Lũy thép biên phòng: Trên đỉnh trời Y Tý

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
26/03/2020 09:00 GMT+7

'Gió Ngải Thầu, vầu Sim San', đồng bào Hà Nhì ở Y Tý thường ví von về 2 thứ 'đặc sản' là mưa gió - măng vầu ở 2 khu vực khắc nghiệt trên vùng đỉnh trời Y Tý. Nhưng với các chiến sĩ biên phòng, thì đó là chuyện rất bình thường...

Gần 4 tiếng đồng hồ từ TP.Lào Cai theo đường 158 lổn nhổn đá, tôi mới lên đến Đồn biên phòng Y Tý. Tiếp 10 km đường đất đến trạm kiểm soát canh mốc 87 (2) đầu cầu đá Thiên Sinh, trung úy Lã Thành Trung cười: “Đi dọc sườn núi Ngải Thầu 4 km nữa mới đến chốt. Gió to, nhà bạt nay đổ mai dựng là chuyện thường”...

Gió Ngải Thầu

Xã Y Tý (H.Bát Xát, Lào Cai) nằm ở độ cao 2.000 m lưng chừng dãy Nhù Cồ San vốn được coi là đỉnh trời, quanh năm mù mịt sương mây, lạnh giá. Chốt chặn mốc 87 (2) nằm ngay điểm giao giữa vùng khe suối Lũng Pô với núi đá Ngải Thầu, nên hứng cả gió từ suối thốc lên, mây trên núi đè xuống và làm căn nhà bạt dã chiến bung biêng chấp chới suốt ngày đêm.
Trung tá Trần Mạnh Hà, Đồn trưởng Đồn biên phòng Y Tý, cho biết: Từ cuối tháng 1.2020, ngay sau khi phía Trung Quốc có dịch Covid-19, thực hiện lệnh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, Đồn biên phòng Y Tý đã triển khai ngay lập tức chốt chặn khu vực mốc 87 (2) để kiểm soát, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, hạn chế nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Đông là người có mặt ở chốt 87 (2) từ ngày đầu tiên. Vợ con anh ở ngay TT.Bát Xát, nhưng gần 3 tháng nay, anh chỉ tranh thủ ghé qua nhà nhìn mặt người thân được 3 tiếng đồng hồ, nhân chuyến công tác về Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai nhận thiết bị phòng chống dịch. “Tìm lý do ở lại thêm nửa ngày thì cũng được, nhưng mình lên muộn, anh em nó mong lắm”, thiếu tá Đông thật thà nói vậy và cười: “Chốt chỉ có 3 người, mình đi thì 2 đứa ở lại vất vả với mưa gió”.
“Gió Ngải Thầu, vầu Sim San”, đồng bào Hà Nhì ở Y Tý thường ví von về 2 thứ “đặc sản” là mưa gió - măng vầu ở 2 khu vực khắc nghiệt trên vùng đỉnh trời, nên những ngày đầu khi nhà bạt của chốt 87 (2) được cắm xuống, dân bản Ngải Thầu cứ lắc đầu: “Gió như đàn ngựa hoang, đêm bộ đội không ngủ được đâu”.
Biết là vậy, nhưng vẫn cứ phải đóng chốt đầu đường mòn độc đạo, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép sang Ma Ngán Tý (Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc). Ban ngày, sương mây mù mịt khiến mái nhà bạt trũng xuống toàn nước là nước, quần áo chăn màn trong nhà ẩm mốc, dính bết vào nhau. Ban đêm, gió dưới khe suối thổi lên ù ù, cả nhà bạt nghiêng ngả khiến cả tổ phải cắt phiên nhau canh gác, sợ đổ sập.

Bộ đội biên phòng Y Tý ăn cơm tối trên chốt 87 (2)

Ảnh: M.T.H

“Hôm đầu tháng 3 cả Y Tý hứng chịu mưa đá, em phải gọi cả tổ dậy, chui xuống tấm phản kê làm giường”, trung úy Lã Thành Trung kể và nói: “Người ít, việc nhiều nên việc ăn uống cũng đơn giản. Thức ăn thường là cá khô, lạc rang, thịt hộp. Những ngày mưa gió, sương mù liên tục, củi ướt nên đành úp tạm mì tôm cho gọn”.
Kể chuyện liên tục ăn mì tôm, nhiều người không tin. Nhưng với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 ở 31 tổ chốt dọc tuyến biên giới Lào Cai dài hơn 182 km, thì là chuyện rất bình thường. “Các tổ chốt đều đóng ở địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn và cách xa chợ vài chục ki lô mét nên mì tôm, cá khô là thực phẩm dự trữ hữu hiệu nhất”, đại úy Đỗ Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Đồn biên phòng Y Tý cho biết và kể: Khó khăn nhất vẫn là nước sinh hoạt. Ngay ở chốt 87 (2), tiếng là nằm cạnh suối Lũng Pô phân chia biên giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc, nhưng từ nơi dựng nhà bạt xuống suối cũng hơn 1 km đường ngoằn ngoèo dốc ngược, mỗi chặng xuống lên cả tiếng đồng hồ, chỉ xách được can 20 lít nước.

