Nguyên nhân của tình trạng trên, theo phản ánh của người dân, là do các tàu khai thác cát công suất lớn hoạt động liên tục trên sông Đà phía gần xã Phong Vân làm đáy sông sụt lún nhanh chóng, gây ra tình trạng sạt lở. Mùa mưa lũ càng tăng thêm nguy cơ mất an toàn đê kè và các công trình dân sinh.
Cách bờ kè sông khoảng 20 m, nhà ông Ngô Văn Lịch (50 tuổi, thôn Vân Hội) hàng ngày phải chịu đựng tiếng ồn từ hàng chục tàu cát hoạt động gần đó. Đã nhiều ngày gia đình ông không thể yên giấc vì những âm thanh này, bên cạnh nỗi lo thường trực khác về các vết nứt trên tường và nền nhà.
Cùng trong khuôn viên với căn nhà ông Lịch là căn nhà của mẹ đẻ ông. Hai nhà sát cạnh nhau, nhưng ngôi nhà của bà bị nứt nặng hơn. Vết nứt xé ra thành lỗ hổng từ trần đến sàn nhà, vừa một bàn tay lọt qua.
"Ngôi nhà xây từ năm 1961, lâu nay không có vấn đề gì. Bây giờ, nhà bị nứt thế thì không ai dám ở vì quá nguy hiểm. Tôi phải đưa bà sang nơi khác", ông Lịch nói.
Cách đó vài trăm mét là nhà chị Lê Thị Nhung (37 tuổi, thôn Vân Hội) cũng đang xuất hiện nhiều vết nứt. Để ngăn nước thấm vào nhà, chị phải dùng các tấm gỗ khắc để che đi.
Nhà chị Nhung sát bờ sông nên hút gió. Chồng chị đi làm xa, mỗi khi bão lớn lại gọi về dặn vợ con trú tạm nơi khác, đợi hết bão rồi về. "Giờ bảo nhà tôi chuyển đi thì biết chuyển đi đâu? Tiền đâu mà xây sửa? Tốn kém lắm", chị Nhung than thở.
Xã Phong Vân nằm tại ngã ba sông Đà và sông Hồng, giáp ranh Hà Nội và Phú Thọ. Từ cuối năm 2023, nhiều ngôi nhà trong xóm Bãi xuất hiện các vết nứt trên tường rào, sân gạch và nhà ở kiên cố. Trước tình trạng ngày càng nghiêm trọng, UBND TP.Hà Nội đã đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp quản lý khai thác cát trên sông Đà và thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép.
Bình luận (0)