Miền Bắc bất ngờ mưa giông, Nam bộ vẫn nắng nóng gay gắt

Chí Nhân
Chí Nhân
22/04/2024 04:14 GMT+7

Trong vài ngày qua, mưa giông, mưa to và cả mưa đá đã xảy ra nhiều nơi ở miền Bắc. Trong khi đó, nắng nóng tại khu vực phía nam vẫn hết sức gay gắt khiến nhiều người kiệt sức. Tuy nhiên, theo dự báo, Nam bộ có thể đón mưa trái mùa vào dịp lễ 30.4 - 1.5 sắp tới.

Mưa to giữa mùa nắng, Hà Nội cảnh báo ngập

Đến hôm qua, hình ảnh mưa đá, mưa giông ở Hà Nội vẫn tiếp tục "viral" mạnh trên mạng xã hội. Với người dân các tỉnh phía nam, cơn mưa giải nhiệt được mong chờ nhiều tháng ngày qua vẫn còn rất xa xôi. Vì vậy, "nhìn" mưa phía bắc nhưng gồng mình dưới cái nắng phương Nam là hình ảnh mà nhiều người ví von.

Còn với người dân Hà Nội, cơn mưa giông trên diện rộng, một số nơi kèm theo gió giật mạnh, sấm sét cách đây 2 ngày vẫn hết sức bất ngờ. Ở một số khu vực như Cầu Giấy, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa thậm chí xuất hiện mưa đá. Theo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, hiện tượng thời tiết bất thường nói trên khiến khoảng 70 cây xanh trên địa bàn các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Gia Lâm bị đổ, gãy. Trong số đó có nhiều cây to với đường kính từ 40 - 50 cm cũng bị đổ, gây hư hỏng nhiều xe máy, ô tô. Đợt mưa lớn bất thường này khiến ngày 20.4 Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phải phát bản tin cảnh báo với TP.Hà Nội về nguy cơ ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ ngập phổ biến từ 15 - 30 cm; một số tuyến phố có khả năng ngập sâu từ 30 - 40 cm.

Cây xanh trên phố Nhà Chung (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đổ gục, đè lên nhiều xe máy trên vỉa hè

Cây xanh trên phố Nhà Chung (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đổ gục, đè lên nhiều xe máy trên vỉa hè

Khắc Hiếu

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết lượng mưa đo được trên địa bàn trung bình từ 20 - 76 mm. Trong đó, các địa bàn có lượng mưa lớn nhất là Hoàng Mai với 76,2 mm, Hà Đông là 55,8 mm, Hoàn Kiếm là 48 mm… Mưa lớn khiến nhiều nơi tại khu vực nội thành Hà Nội úng ngập cục bộ.

Xuyên đêm dọn dẹp phố phường sau trận giông lốc khiến cây ngã đổ khắp Hà Nội

Không chỉ Hà Nội, mưa lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan còn xảy ra ở nhiều địa phương khu vực phía bắc. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tối và đêm 20.4, ở Bắc bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 20.4 đến 7 giờ ngày 21.4 có nơi trên 50 mm (mưa to) như: Cẩm Phả (Quảng Ninh) đến 69,4 mm, Cầu Giấy (Hà Nội) 63 mm, Minh Quang (Vĩnh Phúc) 54,9 mm, Phật Tích (Bắc Ninh) 53,4 mm... Trước đó, mưa lớn cũng ghi nhận được ở một số nơi như Huổi Lèng (Điện Biên) 66 mm, Giáp Đắc (Hòa Bình) 41 mm. "Do rãnh áp thấp có trục 24 - 26 độ vĩ bắc bị nén bởi khối không khí mát ở phía nam Trung Quốc tràn xuống nên miền Bắc nước ta có mưa rào và giông", các chuyên gia ở Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia giải thích nguyên nhân gây mưa to ở các tỉnh phía bắc.

Theo dự báo, Bắc bộ vào chiều tối vẫn có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15 - 30 mm, có nơi trên 50 mm. Khu vực Trung bộ và Tây nguyên cũng có mưa rào và giông cục bộ, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá ở cấp độ 1.

