Mang 'ánh trăng' lên biên giới

21/08/2022 06:09 GMT+7

Hàng trăm tình nguyện viên chạy đua với thời gian để kịp một chương trình trung thu quy mô cả huyện vùng cao, quyết mang 'ánh trăng' từ miền xuôi lên biên giới bằng sự nhiệt thành của người trẻ.

21.000 phần quà gồm bánh trung thu, sáp màu, tập tô, vở ô li, thư tay… sẽ gửi tặng 176 điểm trường trên toàn huyện Bát Xát (Lào Cai) vào ngày 9 - 10.9. Những người trẻ miền xuôi quyết tạo nên một đêm trung thu đáng nhớ, kết nối ánh trăng từ miền xuôi lên biên giới xa xôi.

Học sinh tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sàng Ma Sáo (Lào Cai)

NVCC

Làm trung thu cho cả huyện vùng cao

Những ngày tháng 8, cộng đồng và các tổ chức thiện nguyện cùng phối hợp với Phòng GD-ĐT H.Bát Xát tất bật ngược xuôi triển khai Chương trình “Mang trung thu lên vùng biên giới” cho trẻ em H.Bát Xát. Đều đặn mỗi tối, những cuộc họp diễn ra trực tuyến 3 miền đất nước để cập nhật tình hình, hỗ trợ sự cố phát sinh, đảm bảo đến ngày 9 - 10.9, chương trình phải tổ chức thành công ở toàn huyện Bát Xát.

Đây được xem là một sự kiện thiện nguyện với quy mô lớn chưa từng có, mục tiêu mang 21.000 phần quà lên vùng biên giới, cùng 21.000 lá thư tay để trao tặng đến 176 điểm trường trên toàn địa bàn H.Bát Xát. Hiện tại, có 11 điểm tập kết quà trải dài từ Nam ra Bắc.

Theo anh Cao Tuấn Ninh (đại diện ban tổ chức), hiện tại chương trình đã chuẩn bị xong một số mục tiêu như 200 phần cơm chay và 18 tấn gạo cho 2 điểm trường, 5.000 phần quà đầu năm học, tổ chức lớp học tập huấn chống xâm hại tình dục trẻ em tại một điểm trường. Ngoài ra, 5.000/21.000 phần quà trung thu đã tập kết ở các kho.

Phụ huynh đưa con đến tham gia hoạt động viết thư tay trong chuỗi chương trình

“Trước khi triển khai, chúng tôi chỉ có 3 người cùng bàn thảo, muốn tổ chức một chương trình thật lớn cho các em. Mục tiêu 21.000 phần quà là quá khó nhưng anh em liều mình phát động. Hiện tại có hơn 100 tình nguyện viên khắp các tỉnh thành, chưa tính thành viên ban tổ chức”, anh Tuấn Ninh chia sẻ.

Một tổ chức không thể quán xuyến hết chương trình lần này, anh Tuấn Ninh cùng mọi người kết nối với nhiều tổ chức khác như Thiện nguyện Nhất Tâm được biết đến với chuỗi nhà ăn 0 đồng hay những người trẻ có ảnh hưởng như các travel blogger, KOL… để tăng sức lan tỏa.

“Mỗi người cùng lan tỏa, từ tâm hành động để nhân rộng khắp cộng đồng. Điều này tốn nhiều thời gian, công sức nhưng tôi tin chính sự nhiệt huyết, tình yêu dành cho trẻ vùng cao sẽ giúp chương trình thành công”, anh Ninh nói thêm.

Những phần quà được gói cẩn thận tại một điểm tập kết

Chạy ngày đêm để đủ quà cho trẻ

Anh Nguyễn Xuân Thăng, đại diện nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm ở miền Bắc, cũng là thành viên chủ chốt của chương trình, nhận định do thời gian triển khai gấp rút, số lượng vật phẩm kêu gọi lớn nên đồng đội “chạy đua ngày đêm”, cố gắng mọi cách để đảm bảo đủ lượng quà cho các em.

“An toàn vệ sinh thực phẩm là lưu tâm hàng đầu khi chúng tôi mua bánh trung thu cho các em. Do đó, ban tổ chức đã gửi thư ngỏ cho một đơn vị kinh doanh bánh trung thu nổi tiếng để kêu gọi sự đồng hành, đàm phán để mua được giá tốt nhất”, anh Thăng chia sẻ.

Mỗi người cùng lan tỏa, từ tâm hành động để nhân rộng khắp cộng đồng. Điều này tốn nhiều thời gian, công sức nhưng tôi tin chính sự nhiệt huyết, tình yêu dành cho trẻ vùng cao sẽ giúp chương trình thành công.

Anh CAO TUẤN NINH, đại diện ban tổ chức

Trước đó, ban tổ chức dự định sẽ tặng mỗi em 2 bánh trung thu; nhưng hiện tại mỗi em sẽ nhận một bánh, số tiền mua bánh còn lại sẽ chuyển thành mua áo cờ đỏ sao vàng. “Hình ảnh các em mặc áo cờ đỏ sao vàng cùng tập thể dục, sinh hoạt trong giờ ra chơi, chào cờ… ở đỉnh đồi, giữa núi rừng sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn và áo cũng sử dụng lâu dài được”, anh Thăng bày tỏ.

Quy mô rộng lớn, thành viên ban tổ chức phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ từ pháp lý, công văn, giấy tờ gửi đến ban ngành, in, chuyển và nhận thiệp, quà… Do đó, theo anh Ninh, bạn trẻ khi tham gia chương trình ngoài việc góp sức cho cộng đồng thì còn học hỏi được kỹ năng, kiến thức khác từ lên kế hoạch, truyền thông đến quản trị cảm xúc.

Lỗ Hữu Đức Anh, nhóm trưởng Ban truyền thông của chương trình, chia sẻ: “Làm việc tập thể đồng nghĩa với những ý kiến trái chiều, xung đột thường diễn ra. Do đó, mỗi người sẽ tự điều chỉnh cái tôi của mình vì mục đích chung của tập thể. Chúng tôi học được nhiều thứ từ nhẫn nhịn và lắng nghe ý kiến của bên kia, sắp xếp thời gian để làm công việc chính và họp với ban tổ chức...”.

Vào ngày 9 - 10.9, chương trình sẽ diễn ra đồng loạt trên khắp các điểm trường của huyện với sự phối hợp của ban ngành và nhà trường. Mong muốn phải thành công “mang ánh trăng” từ miền xuôi lên biên giới xa xôi, 20 ngày cuối cùng, ban tổ chức và tình nguyện viên chạy nước rút để mong mỏi, mang đủ 21.000 phần quà trung thu cho trẻ nghèo vùng cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.