Mang 'hồn cốt' ẩm thực Việt ra thế giới

13/10/2023 06:35 GMT+7

"VN nên trở thành bếp ăn của thế giới" là khuyến nghị hơn 10 năm trước của chuyên gia kinh tế thế giới. Ngày nay, nhiều sản phẩm mang tính "hồn cốt" của người Việt như mắm tôm, cà pháo, cá kho đã hiện diện khắp 5 châu và ngày càng chiếm được tình yêu của thực khách quốc tế.

Mắm tôm đi khắp 5 châu

Rất nhiều khách nước ngoài đến VN đều thích thú thưởng thức hầu hết các món ăn địa phương trừ... mắm tôm. Ngay cả với nhiều người Việt, đây cũng là món khó ăn. Không ai có thể tưởng tượng giờ đây, mắm tôm lại có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những thị trường khó tính trong ẩm thực như Nhật Bản.

Mang hồn cốt ẩm thực Việt ra thế giới - Ảnh 1.

Anh Lê Anh và đặc sản quê hương

NVCC

Anh Lê Anh, người sáng lập và điều hành Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia (Thanh Hóa), chia sẻ năm 2015, anh bỏ công việc kỹ sư xây dựng về khởi nghiệp với nghề truyền thống của quê hương là làm mắm tôm. Anh muốn thử thách năng lực của bản thân bằng cách làm ra sản phẩm thật ngon và an toàn. Để chứng minh được điều đó thì cách tốt nhất là xuất khẩu được sản phẩm vào Nhật Bản. 

Thế là anh dốc sức thực hiện mục tiêu này. Cách đây khoảng 2 năm, lô hàng đầu tiên là một container 20 feet đã được Nhật Bản chấp nhận nhập cảnh. Hơn 2 năm qua, mắm tôm của Lê Gia vẫn xuất khẩu đều đều vào thị trường nổi tiếng khó tính này. "Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho đơn hàng một container 40 feet cho khách hàng Nhật Bản là chuỗi nhà hàng. Họ mua sản phẩm này về để bổ sung vào công thức chế biến các loại nước sốt và làm gia vị trong việc chế biến món ăn của họ", anh Lê Anh chia sẻ và thú thật mục tiêu ban đầu của công ty hướng tới là phục vụ bà con người Việt ở Nhật. 

Việc bán được mắm tôm, nước mắm cho người Nhật để họ đưa vào chế biến món ăn là điều không tưởng. Thế nên khi làm được, công ty thật sự tự hào vì đưa được món ăn mang tính hồn cốt của người Việt ra thế giới. Ngoài Nhật Bản, sản phẩm mắm tôm, nước mắm Lê Gia còn xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ, CH Czech, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Panama. "Tuy chưa phải quá nhiều thị trường nhưng xét về châu lục thì mắm tôm Lê Gia của VN đã hiện diện ở đủ cả 5 châu lục", Lê Anh nói vui.

Để đáp ứng việc kinh doanh đang có mặt "khắp 5 châu", Lê Anh quyết định mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất của mình lên gấp 10 lần hiện tại. Dự kiến, cuối tháng 10 này, nhà xưởng của công ty sẽ được mở rộng lên tổng diện tích 13.000 m2; công suất lên tới 1 triệu lít nước mắm và 500 - 700 tấn mắm tôm, mắm tép/năm. 

"Nước mắm hay mắm tôm tuy được xem là "linh hồn" ẩm thực Việt nhưng nó mới chỉ là gia vị chứ chưa phải là món ăn hoàn chỉnh. Chính vì vậy Lê Gia đầu tư chế biến thêm nhiều sản phẩm như: chà bông tép biển, chà bông tôm sú, thịt chưng mắm tép, các loại sốt gia vị hoàn chỉnh… Những sản phẩm này đã bán rất tốt ở các hệ thống siêu thị. Khi có nhà máy mới, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển những dòng sản phẩm này dựa trên nền tảng cốt lõi là sản phẩm không chất bảo quản, không bột ngọt, không hương liệu", Lê Anh cho hay.

Niềm cảm hứng mang tên "tỉ phú tương ớt"

Đầu tháng 2.2023, cộng đồng mạng VN một phen xôn xao trước thông tin người gốc Việt ở Mỹ trở thành tỉ phú (USD) tương ớt.

Ông David Tran, người Mỹ gốc Việt - chủ thương hiệu tương ớt Sriracha, trở thành tỉ phú (USD). Sriracha trở thành sản phẩm bán chạy thứ ba trong thị trường tương ớt trị giá tỉ USD của Mỹ, sau thương hiệu Tabasco và Frank's Redhot.

Ở bên này bán cầu, một thanh niên chia sẻ trên mạng xã hội: "Mấy hôm nay nhiều người quen cứ chia sẻ bài Vua tương ớt gốc Việt chính thức trở thành tỉ phú đô la với lời động viên "cố lên"! Chilica chỉ mới hơn 2 năm thôi (ra đời tháng 6.2020), nhất định 42 năm nữa sẽ thành tỉ phú".

