêm chính thức đá cho đội Nhà máy Z751 ở vị trí tiền vệ trái và đã thi đấu rất dũng mãnh làm các hàng phòng ngự đối phương phải khiếp sợ nên không lâu sau đó ông đã được chọn vào đội tuyển TP.HCM. Đến năm 1978, ông còn nhận được chỉ thị lên Sở TDTT TP.HCM để gặp Giám đốc Lê Bửu. Ông Liêm kể lại: "Tôi có mặt đúng giờ và chú Bửu chỉ thị: Xách đồ qua đội Lương thực thực phẩm ngay, cho 5 phút sửa soạn. Nếu không chấp hành, treo giò luôn". Thế là dù chưa tập với đội mới ngày nào,  tôi đã có trong đội hình chính với các cầu thủ đã có từ trước như: Đỗ Cẩu, Dư Tân, Đinh Công Hoàng… 

Ông Liêm kể tiếp: "Đến cuối năm 1979, được lệnh của ông Tư Phiên (khi đó là Cục phó cục Hải Quan TP.HCM kiêm Chỉ đạo viên của đội), các danh thủ Nguyễn Ngọc Thanh và Phạm Văn Lắm đã đích thân tìm đến nhà tôi để mời tôi về thi đấu cho đội Hải Quan ngay và chỉ nói nhanh "Có gì tính sau". Tôi thấy tương lai ở Hải Quan có vị trí chính thức tiền đạo bên trái vì lúc đó chú Sang tiều (Lê Văn Sang) nghỉ thi đấu còn Khánh Hùng xin chuyển qua Sở Công Nghiệp TP.HCM nên nhận lời ngay, đội Lương thực thực phẩm không hề biết". Chính vì chuyện này, sau đó ông Liêm bị treo giò một mùa bóng giải của TP.HCM.  

Chưa hết, còn có một chuyện cũng "vội vàng" không kém. Đó là chuyện của hơn 10 năm sau: Năm 1991, sau khi đội Hải Quan giành chức vô địch quốc gia, Lưu Tấn Liêm ở tuổi 32 xin nghỉ thi đấu và được cơ quan cho đi học nghiệp vụ 6 tháng để dự định sau đó trở về Cục Hải Quan TP.HCM tiếp tục làm việc. Tuy vậy, chỉ mới học nghiệp vụ 4 tháng thì được ông Sáu Độ (Cục trưởng Hải Quan TP.HCM) và ông Tư Phiên yêu cầu tạm ngưng học để thi đấu cho đội Hải Quan do lực lượng của đội chưa ổn định với yêu cầu "ráng đá được nhiêu, cứ đá hết mình!". Thế là ông Liêm lại phải "xỏ giày" ra sân ngay.

Lưu Tấn Liêm (trái) trong trận đấu với đội Hà Nam Ninh

tư liệu

Hóa ra, sau khi đoạt chức vô địch quốc gia, đội Hải Quan phải đại diện Việt Nam tranh cúp C1 châu Á với đội vô địch Indonesia là Arseto Solo. Ban đầu lãnh đạo đội dự định tăng cường 2 tiền đạo trẻ của Công an TP.HCM là Lê Huỳnh Đức và Trần Minh Chiến nhưng do điều lệ giải A1 châu Á không cho phép bổ sung cầu thủ từ đội khác nên đội đã "bốc tôi trở lại đá".

Ông Liêm nói: "Khi tập gấp để kịp đá với đội Arseto Solo, tôi chỉ tham gia để tìm lại cảm giác với bóng thôi, chưa thể tham gia tập chiến thuật với đồng đội. Vậy mà phải đá ngay từ đầu trận trên sân khách, đến phút 85 thì tôi mỏi quá sức. Lúc đó do có bóng sát cột đá phạt góc, tôi liền cố giữ bóng ở đó và bị 2 cầu thủ Indonesia cùng đè vào người tôi để giành bóng làm cho tôi bị sụp luôn đầu gối". 

Một tuần sau trên sân Thống Nhất đá lượt về, dù vẫn còn "băng đầu gối thành một cục bự", Lưu Tấn Liêm vẫn phải đá hết cả hiệp 2. Sau trận này, khi vết thương đầu gối đã quá nặng, ông mới thực sự nghỉ thi đấu đỉnh cao, về học tiếp nghiệp vụ 2 tháng còn lại để sau đó trở thành giám sát ở Cảng Khánh Hội đến khi nghỉ hưu vào năm ngoái 2019.     

