Manh áo bạc vì dịch: Gian nan việc làm

03/11/2020 06:24 GMT+7

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều thân phận lao động di cư tại TP.HCM vẫn đang oằn mình chống chọi với những hệ lụy kéo dài...

Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, nhiều công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 1 (P.Linh Trung) và khu chế xuất Linh Trung 2 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị mất việc vì công ty cắt giảm lao động... Nhiều tháng qua, họ phải sống “thắt lưng buộc bụng”, xoay xở đủ bề chờ công việc trở lại.

2 triệu đồng/tháng lo gia đình 6 người

Gia đình anh Lê Thanh Đon (42 tuổi) và chị Du Thị Trúc (34 tuổi, cùng quê An Giang) đang trải qua một năm lắm lao đao, vất vả. Dưới gác trọ tại đường số 12, KP.3 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức), từ đầu năm 2020 đến nay, cả gia đình nương náu vào đồng lương ít ỏi của chị Trúc.

Nhiều ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: Theo kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực quý 3/2020 với 16.778 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn TP, do Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện, thì có 69,61% DN chủ yếu ở các lĩnh vực như sản xuất trang phục, dệt, chế biến thực phẩm... bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó có 63,73% DN bảo đảm cho người lao động làm việc bình thường; 26,47% DN giảm giờ làm, không tăng ca; 4,9% DN có tình trạng thiếu việc làm; và 4,9% DN cho lao động thôi việc.
Ông Tấn nói, do kiểm soát tốt dịch tễ tại TP.HCM, tình hình DN khởi sắc trong những tháng cuối năm nay, đặc biệt là thời điểm phục vụ Tết Nguyên đán. Thế nhưng, khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất) vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng vì các hoạt động xuất - nhập khẩu bị gián đoạn.
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, trong 9 tháng năm nay đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 158.431 người và đã có quyết định cho 149.795 người. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng tiếp nhận hồ sơ tăng 31.076 người (tăng 24,4%), số có quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp tăng 28.702 người (tăng 23,7%). Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH cho biết từ tháng 6 đến nay đã giải quyết việc làm cho 133.722 lượt người…
Khi chúng tôi tìm đến, anh Đon ngồi ở đầu nhà trọ, loay hoay sửa vài vật dụng hàng xóm nhờ làm. Còn chị Trúc, với dáng người thấp bé, lủi thủi về tới nhà sau giờ tan ca chiều. Chị Trúc làm công nhân cho một công ty sản xuất - xuất khẩu túi xách trong khu chế xuất Linh Trung 2 đã mấy năm ròng.
Gia đình có 4 đứa con, anh chị gửi 2 đứa nhỏ nhất về quê nhờ bà ngoại nuôi, 2 đứa đầu ở lại TP.HCM đi học. Trước dịch, mỗi tháng có tăng ca được thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, chị Trúc trích 2 - 3 triệu gửi về quê. Số còn lại cộng với tiền của anh Đon kiếm được đủ lo chi phí sinh hoạt qua ngày.
Anh Đon trước đây làm công nhân xây dựng cầu đường, cống rãnh, thu nhập cũng được 250.000 đồng/ngày... Thế rồi từ lúc bùng dịch, anh bị mất việc. “Do không biết chữ, tôi không thể tìm việc ở các xí nghiệp. Tôi ở nhà đưa đón con đi học, ai kêu gì làm đó. Giờ tôi đang tìm việc mới, chứ không thể để vợ gồng gánh một mình”, anh Đon chia sẻ.
Công việc của chị Trúc bấp bênh không kém, điều may là công ty vẫn giữ chị lại làm.
Chị kể, năm ngoái công ty có 3 xưởng sản xuất nhưng nay chỉ còn 1 xưởng hoạt động. Khi có dịch Covid-19, chị bị giảm giờ làm, có đợt phải nghỉ liên tục 2 tuần đến 1 tháng. Những tháng còn lại, chị làm khoảng 10 ngày, lương tính ra khoảng 2 triệu đồng chứ không được hỗ trợ gì thêm.
Chị thỏ thẻ: “Với 2 triệu đồng/tháng, chúng tôi cứ xoay xở, thiếu trước hụt sau, mượn hết người này tới người khác, có lúc sống nhờ quà từ thiện. Bây giờ chúng tôi vẫn còn thiếu 2 tháng tiền trọ”.
Từ đầu tháng 10, chị Trúc làm 5 ngày/tuần và vẫn chưa có tăng ca. Lắm lúc, muốn về quê nhưng nghĩ không có đất đai, nghề nghiệp nên chị bảo gia đình cố gắng bám trụ đợi qua dịch rồi tính tiếp.
Manh áo bạc vì dịch: Gian nan việc làm

Chị Trần Thúy Oanh gần năm nay chỉ ở nhà trông con, làm thêm việc gia công, cắt chỉ quần áo