Người thanh niên đó là Nguyễn Thanh Hiền, nhà sáng lập thương hiệu tương ớt Chilica. Hiền xuất thân từ lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản. Khi kinh doanh ban đầu đi vào ổn định, anh vẫn băn khoăn chẳng nhẽ mình sẽ tiếp tục tình trạng ổn định này trong phần còn lại của cuộc đời? Mình cần phải làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn cho bản thân, cho xã hội. Là một người con miền Trung, thích ăn cay, anh nhận ra tương ớt là thứ không thể thiếu với nhiều gia đình cả ở VN và trên khắp thế giới. Thế là anh Hiền dành 5 năm nghiên cứu và học hỏi quy trình sản xuất tương ớt. 

Giữa năm 2020, Chilica chính thức ra đời. Khi đó là vào đúng giai đoạn dịch Covid-19, sản phẩm lại quá mới lạ, không lôi kéo được khách hàng nên sau dịch, anh và cộng sự quyết định "chinh chiến" khắp các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, anh Hiền còn gửi email cho hơn 100 thương vụ VN tại các nước và nhận phản hồi từ nhiều nơi. Thương vụ VN tại Campuchia đã livestream giới thiệu tương ớt lên men Chilica. Thương vụ tại Nhật Bản, Singapore, Hà Lan mang Chilica đi trưng bày ở gian hàng Việt tại các hội chợ, tuần lễ hàng VN…

Mang hồn cốt ẩm thực Việt ra thế giới - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Thanh Hiền không ngừng tham gia xúc tiến thương mại để mở cửa thị trường thế giới

NVCC

Trời không phụ lòng người, tại hội chợ Dubai, Chilica đã ký được 4 hợp đồng. "Một hợp đồng cho thị trường Canada, chuẩn bị xuất đơn hàng thứ hai, khách hàng là cộng đồng người Hồi giáo ở bên đó. Ngoài ra còn có hợp đồng cho thị trường Dubai, Ả Rập Xê Út và Iran. Trong số này, có thị trường Iran khá thú vị vì rất khó đưa hàng vào đây. Mình mua bán trực tiếp với họ nhưng hàng lại phải đi đường vòng từ VN sang Dubai rồi từ đó mới chuyển được về Iran", anh Hiền thông tin và cho biết thêm khi đi dự hội chợ ở Thái Lan, anh cũng đã tìm được khách hàng ở thị trường Mỹ. Họ dùng thử sản phẩm tại hội chợ rồi theo về VN tham quan nhà máy, xem quy trình sản xuất trong 2 ngày liền. Sau đó, họ đặt một container hàng mang về Mỹ bán thử. 

"Bây giờ thì đây là thị trường tốt nhất của chúng tôi, chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu, hiện đã xuất được 12 container. Thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Khách hàng tiêu thụ chủ yếu là người Việt và người Hàn Quốc ở Mỹ. Chúng tôi hy vọng, sau đó sẽ lan tỏa ra đông đảo cộng đồng dân cư bản địa", anh Hiền nói.

Bánh Huế, cháo cá, cháo lươn… nườm nượp xuất khẩu

"Bạn ở VN và ăn một chén bánh bèo hay bánh Huế là điều rất bình thường, nhưng nếu cũng chén bánh bèo đó bạn ăn ở Mỹ thì câu chuyện hoàn toàn khác. Nó không chỉ là món ăn mà là hương vị quê hương. Ở Mỹ nếu muốn ăn món Việt phải ra nhà hàng với giá rất cao hoặc mua nguyên liệu về chế biến, giá cũng cao không kém cộng thêm mất nhiều thời gian. Có nhiều người Việt và người gốc Á không thể ăn các món ăn Tây một cách thường xuyên. Vậy nếu có một sản phẩm tiện lợi, tươi ngon, giá cả hợp lý mà chúng tôi hay gọi là "ready to eat" thì chắc chắn nó sẽ bán rất chạy", chị Jolie Nguyễn (tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Kim Huyền), Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty LNS (Mỹ) - một doanh nghiệp chuyên tư vấn và phân phối hàng hóa VN và châu Á tại Mỹ, chia sẻ.

Mang hồn cốt ẩm thực Việt ra thế giới - Ảnh 3.

Người trẻ đang “mang bếp Việt ra thế giới”

NVCC

Trước khi hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, chị Jolie Nguyễn có công ty về logistics, kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành vận tải hàng hóa quốc tế. Vì thế, chị thấy được nhu cầu của thị trường Mỹ cũng như nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ của các doanh nghiệp VN. Chia sẻ về việc đứng ra làm cầu nối cho nhiều hàng Việt tại Mỹ, chị Jolie nói: "Câu chuyện truyền cảm hứng của Cà Mèn với sản phẩm cháo bột cá lóc là một ví dụ. Đây là một doanh nghiệp siêu nhỏ. Chúng tôi đã về VN hướng dẫn họ và chỉ mất 4 tháng để nâng cấp lên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng vào Mỹ theo đường chính ngạch. Sản phẩm này đã trở thành "hot trend" một thời gian dài trên các kênh bán hàng của người gốc Á ở thị trường Mỹ. Chúng tôi hoạt động như chiếc cầu nối giữa các nhà sản xuất VN và khách mua hàng ở Mỹ".