Lưu Tấn Liêm (ngồi bìa trái) cùng Hải Quan chơi hay những năm đầu 1980

Ngón nghề từ người cha

Cố danh thủ Lưu Tấn Ngọc là một tiền đạo cánh phải xuất sắc của đội tuyển miền Nam Việt Nam trong thập niên 1950 cùng thời với "mũi tên vàng" Nguyễn Văn Tư. Sau khi loại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Campuchia ở vòng loại, ông có tên trong danh sách các tuyển thủ miền Nam dự vòng chung kết cúp bóng đá vô địch châu Á đầu tiên diễn ra tại Hồng Kông năm 1956. Ông Ngọc nổi tiếng với bước chạy nước rút rất nhanh cùng với những đường chuyền có điểm rơi vô cùng thuận lợi cho đồng đội ghi bàn. Cũng ở giải đấu trên, ông Ngọc đã được huyền thoại bóng đá châu Á là "Cầu vương" Lý Huệ Đường tặng cho ông biệt danh "Thần mã" khi chứng kiến tốc độ đi bóng quá tốt của ông.

Ông Lưu Tấn Ngọc (ngồi bìa trái) cạnh "mũi tên vàng" Nguyễn Văn Tư trong đội tuyển miền Nam Việt Nam

tư liệu

 

Ông Lưu Tấn Ngọc chính là thân sinh của danh thủ Lưu Tấn Liêm sau này – người được cố nhà báo  Chánh Trinh từng có nhận định: "Sau khi Nguyễn Cao Cường rút khỏi sân cỏ, Lưu Tấn Liêm là cầu thủ duy nhất có khả năng vừa tổ chức vừa đột phá cá nhân ghi bàn. Một mình Liêm có thể làm đảo lộn kết quả một trận đấu, anh từng phô diễn những đường bóng có kỹ thuật cao làm nổi lên sự thích thú và ngưỡng mộ nồng nhiệt trong lòng người xem" .

Ông Lưu Tấn Ngọc có 4 người con thì cả 4 đều đá bóng tại TP.HCM. Con trưởng Lưu Tấn Phát, con thứ Lưu Tấn Liêm và con út Lưu Tấn Phước đều có thi đấu cho đội Hải Quan, con thứ ba là Lưu Tấn Hiệp thi đấu cho đội Citroen. Tuy rất muốn các con mình theo nghiệp cha nhưng ông Ngọc chỉ muốn ngấm ngầm tạo điều kiện, đứng sau giúp sức và để các con chủ động quyết định công việc tương lai.

Lưu Tấn Liêm tranh bóng với Quản Trọng Bắc trong trận Hải Quan gặp Phòng Không giải A 1 năm 1983

Ông Lưu Tấn Liêm cho biết ông có 2 thế mạnh là kỹ thuật qua người và tốc độ xuất phát khá tốt, 2 thế mạnh của ông cũng chính là hai điều mà Cầu vương Lý Huệ Đường đánh giá rất cao với cha ông. Liệu đó có phải bí quyết cha anh đã truyền nghề? Ông Liêm khẳng định: "Thật ra kỹ thuật qua người khi 1 chọi 1 là do cha tôi dạy cho một người anh cô cậu của tôi vào năm 1971, không phải dạy trực tiếp cho tôi hoặc anh Phát như một số thông tin đã đưa.

Lúc đó tôi 12 tuổi, phải "học lén" khi thấy cha tôi thị phạm từng chút, chỉ nghe ông nói "dzậy nè, dzậy nè" mà ông anh đó làm không được. Còn tôi thì cứ "ngấm" dần, và sau đó tự tập cũng nhanh, chỉ tập một thời gian ngắn là "qua" được mấy đứa bạn đá bóng cùng trang lứa". Ông Liêm cho rằng, chơi cái "món" này phải rất cần năng khiếu và khổ luyện, 1 chọi 1 qua được rồi thì phải xuất phát tốc độ tiếp, sau đó đi vào sâu phải chuyền cho chính xác, không được "chuyền đại". Ông cũng cho biết, đã nhiều lần truyền đạt cho mấy em trẻ của Hải Quan nhưng nhiều đứa nhỏ không kiên trì nên không làm được.

Lưu Tấn Liêm (đứng, bìa trái) trong dội hình đội Quấn đội Việt Nam 1 tại SKDA

Tư liệu

 Một trong những kỷ niệm đẹp của ông chính là được tham dự đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 16 ở Philippines “Lúc đó, TP.HCM và Quảng Nam Đà Nẵng có rất nhiều cầu thủ hay nhưng do sự cố Nhổn năm 1991 nên lực lượng bị giảm thiểu đáng kể. Chính vì vậy khi lên đường sang Philippines, đội hình không phải là mạnh nhất, nhưng chúng tôi vẫn chơi rất nỗ lực. Cái thiếu khi ấy là kinh nghiệm và tâm lý thi đấu quốc tế vì mới hội nhập lại, chứ nếu có điều kiện như các em trẻ bây giờ thời ấy mình không hề kém cạnh bất cứ đối thủ nào trong khu vực..”, Lưu Tấn Liêm giải thích.

