Tác giả Quách Tấn tiết lộ trong sách Xứ trầm hương: “Khánh Hòa ngày nay là phần đất của nước Tây Đồ Di thuở trước, sau khi bị nước Chiêm Thành thôn tính và đổi ra châu Kaut Hara (chạy từ núi Thạch Bi đến cuối Bình Thuận). Tên Cù Huân cổ nhân dùng để gọi Khánh Hòa có lẽ do tiếng Kaut Hara đọc trại. Hiện Nha Trang còn một vùng đất gọi là Hara. Như vậy, tiếng Kaut người Chăm ngày xưa chắc đọc na ná như tiếng Cù Huân, hoặc Kaut đọc là Cù, còn Huân là tiếng Việt thêm sau cho đẹp lời. Tây Đồ Di bị Chiêm Thành đánh lấy lúc nào không rõ, vì sách không thấy chép, còn Kaut Hara trở thành đất nước ta thì giữa thế kỷ 17, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh”.
Về tên gọi của Nha Trang, theo nhà văn “bật mí”: “Cuối thế kỷ 18, chúa Nguyễn Phúc Ánh lấy được thành Diên Khánh và cử tướng Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bình Hòa. Ông này cho xây đắp lại thành và lấy tên Nha Trang của con sông Cái để đặt tên. Đến triều Minh Mạng (1820 - 1840), dinh Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa, thành Nha Trang xây lại theo kiểu Vauban lấy lại tên Diên Khánh thành. Sau này, khi thực dân Pháp xâm chiếm đặt cơ quan cai trị ở miền duyên hải thì lấy lại hai chữ Nha Trang làm tên cho địa phận cai trị. Như vậy, tên gọi của TP.Nha Trang hiện nay có nguồn gốc từ tên của dòng sông chảy qua đây, chứ không phải con sông mang tên của thành phố như nhiều người lâu nay vẫn lầm tưởng”.
Được biết, cuốn sách Xứ trầm hương được Quách Tấn thai nghén từ thời Pháp thuộc trong thời gian làm việc tại Tòa sứ Nha Trang (1935 - 1945). Ông là thông ngôn cho các nhà du lịch và nhà khảo cổ ngoại quốc nên có điều kiện khám phá các thắng cảnh, thu nhận nhiều câu chuyện kể độc đáo. Đặc biệt nhà văn - một trong “Bàn thành tứ hữu” gồm: Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, còn được may mắn thọ giáo các vị tiền bối như cụ Cử Phan Bá Vỹ, cụ Đề Ngô Văn Nhượng, nhà nho Trần Khắc Thành... nghe nhiều sự tích ly kỳ, ít người biết để viết sách. Xứ trầm hương hoàn thành vào năm 1968, với năm phần chính: lịch sử, địa lý, thắng cảnh cổ tích, dân sinh và nhân vật. Vì nhiều địa điểm di tích, tên gọi cũng như câu chuyện phản ánh trong sách bây giờ đã không còn, nên tác phẩm này là nguồn tư liệu quý giá khi muốn tìm hiểu, khám phá về vùng đất Khánh Hòa.
Chính vì sức hấp dẫn, giải tỏa nhiều sự tò mò của độc giả mà tác phẩm Xứ trầm hương khi được NXB Lá Bối (Sài Gòn) ra mắt đầu tiên năm 1969 đã tạo được tiếng vang lớn. Ấn bản Xứ trầm hương do Omega+ và NXB Thế giới tái bản lần này dày gần 600 trang, có cập nhật nhiều tư liệu, một bản in mà gia đình nhà văn cho là khả tín nhất về vấn đề văn bản học.
Bình luận (0)