Mang hồn cốt ẩm thực Việt ra thế giới - Ảnh 4.

Khách hàng thế giới thích thú với sản phẩm của Lê Gia

NVCC

Theo chị Jolie, nếu Cà Mèn với món cháo bột cá lóc đặc trưng của Quảng Trị thì Napfood có món đặc trưng Nghệ An với súp lươn bánh mướt, cháo lươn đậu xanh, lươn om chuối đậu… Xu hướng là công ty sẽ mua những sản phẩm đã chế biến sẵn ở VN đưa qua Mỹ nếu nó thật sự ngon và đảm bảo tiêu chuẩn. 

"Thậm chí hiện tại chúng tôi đang bán ở thị trường Mỹ những sản phẩm như đọt su su xào hay bí ngòi xào, canh riêu cua… Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là mỗi tháng đều có một sản phẩm mới để đưa từ VN qua thị trường này. Trước khi bắt đầu với những doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi đã làm với những doanh nghiệp lớn hơn. Họ đã chuẩn quy trình thì mình chỉ việc bán hàng cho họ như: cà phê K Coffee hay sản phẩm gừng nướng mật ong, nước tương Nam Dương… Chúng tôi ký hợp đồng độc quyền phân phối ở thị trường Mỹ. Chúng tôi có kênh phân phối gần 300 siêu thị Việt và châu Á cũng như các kênh bán hàng online của người châu Á tại Mỹ và cả các kênh phổ biến như Amazon, Walmart…", chị Jolie thông tin.

Gạo hay bột gạo thì rất nhiều nước có nhưng bánh nậm, bánh bột lọc, cháo bột cá lóc, súp lươn… thì chỉ có ở VN. Đó là điều mà chúng ta có thể cạnh tranh được với thế giới dựa trên sự khác biệt và dấu ấn văn hóa địa phương.

Chị Jolie Nguyễn, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty LNS (Mỹ)

Khi chia sẻ thông tin với chúng tôi, chị Jolie đang ở Budapest (Hungary) dự diễn đàn cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu với hành trang là các đặc sản đang tiêu thụ tốt ở Mỹ để mở rộng sang thị trường châu Âu. "Công ty chúng tôi đã có văn phòng tại Ý, Nhật Bản, Úc, New Zealand và chúng tôi muốn đưa món ăn cũng như văn hóa Việt đến tất cả khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ thị trường Mỹ", chị cho biết.

Mang 'hồn cốt' ẩm thực Việt ra thế giới - Ảnh 6.

Chị Jolie Nguyễn nhập các sản phẩm mang thương hiệu Việt và phân phối tại thị trường Mỹ

"Chuyện mà chúng ta đang bàn ở đây là xuất khẩu món ăn, ẩm thực và văn hóa VN ra thế giới chứ không đơn thuần là nông sản truyền thống. Ngoài quảng bá văn hóa ẩm thực VN, nó còn tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đơn cử một container sản phẩm cháo bột cá lóc của Cà Mèn có giá trị gần 100.000 USD, lớn hơn nhiều so với sản phẩm thô và đây là những sản phẩm mang thương hiệu Việt. Gạo hay bột gạo thì rất nhiều nước có nhưng bánh nậm, bánh bột lọc, cháo bột cá lóc, súp lươn… thì chỉ có ở VN. Đó là điều mà chúng ta có thể cạnh tranh được với thế giới dựa trên sự khác biệt và dấu ấn văn hóa địa phương", chị Jolie nhấn mạnh.

Chúng tôi ký cả hợp đồng cứng và mềm bao tiêu cho bà con nông dân

Để đáp ứng công suất nhà máy tăng mạnh, chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với bà con nông dân theo hình thức hợp đồng cứng và cả hợp đồng mềm. Hợp đồng cứng có diện tích 60 ha, mức giá bao tiêu 30.000 đồng/kg. Với hợp đồng mềm, khi giá thị trường lên cao bà con nông dân có thể bán cho thương lái bên ngoài. Còn khi giá thị trường thấp hơn, Chilica sẽ mua theo giá hợp đồng với điều kiện sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất an toàn theo hướng dẫn.

Anh Nguyễn Thanh Hiền, nhà sáng lập thương hiệu tương ớt Chilica

Thế giới đang cấp hộ chiếu cho ẩm thực Việt Nam

Cái mà tôi đang hướng tới không chỉ là bán sản phẩm mà làm sao quảng bá văn hóa ẩm thực VN. Chúng ta có cơ hội lớn khi gần đây nhiều tờ báo uy tín lớn trên thế giới ca ngợi món ăn của chúng ta. Đơn cử The New York Times giới thiệu chả cá, bún than, bún đậu mắm tôm… Điều đó cũng giống như thế giới cấp cho VN tấm hộ chiếu ẩm thực. Chúng ta cần tận dụng cơ hội này. Đặc biệt, những ngành nghề truyền thống cần được lưu giữ bởi những người trẻ.

Anh Lê Anh, người sáng lập và điều hành Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.