TP.HCM nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ cảm nhận thường xuyên ở mức 40 độ C

TP.HCM nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ cảm nhận thường xuyên ở mức 40 độ C

Nhật Thịnh

Miền Nam có thể đón mưa trái mùa vào dịp lễ

Trong khi các tỉnh phía bắc mưa lớn thì nhiệt độ phổ biến ở các tỉnh thành Nam bộ những ngày qua vẫn duy trì từ 35 - 37 độ C. Đáng nói, do độ ẩm trong không khí cũng tăng dần lên, vào sáng sớm cũng như chiều tối bầu trời xuất hiện nhiều mây đen khiến nhiều người hy vọng mưa sẽ tới. Thế nhưng thời tiết như "trêu ngươi", càng mong thì mưa càng "mất hút", thậm chí nắng nóng cảm giác còn gay gắt hơn. Tại TP.HCM, dù nhiệt độ khí tượng chỉ 34 - 35 độ C nhưng nhiệt độ cảm nhận luôn ở mức rất cao đến 39 - 41 độ C. Hiện nay, áp thấp nóng Ấn Miến ở phía tây hoạt động mạnh và lấn sang phía đông, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khiến nhiều vùng miền nắng nóng gay gắt.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng nắng nóng tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5. Năm nay, mùa mưa tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm, từ tháng 6 gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.

Trả lời về khả năng mưa trái mùa ở TP.HCM cũng như các tỉnh/thành phía nam, theo các chuyên gia khí tượng, hiện nay độ ẩm trong không khí phổ biến vẫn còn thấp, lượng mây giông nhiệt vẫn ít nên khả năng mưa trái mùa không cao. Nếu có cũng chỉ là những cơn mưa giông trên diện hẹp và lượng nhỏ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên năm nay nắng nóng gay gắt và mùa mưa đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Sau những đợt nắng nóng tăng cường, đến cuối tháng 4 có thể xuất hiện một số cơn mưa trái mùa. 

Đến đầu tháng 5, gió mùa tây nam bắt đầu xuất hiện mang mưa tới và những cơn mưa chuyển mùa sẽ bắt đầu xuất hiện. Điều này đồng nghĩa với dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 sắp tới ở Nam bộ nhiều khả năng sẽ có mưa chuyển mùa ở nhiều nơi. Do nắng nóng gay gắt kéo dài nên trong giai đoạn chuyển mùa sẽ kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc xoáy, sét, mưa đá, vòi rồng… 

"Người dân cần đặc biệt lưu ý để phòng tránh rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng khi vui chơi trong những ngày nghỉ lễ mừng Thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động", một chuyên gia cảnh báo.

Cụ thể, khoảng từ ngày 10 - 15.5 sẽ có một số địa phương bước vào mùa mưa, sớm nhất có thể từ Phú Quốc và khu vực bán đảo Cà Mau. Đến cuối tháng 5 toàn khu vực Nam bộ sẽ chính thức vào mùa mưa. Giai đoạn đầu mùa, lượng mưa trung bình phổ biến vẫn còn thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 - 8, khả năng khí hậu chuyển sang trạng thái La Nina, dự báo lượng mưa sẽ nhiều hơn và cao hơn trung bình nhiều năm.

Trước mắt do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây, nắng nóng tiếp tục kéo dài nhiều ngày tới, ngày 22 - 23.4, Tây nguyên và Nam bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 37 độ C, có nơi lên trên 38 độ C. Một số khu vực nắng nóng đặc biệt gay gắt như: tây bắc Bắc bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Đến ngày 25.5, nắng nóng tiếp tục gia tăng về cường độ nhiều nơi Nam bộ, cả nước xảy ra nắng nóng gay gắt.

ĐBSCL đón đợt mặn cuối mùa

Tuần này, Nam bộ đón đợt triều cường rằm tháng 3 âm lịch. Đỉnh triều cường có thể xuất hiện trong các ngày từ 24 - 26.4. Trên sông Sài Gòn, đỉnh triều ở mức xấp xỉ và cao hơn báo động 2, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu 73 - 75 km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp cao nhất, cấp độ 3.

Tại các tỉnh miền Tây, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm với xu thế xuống dần và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,15 - 1,5 m. Dự báo xâm nhập mặn có xu thế tăng dần trong giai đoạn từ nay đến 30.4 do ảnh hưởng của triều cường. Ranh mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có thể xâm nhập sâu từ 90 - 120 km; cửa sông Tiền khoảng 50 - 60 km, sông Hậu 40 - 50 km; sông Cái Lớn từ 45 - 55 km.

Sau đợt triều cường, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao; riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn vẫn tăng đến nửa đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ nửa cuối tháng 5. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở cấp độ 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.