Tuy nhiên, cũng có người tìm bà hàng xóm trong hẻm để giữ hay ẵm trẻ hoặc tới những cá nhân trông trẻ trái phép gửi vì giá rẻ hơn. Đâu là lời khuyên an toàn nhất cho trẻ?
LÝ DO PHỤ HUYNH CHƯA CHO TRẺ NHỎ ĐI NHÀ TRẺ
Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TP.HCM cho biết không phải trẻ nào từ 6 tháng tuổi, khi mẹ hết thời gian nghỉ thai sản và phải đi làm, cũng được gửi tới các cơ sở giáo dục mầm non. Vị này cho biết có các lý do mà phụ huynh của trẻ chọn các giải pháp như nhờ ông bà, người thân tới ở cùng nhà để giúp, vừa chăm trẻ, vừa giúp ba mẹ trẻ nấu cơm, để tới khi trẻ "cứng cáp" hơn mới cho đi nhà trẻ. Bởi các trường, lớp mầm non thường hoạt động trong khung giờ nhất định, có thể khi đó trẻ phải dậy sớm hơn để đến trường, gặp trời mưa gió đi lại cũng vất vả. Nhất là trong độ tuổi 6 - 18 tháng, trẻ phải thức dậy sớm để ngồi cùng mẹ trên xe máy tới trường, lớp cũng bất tiện cho trẻ, gặp nhiều khó khăn. Hoặc công việc của cha mẹ là công nhân có thể về trễ hơn, làm cả thứ bảy, nhưng nếu trẻ đi học thì 16 - 17 giờ đã đến giờ trả trẻ, nhiều trường, lớp không làm việc ngày thứ bảy.
Cô Lê Cẩm Linh, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 14, Q.Phú Nhuận, cho biết trường có nhóm lớp 6 - 18 tháng tuổi (được ghép từ nhóm 6 - 12 tháng và nhóm trẻ 13 - 18 tháng tuổi), tuy nhiên các trẻ đi học từ lúc 6 tháng là rất ít và hầu như không phải là con em người dân địa phương. "Nếu những gia đình nào có ông bà, người thân cận có thể tới nhà chăm em bé giúp thì phụ huynh thường để con ở nhà, tới khi bé 18 - 24 tháng mới gửi tới nhà trẻ, vì lúc đó bé cứng cáp hơn, ẵm bé di chuyển trên đường thuận tiện hơn. Có thể số tiền chi phí hằng tháng sẽ cao hơn là gửi trẻ đi học nhà trẻ, nhưng nếu điều kiện kinh tế cho phép, họ cũng ráng cố gắng. Trường hợp gửi con từ khi 6 tháng tuổi thường là viên chức, người lao động, phải đi làm khi đã nghỉ đủ 6 tháng thai sản, và ông bà ở xa không thể hỗ trợ chăm con", cô Linh chia sẻ.
TÌM NƠI GỬI TRẺ ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP
Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận của TP.HCM, phụ trách lĩnh vực mầm non, thẳng thắn nói: "Khi tính đến phương án nào gửi con thì người lớn, phụ huynh của trẻ cũng cần đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Từ đó, sẽ biết đâu là nơi gửi con em mình đúng đắn, an toàn nhất. Bởi nếu vẫn còn những tư duy bài xích trường học, bài xích các lớp học được cấp phép mà tin tưởng nơi gửi trẻ tự phát trong ngõ hẻm, thôn xóm hơn, tin bà hàng xóm hơn trường học và nghĩ rằng nơi đó mới chăm trẻ tốt hơn thì khó có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em".
Cô Lê Cẩm Linh cho rằng nếu những gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn thì khi trẻ nhỏ đủ 6 tháng phụ huynh nên đưa con tới các trường mầm non, các nhóm lớp độc lập được cấp phép đúng theo Thông tư 49 của Bộ GD-ĐT để con có người chăm sóc, nuôi dưỡng an toàn. "Như vậy trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng rất an toàn, lợi ích cho con rất nhiều. Vì các trường, lớp mầm non đã được cấp phép, các giáo viên được đào tạo bài bản, có đội ngũ ban giám hiệu, chủ trường theo sát, nhắc nhở kịp thời. Trẻ được chăm sóc, nuôi dạy bài bản, giờ nào việc đó, giờ nào con ăn, con chơi, được ăn uống thực phẩm an toàn, lành mạnh", cô Linh nói.