Vầu Sim San

Chốt Sim San nằm ven con đường đất nối trung tâm xã Y Tý với bản Phìn Hồ nằm tít trên đỉnh Lảo Thẩn giáp giới tỉnh Lai Châu. Gọi là chốt, nhưng đó chỉ là mấy tấm bạt ni lông màu xanh phủ lên khung tre tạm bợ.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Giáp giải thích: “Chỗ này ăn ở vất vả nhưng vừa kiểm soát đường giao thông, lối lên từ mốc 85 lại vừa có nguồn nước”. Trong diện tích chật hẹp gần 10 m2, anh em biên phòng chia gọn gàng phần bếp nấu ăn và chỗ kê tấm phản trên 4 hòn đá to để ngủ. Thứ thức ăn nhiều nhất ở đây, là trứng gà. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Thiệu cho biết: Chốt có 3 bộ đội biên phòng và 2 dân quân, công an viên. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ chốt chặn, kiểm tra kiểm soát, anh em còn thay nhau đi tuần tra dọc đường biên và vào bản vận động bà con không xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch Covid-19.
Xa trung tâm xã Y Tý gần 20 km, những ngày nắng còn có thể đi xe máy, ngày mây mù mưa gió chỉ cuốc bộ nên cả tổ chốt bám trụ 24/24, quần áo thay ra để dồn vào cuối tuần có phiên chợ, vừa ra mua thức ăn vừa về đồn giặt giũ.
Sim San có nhiều rừng tre giao khoán, người dân ở đây thường xuyên đào măng của mình ăn thay rau. Thấy bộ đội suốt ngày chỉ ăn cơm với trứng rán, lạc rang, cá khô, bà con cứ kéo tay: “Lên rừng nhà mình mà đào măng về luộc”. Dân quý vậy, nhưng công việc nhiều và cũng ngại làm phiền nên mỗi tuần, anh em mới xin 1 - 2 cây măng về cải thiện bữa ăn khiến dân bản tròn mắt: “Thế mới là bộ đội”.

Trong trẻo tuổi đôi mươi

Thượng sĩ Trương Văn Quý, quê ở Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), là học viên năm thứ 4 Học viện Biên phòng, đã qua 2 năm nghĩa vụ quân sự, thêm 4 năm học viện nên khi biết Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có chủ trương đưa học viên lên các tỉnh biên giới phía bắc tăng cường chống dịch, cậu xung phong ngay.
Ngày 6.3, Quý trong đoàn 280 cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Biên phòng lên xe đi tăng cường cho Bộ đội biên phòng 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Lên Lào Cai, Quý được điều lên Đồn biên phòng Y Tý và xuống chốt Khu Chu Phìn thuộc xã A Lù (H.Bát Xát). Quý kể: Ngày đầu trên chốt, cũng bất ngờ khi thấy giường ngủ là tấm phản kê trên chuồng trâu, ngày sương mây phủ trắng từ sáng đến tối, đêm gió rít ù ù..., nhưng sang ngày sau là Quý quen ngay và lăn vào công việc. Hỏi vì sao, Quý cười: “Các anh các chú bằng tuổi bố em mà còn không ngại khó ngại khổ, cớ gì mình còn trẻ tuổi đời tuổi quân lại phải ngại?”.
Cũng ở Đồn biên phòng A Mú Sung, xã A Mú Sung (H.Bát Xát), tôi đã gặp 2 thượng sĩ người Quảng Trị cùng học viên năm 4 của Học viện Biên phòng, là Bùi Xuân Tửu và Hồ Văn Công đang trực trên các chốt phòng chống dịch Covid-19. Bùi Xuân Tửu (22 tuổi) kể: Chốt Phù Lao Chải có 6 người thường trực 3 điểm, mỗi đêm thay nhau trực 2 tiếng đồng hồ. Nhiệm vụ nặng nề, ăn ở sinh hoạt vất vả, nhưng đó mới thực sự là công việc bảo vệ biên giới. “Những bài học thực tế chỉ nghe trong sách vở nhà trường, nay mới được thực hiện trên biên giới phía bắc”, Tửu nói vậy, ánh mắt sáng ngời...
(còn tiếp)
“Trong tháng 2.2020, khi tình hình dịch Covid-19 trên biên giới phía bắc diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc điều động 315 cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị phía trước, tổ chức 535 tổ, chốt/2.815 người phối hợp với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch, thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch tại 4 tỉnh trọng điểm (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai); điều chỉnh dây chuyền kiểm soát xuất nhập cảnh; kịp thời phát hiện, phối hợp với các lực lượng cách ly trường hợp nghi nhiễm bệnh. Chỉ đạo các đơn vị mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch trị giá gần 2 tỉ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị giúp đỡ các cơ quan chức năng Trung Quốc và nhân dân khu vực biên giới phòng, chống dịch bệnh. Đến ngày 27.2, các đơn vị bộ đội biên phòng đã bàn giao cho địa phương tổ chức cách ly, theo dõi 4.631 công dân VN nhập cảnh trái phép.
Đầu tháng 3.2020, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cũng đã điều động 325 cán bộ, giảng viên, học viên… tăng cường cho 4 tỉnh biên giới phía bắc làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và thực tập cuối khóa”.
(Nguồn: Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.