ẢNH: SONG MAI

Xoay trở đủ đường

Đa số những công nhân mất việc đều trở về quê. Một số ở lại TP.HCM, bám trụ nhờ vào nguồn thu của chồng hoặc vợ, số khác tìm nghề bên ngoài để cầm cự.
Chị Trần Thúy Oanh (38 tuổi, quê Cà Mau) làm công nhân trong ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy móc tại khu chế xuất Linh Trung 2. Cuối năm 2019, chị Oanh mất việc. Kể từ đó, chị ứng tuyển ở công ty nào trong khu chế xuất cũng không thành, nên gần năm nay chị chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ, trông con. Chồng chị may mắn vẫn giữ được công việc nên gia đình đỡ vất vả để trang trải.
Muốn bớt gánh nặng cho chồng, chị Oanh nhận thêm quần áo bên ngoài về gia công. Giá cắt chỉ một cái áo khoảng 250 đồng, một ngày trung bình làm chừng trên trăm cái, chị được 25.000 - 50.000 đồng. “Nhưng tôi mới làm được khoảng 2 tháng nay khi con đi nhà trẻ hoặc khi nó vắng nhà. Thằng bé bị hen nên không chịu được bụi vải”, chị buồn bã nói thêm: “Hiện tôi đang đi tìm việc. Nhưng nếu từ đây tới cuối năm không dành được dư tiền, tôi sẽ điện thoại về quê báo tết này không về...”.
Manh áo bạc vì dịch: Gian nan việc làm

Hai đứa con của chị Trúc phải mang những chiếc cặp rách đi học

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Những lao động khác không vướng bận con cái tìm công việc bên ngoài để bù lại phần thu nhập bị mất, như anh Nguyễn Kỳ Nhí (27 tuổi, quê Bạc Liêu, trọ tại KP.3, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) lái xe ôm trong suốt mùa dịch.
Anh Nhí lên TP.HCM làm công nhân từ lúc 20 tuổi. Là trụ cột của gia đình, anh phải chăm lo ba mẹ già yếu và 1 người anh trai bị tật, mất khả năng lao động ở dưới quê. Dưới vẻ ngoài vẫn tươi vui, nhưng như nhiều thân phận công nhân khác bị giảm giờ làm, chàng thanh niên này phải loay hoay tìm công việc tạm để xoay xở. Điều mong mỏi trước mắt của anh chính là dịch bệnh qua mau để anh có cơ hội tăng ca, có thêm tiền để gửi về quê cho gia đình.

Nguồn thu tạm thời

Những ngày đầu tháng 10, người lao động ra vào Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (P.17, Q.Bình Thạnh; thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) như mắc cửi. Họ tất tả làm hồ sơ nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Sáng 9.10, trời mưa từ sớm, anh bán nước trước cổng trung tâm tấm tắc mừng vì đắt khách, bảo người lao động đến luôn, có hôm chưa tới buổi làm việc chiều, xe đã đậu chờ kín hẻm. Ấy vậy mà người lao động vào đây không mấy vui vẻ, họ đang phải bấu víu vào nguồn bảo hiểm thất nghiệp để xoay trở cuộc sống.
Chị Võ Thị Ngọc Thảo (ngụ Q.7) mang con trai 3 tuổi đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp. Chị tâm sự, trước đây chị làm công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), lương mỗi tháng có tăng ca cũng được gần 10 triệu đồng, chị trích hơn 3 triệu đồng để gửi con đến nhà trẻ. “Thế nhưng, từ lúc dịch bùng phát, lương của tôi bị giảm xuống hơn phân nửa. Do đó tôi quyết định thôi việc, xin nhận trợ cấp thất nghiệp tạm thời để ở nhà trông con luôn. Bây giờ gia đình tôi sống dựa vào tiền chạy taxi của chồng”, chị nói.
Các nhân viên tại trung tâm phải làm việc luôn tay. Dù vậy, do số lượng đông, nhiều người vẫn phải chờ đến chiều mới tới lượt.
Một người đàn ông đợi tới đầu giờ chiều giải quyết xong thủ tục, vội nói: “Trước tôi làm trong xưởng bán đồ nội thất, nhưng từ lúc bùng dịch, công ty không có khách hàng, tôi bị mất việc. Giờ tôi đang lái xe ba gác chở hàng thuê để kiếm sống”. Cạnh đó, chị T.T.K.B (28 tuổi, quê Bến Tre) cầm xấp hồ sơ trên tay, mòn mỏi ngồi đợi bên sảnh giữa trưa, bảo thủ tục và quy trình nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp không có gì để than phiền nhưng sáng nay quá đông người, chị chờ mãi vẫn chưa tới lượt.
Tại đây cũng chứng kiến không ít những hoàn cảnh oái oăm khác. Đơn cử, bà N.T.Đ (57 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) phải ra về mà không đăng ký được trợ cấp thất nghiệp. “Ban đầu công ty muốn hủy hợp đồng lao động của tôi khi chưa hết hạn để chuyển sang dạng hợp tác lao động, tức làm bao nhiêu giờ sẽ nhận bấy nhiêu tiền. Tôi quyết định nghỉ việc để nhận trợ cấp, nhưng tới đây mới biết công ty chưa đóng bảo hiểm 4 tháng nay dù tháng nào họ cũng trừ tiền lương của tôi. Bây giờ các nhân viên trung tâm hướng dẫn tôi về gặp công ty, liên đoàn... để giải quyết”, bà Đ. giãi bày.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.