Chuyên viên phòng GD-ĐT ở một quận đồng quan điểm rằng phụ huynh cũng cần kiến thức, hiểu biết khi tìm hiểu về địa điểm sẽ gửi con. Hãy tìm hiểu xem nơi gửi con có giấy phép, giấy phép cấp có đúng độ tuổi được nhận trẻ hay không.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã công khai thông tin giấy phép hoạt động của tất cả cơ sở giáo dục mầm non (công lập, ngoài công lập, nhóm lớp độc lập) ở tất cả quận, huyện, TP.Thủ Đức trên website của ngành tại địa chỉ https://pgdmamnon.hcm.edu.vn/congkhaicosogiaoduc, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ trước khi gửi con.
ĐƯỢC ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT LỚN
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các trường, lớp giữ trẻ độ tuổi 6 - 12 tháng và 13 - 18 tháng đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất lớn, kinh phí đầu tư mở lớp cao hơn, như phải lót sàn bằng chất liệu mềm, đồ chơi phải bọc mút xốp, đồ chơi cũng phải có chuẩn riêng, đảm bảo an toàn cho trẻ… Với độ tuổi này, thì mỗi cô giáo phụ trách ít trẻ hơn, như một cô phụ trách 3 - 4 trẻ hoặc một cô giáo chăm sóc 5 - 6 trẻ.
Đề án chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từ 6 - 18 tháng của TP.HCM tới nay được triển khai khắp 21 phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Các văn bản, hướng dẫn việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong độ tuổi này rất rõ ràng, các giáo viên chăm sóc trẻ bài bản, khoa học.
"Hiện nay ngoài các trường mầm non còn có các nhóm lớp độc lập, tư thục được mở theo Thông tư 49 của Bộ GD-ĐT. Các nhóm lớp này nếu tuân thủ hết các quy định của việc giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi thì cũng là lựa chọn yên tâm của phụ huynh, nhất là phụ huynh là người lao động, công nhân phải làm việc vào thứ bảy, có thể gửi con sớm, rước trễ hơn một chút", bà Điệp khuyên.
Đặc biệt, một cán bộ quản lý cấp phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM cho biết chương trình Giáo dục mầm non, hiệu lực từ 15.2.2017, có quy định chương trình giáo dục nhà trẻ. Khi trẻ từ 6 tháng tuổi được gửi tới các cơ sở giáo dục mầm non đầy đủ pháp lý, các bé sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo đúng chương trình. Trẻ được phát triển vận động, giáo dục dinh dưỡng - sức khỏe, giáo dục phát triển nhận thức, ngôn ngữ, giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ… thông qua các hoạt động giáo dục. Đồng thời, còn có bảng kết quả mong đợi của trẻ từ 6 - 12 tháng; từ 12 - 24 tháng…
Thi thoảng có một vụ việc trẻ nhỏ bị bạo hành ở một tỉnh, thành bị phát giác, tìm hiểu ra thì bé đó được gửi ở một điểm giữ trẻ tự phát, hoàn toàn không có giấy phép, không tuân thủ Thông tư 49 của Bộ GD-ĐT về tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập và tư thục.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết khi phát hiện ra bất cứ địa điểm, cơ sở nào giữ trẻ trái phép thì địa phương, phường, xã đó phải chịu trách nhiệm.
TP.HCM hỗ trợ giáo dục mầm non
Lộ trình phát triển giáo dục mầm non của TP.HCM đã được thống nhất tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về hỗ trợ giáo dục mầm non TP.HCM. Theo đó, TP.HCM thống nhất tăng tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn TP; tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi, ưu tiên cho con công nhân lao động, hộ nghèo. Tới nay, 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đều có triển khai mô hình này đại trà.
Cũng theo Nghị quyết nói trên: "Đối với cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 - 18 tháng tuổi được hỗ trợ thêm 35% tiền lương/tháng do tính chất công việc".
Cụ thể, công thức tính lương của cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 - 18 tháng tuổi = {Hệ số lương + (Hệ số lương + Phụ cấp chức vụ nếu có + Phụ cấp vượt khung nếu có)*35%}*2.340.000 đồng.
Ví dụ, một giáo viên mầm non lương bậc 1, hạng III chưa có phụ cấp thâm niên thì tổng hệ số lương = 2,1 + 35% phụ cấp ưu đãi vì chăm trẻ 6 - 18 tháng (gồm hệ số lương x 35% = 0,735) = 2,835. Tiền lương sẽ là 2,835 x 2.340.000 đồng (lương cơ sở) = 6.633.900 đồng.
Bình luận (0)