Mang 'Lịch sử vú' - 'Rắc rối giới' đến buổi nói chuyện về giới

Đông Phong
Đông Phong
20/11/2022 19:38 GMT+7

Mới đây, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cùng Đại học Hoa Sen tổ chức buổi nói chuyện về giới Bạn là ai trong thế "Giới" này? , đồng thời giới thiệu tủ sách Phụ nữ tùng thư đến các bạn sinh viên.

Buổi nói chuyện về giới lần này diễn ra ấm cúng, trẻ trung, có sự tương tác giữa diễn giả gồm Tiến sĩ (TS) Nguyễn Bảo Thanh Nghi (giảng viên trường Đại học Hoa Sen), TS. Lê Thị Quỳnh Nhi (Chuyên ngành Y học lâm sàng), anh Lê Huỳnh Thanh Thanh (quán quân cuộc thi The Bay Competition) và nhiều khán giả trẻ là sinh viên.

TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi phát biểu mở màn talkshow

ĐẠI HỌC HOA SEN

Các diễn giả mở đầu buổi nói chuyện bằng một thông tin đã được công bố gần đây: Bộ Y tế ra văn bản công nhận đồng tính không phải là bệnh. Với luận đề này, các diễn giả khéo léo dẫn dắt câu chuyện vào trọng tâm của buổi giao lưu là nhu cầu giới và chăm sóc sức khỏe bản thân của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ và không thuộc cộng đồng này.

TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi đưa ra một câu chuyện từ góc độ y tế để đào sâu hơn về câu chuyện giới/giới tính: những đứa trẻ sinh ra (vô tình) có 2 bộ phận sinh dục, và phía bệnh viện cũng như cha mẹ đứa bé đồng ý cắt đi 1 trong 2 bộ phận để đứa bé "dễ nuôi" và những vấn đề kéo theo "không quá phức tạp". Nhưng sau đó, khi đứa bé lớn lên, hoocmon bên trong cơ thể phát triển khác đi và lúc này, nó nhận ra giới tính thật sự của bản thân và hành động cắt đi bộ phận sinh dục mà đáng lẽ ra ban đầu không nên can thiệp ấy đã kéo theo hàng loạt vấn đề không đáng có.

Anh Thanh Thanh trải lòng về hành trình tự tin sống trước áp lực, định kiến giới

ĐẠI HỌC HOA SEN

Bên cạnh nhiều sinh viên tham dự, buổi talkshow còn có phụ huynh

ĐẠI HỌC HOA SEN

Quy chuẩn về tính nhị nguyên trong giới - hoặc là con trai, hoặc là con gái - đã vô tình khiến chúng ta có những hành xử đôi khi không "đúng" và câu chuyện y tế kia chỉ là một trong rất nhiều ví dụ trong xã hội Việt Nam hôm nay. Việc cắt đi một bộ phận sinh dục của đứa bé là hành vi được quy định ngầm bởi khung quy chuẩn nhị nguyên kia. Cũng theo TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi, những người thuộc về dị tính "may mắn hơn" vì chúng ta thuộc về nhóm đa số, còn LGBTQ+ thuộc về nhóm thiểu số, mà trong số đó, nhóm vô tính (asexuality) thậm chí còn chiếm tỉ lệ thấp hơn nhóm đồng tính nữ (lesbian)...

Một điều được các diễn giả đưa ra bàn luận là sự tương thích giữa bản dạng giới (gender identity) và giới tính sinh học (sex) của nhóm dị tính, những người được xã hội mặc định là "bình thường". Họ hiếm khi nào thắc mắc về bản dạng giới của mình hay những thứ liên quan. Thế nhưng đối với cộng đồng LGBTQ+ thì ngược lại, sự tìm mình, định vị bản thân là ai giữa những quy chuẩn của xã hội với tư duy nhị nguyên là điều rất khó.

Các diễn giả đều nhất trí rằng, bạn là ai không quan trọng bằng việc bản thân sống tốt và cống hiến hết mình cho xã hội

ĐẠI HỌC HOA SEN

Anh Lê Huỳnh Thanh Thanh, một nhân vật trẻ trong cộng đồng LGBTQ+ chia sẻ về hành trình bản thân từ một "cô gái" đã đi tìm mình và đối diện với nhiều thứ không mấy đẹp đẽ trước khi được mọi người đón nhận như hôm nay. Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê, Thanh Thanh phát hiện mình không giống với nhiều người từ khá sớm. Mọi chuyện diễn ra khi anh tham gia cuộc thi Bay Competition, nơi anh thổ lộ về con người mình và khi cuộc thi khép lại, cơn ác mộng thật sự bắt đầu khi gia đình quay lưng với anh. Bằng cách chấp nhận và sống tốt, anh đã chứng minh cho mẹ và nhiều người thấy rằng dù bản thân là gì đi nữa thì đó không phải là điều quan trọng, mà điều quan trọng nhất là cần phải sống tốt, cống hiến cho những gì có ích cho xã hội.

Vú phụ nữ, vú đàn ông

Tại buổi talkshow này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đến các bạn sinh viên và độc giả tủ sách giới và phát triển là Phụ nữ tùng thư, đặc biệt là cuốn Lịch sử vú (A History of the Breast) của Marilyn Yalom, một quyển sách táo bạo khi bàn về vú phụ nữ được diễn dịch, nhìn nhận qua nhiều góc nhìn như sinh học, tính dục, chính trị... và một "tân binh" ra mắt mới đây là Rắc rối giới (Gender Trouble) của Judith Butler.

Cách đây không lâu, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã giới thiệu đến độc giả một quyển sách khá lý thú, đóng vai trò là sự gợi mở, tìm tòi về giới đó là Những khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới (Key Concepts in Gender Studies) của Jane Pilcher & Imelda Whelehan.

Bìa sách Lịch sử vú của Marilyn Yalom

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Rắc rối giới - tân binh trong tủ sách Phụ nữ tùng thư

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Chạm đến là chạm đến những rắc rối về giới và đồng thời cũng là chạm đến những vấn đề vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính đương đại. Khi được hỏi về việc chăm sóc sức khỏe đối với những trường hợp phụ nữ cắt bỏ bầu vú và thay vào đó vú của đàn ông (đối với trường hợp chuyển giới) là như thế nào, cũng như vú nam giới đóng vai trò như thế nào trong khoái cảm tình dục thì các diễn giả cho rằng đây là vấn đề phức tạp. TS. Lê Thị Quỳnh Nhi cho rằng, trong khuôn khổ và thời lượng chương trình, khi bàn về vú và những vấn đề cạnh nó, cần một buổi trò chuyện riêng với sự có mặt của các bác sĩ vì nó không còn là vấn đề về sách vở, văn hóa mà rộng hơn là câu chuyện của y học, giải phẫu học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.