Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và lực lượng vũ trang nước này luôn đặt mục tiêu thu hồi mọi lãnh thổ rơi vào tay Nga, tình hình trên thực địa cho thấy quân Nga đang có cơ hội mở rộng tầm kiểm soát ở Ukraine. Và chiến thắng ở Avdiivka đang tạo lợi thế cho phía Nga.
Nga gia tăng sức ép ở tiền tuyến
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng nước này đã kiểm soát hoàn toàn nhà máy than cốc và hóa chất Avdiivka. Một ngày trước đó, phía Nga cho biết sau khi rút khỏi Avdiivka các đơn vị Ukraine đã tập trung ở khuôn viên nhà máy, vốn nằm ở rìa tây bắc thành phố. Việc Nga thành công lấy được Avdiivka làm dấy lên quan ngại lực lượng nước này đang tìm cách tiến sâu hơn vào vùng Donetsk.
Tổng thống Biden sẵn sàng gặp Chủ tịch Hạ viện để thúc đẩy viện trợ Ukraine
Phát biểu trên truyền hình quốc gia Ukraine ngày 18.2, ông Dmytro Lykhoviy, người phát ngôn quân đội Ukraine ở Donetsk, cho hay quân Nga đang tìm cách thúc đẩy các mũi tấn công về hướng tây của TP. Avdiivka. "Tuy nhiên, một lực lượng đáng kể của chúng tôi đang cố thủ ở hướng đó", AFP dẫn lời người phát ngôn.
Cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu Ukraine ghi nhận 14 đợt tấn công nhưng thất bại của Nga ở làng Lastochkyne, cách rìa bắc Avdiivka khoảng 2 km về hướng tây. Phía Ukraine cũng thông tin lực lượng Nga đã gia tăng áp lực gần các làng Robotyne và Verbove thuộc miền nam Zaporizhzhia.
Người phát ngôn Lykhoviy cho rằng Nga rất khó đạt được đột phá ở Zaporizhzhia, nơi lực lượng Ukraine đang dàn trải các tuyến phòng thủ dày đặc. Thế nhưng, TASS dẫn lời chính khách Nga Vladimir Rogov, thủ lĩnh phong trào We Are Together With Russia, cho hay các đơn vị Nga tiến quân được từ 100 m đến 1,5 km dọc theo tiền tuyến gần 2 làng Robotyne và Verbove. Theo ông Rogov, phía Ukraine đứng trước nguy cơ mất đi vùng đệm Rabotino nằm giữa làng Nesteryanka và Novopokrovka thuộc Zaporizhzhia.
Nga cáo buộc quân NATO đang ở Ukraine
Trả lời phỏng vấn của truyền thông Nga hôm qua, thượng tướng Sergei Rudskoy, Tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, nói rằng các binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có mặt ở Ukraine.
"Quân nhân NATO đã tham gia các hoạt động tác chiến bằng cách giả dạng lính đánh thuê. Họ vận hành các tổ hợp phòng không của tên lửa chiến thuật và những bệ phóng loạt, cũng như có mặt trong hàng ngũ tiền tuyến", Sputnik News dẫn lời tướng Rudskoy.
Theo thượng tướng Nga, các sĩ quan NATO "trực tiếp" chuẩn bị các chiến dịch quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay chính quyền Kyiv phối hợp với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đẩy mạnh công tác tuyển mộ lính đánh thuê. Tình báo Nga cho rằng các tay súng từ Mỹ, Canada, châu Á, Mỹ Latin và Trung Đông đã tham gia vào hàng ngũ của quân đội Ukraine.
Nga cáo buộc quân NATO đang ở Ukraine
Phía NATO chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib ngày 19.2 kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) hãy thành lập quân đội riêng của khối để bảo vệ lãnh thổ EU trong tương lai, theo tờ The Guardian. Và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen công bố quyết định viện trợ toàn bộ số đạn pháo cối mà nước này hiện có cho Ukraine.
Trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis hôm qua lên tiếng chỉ trích những người đồng cấp EU vì đã thất bại trong việc cung cấp đầy đủ đạn dược cho Ukraine. Theo ông, trong khi chỉ tính riêng Đức đã cân nhắc viện trợ 7 tỉ euro (hơn 185.000 tỉ đồng) cho Kyiv, đến nay 27 nước thành viên châu Âu chưa thể nhất trí về việc thành lập quỹ hỗ trợ Ukraine trị giá 5 tỉ euro/năm. Về phần mình, Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy quốc hội sẽ sớm thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine.
Nhật Bản tăng viện trợ cho Ukraine
Hôm qua, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal trong chuyến thăm nước này. "Nhật Bản tiếp tục sát cánh với Ukraine", Reuters dẫn lời ông Kishida, đồng thời thông báo về hiệp ước thuế song phương sẽ ký kết với chính quyền Kyiv. Chính quyền Tokyo cũng cam kết viện trợ tài chính hơn 10 tỉ USD cho Ukraine, nhưng không thể ủng hộ trực tiếp về mặt quân sự vì luật nước này cấm xuất khẩu vũ khí sát thương. Còn Thủ tướng Shmyhal bày tỏ hy vọng các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản, bao gồm Toyota, thiết lập các nhà máy ở Ukraine. Thủ tướng Kishida cam kết nới lỏng quy trình cấp thị thực và tiến tới mở văn phòng mới của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản ở Kyiv.
Bình luận (0)