Tuyển Việt Nam tại SEA Games năm 1991, Lưu Tấn Liêm ngồi bìa phải

tư liệu

Lưu Tấn Liêm (đứng bìa phải) và các đồng đội một thời

Ngỡ ngàng bị tước cơ hội vào chung kết

Nhưng chuyện buồn thì cũng rất nhiều. Đơn cử như giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc (hạng cao nhất lúc đó) lần 1 năm 1990 có 18 đội bóng dự tranh được chia làm 3 bảng thi đấu vòng tròn 2 lượt, đội Hải Quan được vào bán kết gặp đội Quảng Nam – Đà Nẵng trên sân Đà Nẵng. Ông Liêm nhớ lại: "Ở trận bán kết này, đội Hải Quan đã có bàn thắng do tiền đạo Nguyễn Trung Hải ghi, giúp Hải Quan dẫn trước 1-0. Trọng tài đã thổi còi công nhận bàn thắng và bóng đã được đưa lên đặt chính giữa vòng tròn trung tâm sân chuẩn bị thi đấu tiếp, cầu thủ đội Quảng Nam – Đà Nẵng cũng không phản ứng gì và chuẩn bị giao bóng để đá tiếp.

Đột nhiên, trên khán đài khán giả bắt đầu náo loạn, chạy lung tung đòi khiếu nại cho rằng chân sút của Hải Quan vào sân mà chưa có sự đồng ý của trọng tài Phạm Minh nên ghi bàn. Bị áp lực, trọng tài liền "bẻ còi", hủy bàn thắng của đội Hải Quan. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về quyết định kỳ quặc này. Cả đội Hải Quan khi đó phản đối dữ dội vì bàn thắng đã được cả trọng tài chính Phạm Minh và giám biên (trợ lý trọng tài) Bùi Đình Đắc công nhận là hợp lệ trước đó. Trận đấu phải tạm dừng để Ban tổ chức họp xử lý hôm sau buộc chúng tôi đá lại. Toàn đội dứt khoát không chịu, thế là họ ra quyết định “đổi trắng thay đen” cho rằng Hải Quan vi phạm điều lệ giải và xử chúng tôi thua luôn trận này. Bất bình vì sự thiếu minh bạch này, đội Hải Quan bỏ luôn trận tranh hạng ba và đội An Giang được nhận huy chương đồng”.

Lưu Tấn Liêm ra sân giải lão tướng

Giờ đây khi nghĩ về trận đấu này, ông Liêm vẫn cảm thấy thất vọng về cách xử lý không thuyết phục của ban tổ chức giải. Những nỗi buồn kiểu như vậy còn khá nhiều nữa nhưng sau cùng ông vẫn thấy bóng đá đem lại niềm vui cho ông rất nhiều khi được người hâm mộ yêu thích, gọi tên. Ông nói: " Nhiều khi đi đường, tạt vào quán ăn hay ghé một nơi công cộng nào đó, bất chợt vẫn có nhiều người nhận ra và chào mình. Cái đó là hạnh phúc vô cùng của những cầu thủ biết thi đấu hết mình để cống hiến những trận cầu hay đẹp cho người xem".

Hồi tưởng lại quá khứ, ông Liêm nói " Đến giờ tôi vẫn ít thấy những cầu thủ trong nước nào có khả năng xử lý qua người hay và khôn khéo. Với tôi,  Messi luôn được đánh giá cao hơn Ronaldo vì ở anh có những phẩm chất kỹ thuật bậc thầy qua người trong đoạn ngắn vô cùng tinh ranh, sắc sảo mà tôi rất yêu thích. Hồi trước tôi cũng rất mê Cao Cường vì anh cũng đi bóng dũng mãnh và qua người khôn khéo. Có lúc Trần Minh Chiến cũng là cầu thủ được kỳ vọng, tiếc là Chiến có sự nghiệp không dài".

Lưu Tấn Liêm và gia đình

NVCC

 

Hiện tại nhờ được tiếp tục làm việc với vai trò mới ổn định sau khi giã từ sân bóng và có lương hưu gần 7 triệu đồng mỗi tháng, cộng với con trai của ông là Lưu Tấn Đức có thành lập Công ty điện ảnh Ngôi sao Việt nên cả nhà cùng chung sức làm việc rất vui vẻ và có thêm thu nhập nên cuộc sống cũng tương đối ổn định, không phải lo lắng gì nhiều về kinh tế.

Mỗi cuối tuần ông vẫn xỏ giày ra sân để chơi bóng cùng các lão tướng và thường xuyên tham gia hội cựu cầu thủ thi đấu giao hữu khắp nơi. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại cùng với các đồng đội một thời tề tựu hàn huyên với nhau nhắc lại thời huy hoàng của Hải Quan, về những trận bóng làm dậy sóng khán đài cả nước mỗi khi đội của ông đặt chân đến, đặc biệt là sự yêu thích nồng nhiệt của người hâm mộ dành cho mũi đinh ba Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí)- Nguyễn Văn Thành (Thành gù) và Lưu Tấn Liêm (Liêm heo) làm chao đảo biết bao cầu môn và tạo nên những trận cuồng phong bão táp.

Lưu Tấn Liêm cùng với Minh nhí, Thành gù và Hồ Thanh Dũng, những chân sút xuất sắc của Hải Quan

NVCC

Lưu Tấn Liêm và PV báo Thanh Niên

Châu Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.