Bánh ướt lòng gà là món ăn mà nhiều người truyền tai nhau không thể bỏ lỡ khi đến Đà Lạt, khiến nhiều người nhung nhớ sau khi rời đi. Năm 2018, trong một chuyến đi du lịch Đà Lạt cùng nhóm bạn, anh Huỳnh Phước Giàu (24 tuổi) mê mẩn món ăn đặc biệt này khi thưởng thức tại Đà Lạt. Nhận thấy món ăn ngon lại nhiều khách đến ăn, anh Giàu ấp ủ mở một quán ăn riêng cho mình.
Tự mày mò công thức
Sau chuyến du lịch Đà Lạt, anh Giàu tự mình tìm hiểu về công thức nấu bánh ướt lòng gà thông qua Internet và mở quán có tên Quán 48 (48 Thiên Phước, P.9, Q. Tân Bình, TP.HCM) sau 4 tháng nghiên cứu, chuẩn bị với nhiều lần thử nghiệm khác nhau.
|
“Lúc đến ăn tôi cũng có xin xem qua chỗ người ta luộc gà, luộc trứng những công đoạn mình cũng có thể làm được. Mình để ý xem trong một tô người ta có những nguyên liệu nào. Ngoài học trên mạng, tôi chỉnh theo công thức của mình để ăn sao thấy vừa miệng và cũng tạo được hương vị riêng”, anh Giàu tâm sự.
Anh tự nhận, điểm đặc biệt trong món bánh ướt lòng gà của anh nằm ở trứng lòng đào. “Quan trọng nhất là luộc trứng. Luộc gà để quên cũng không sao nhưng trứng mà lỡ để quên sẽ bị chín và không còn lòng đào. Để trứng ngon mình phải luộc vừa phải, canh thời gian, canh nhiệt độ nước. Luộc lâu quá trứng sẽ bị khô, còn nếu luộc ít quá thì trứng bị sống, mùi tanh rất khó chịu”.
|
|
Bánh ướt lòng gà ở Đà Lạt thường được ăn cùng rau răm nhưng anh Giàu thay bằng 3 loại húng là húng chanh, húng lủi với húng quế để tạo sự khác biệt.
Về cách bày trí, bánh ướt sẽ được để phía dưới, phần lòng gà, thịt gà, hành phi lên trên. Cuối cùng là trứng gà non sẽ được cắt đôi ra đặt trên cùng để tạo sự bắt mắt. Quả thật, khi phục vụ bưng một tô đến bàn, đập ngay vào mắt tôi là trứng lòng đào béo ngậy, nhìn là muốn ăn ngay.
|
Anh Giàu là người gốc miền Tây vốn ăn ngọt nên để điều chỉnh độ mặn, chua, ngọt của nước mắm cho vừa miệng, anh phải tiếp thu ý kiến của nhiều thực khách rồi sau đó hoàn thiện dần.
Mỗi ngày gần 500 phần
Gần 2 năm mở quán, hiện tại quán của anh Giàu đã có một lượng khách ổn định và dần trở nên quen thuộc với nhiều người.
Quán bánh ướt lòng gà 48 mở cửa từ 8 giờ sáng đến 24 giờ. Khoảng thời gian đông khách nhất của quán là từ 11 giờ đến 13 giờ vào buổi trưa và từ 18 giờ đến 20 giờ vào buổi tối. Nhất là vào buổi tối, nhiều khi khách đến chật kín bàn.
|
Nhớ lại những ngày đầu mới mở quán, anh Giàu tâm sự lúc đó khách rất ít chỉ có vài khách một ngày nhưng sau này người này giới thiệu người kia thì quán mới đông dần lên. Một ngày, tính theo số gà anh Giàu bán được 35 - 45 con, tính theo số phần bánh ướt tất cả các loại thì anh bán được từ 250 - 300 phần.
|
Số lượng phần ăn đặt qua các ứng dụng giao hàng cũng ngày càng tăng, mỗi ngày anh Giàu nhận thêm được khoảng 150 - 200 phần bánh ướt lòng gà.
Phần bánh ướt lòng gà bình thường gồm có thịt và lòng gà có giá 33.000 đồng, phần đặc biệt có giá 45.000 đồng sẽ gồm có thịt gà, lòng gà, bao tử, lưỡi heo, trứng gà non (trứng lòng đào).
Là một khách hàng thân thuộc của quán, bà Mai Thị Hảo (63 tuổi) tấm tắc: “Một tuần tôi thường ăn ở đây 2 lần. Điều đặc biệt là gà ở đây rất ngon, mềm. Nước mắm không ngọt quá mà có vị giấm chua nhẹ làm mình muốn ăn thêm. Tôi ở gần đây nên biết, quán đông lắm, có hôm còn không đủ chỗ ngồi, có khi ăn lấy bánh ướt thêm cũng không lấy thêm tiền”.
|
Chị Nguyễn Thùy Linh (23 tuổi) nhận xét: “Sài Gòn dạo này hay mưa nên mình thấy thèm ăn món này. Mình lâu lâu cũng có đi Đà Lạt cùng bạn bè, có ăn thử qua bánh ướt lòng gà Trang và rất ngon. Mình thích nhất ở đây là trứng lòng đào”.
|
|
Bắt đầu từ 6 giờ sáng mỗi ngày, anh Giàu bắt đầu luộc gà, luộc trứng đến 7 giờ 30 sẽ dọn ra và đón khách. Bánh ướt trước khi mang ra cho thực khách sẽ được cho vào nồi hấp lên để bánh nóng và mềm hơn. So với công việc ở bếp gò bó về thời gian, giờ đây anh Giàu thoải mái hơn, thu nhập tốt hơn và được làm công việc mà mình yêu thích.
Bình luận (0)