Giữa những câu chuyện thực tế ấy, mục tiêu tiến tới miễn viện phí toàn dân được Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở lần đầu tại phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, sau đó được Tổng Bí thư nhắc lại trong buổi gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam, thể hiện một quyết tâm chiến lược của người đứng đầu Đảng ta.
Trên thực tế, xác định tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hằng năm Nhà nước vẫn luôn dành một tỷ lệ quan trọng trong tổng chi ngân sách cho lĩnh vực y tế, bao gồm cả chi đầu tư phát triển và thường xuyên. Tỷ trọng ngân sách chi BHXH trong tổng chi cho lĩnh vực y tế cũng luôn tăng. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2024 lên tới gần 133.000 tỉ đồng nhưng cũng không đủ chi. Đó là chưa kể rất nhiều khoản mà người bệnh phải chi thực tế, song không được thanh toán hoặc chỉ được thanh toán một phần. Do đó, miễn viện phí sẽ thực sự là một chính sách nhân văn sâu sắc, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của công cuộc Đổi mới, của sự vươn mình mạnh mẽ vì một dân tộc khỏe mạnh, một đất nước hùng cường.
Sức khỏe của mỗi người dân không chỉ là tài sản quý giá của họ và gia đình mà còn là chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia. Miễn viện phí cho người dân không chỉ là làm nhẹ bớt gánh nặng KCB cho dân; thực hiện công bằng xã hội, mà còn là việc mang tính chiến lược trong xây dựng nguồn nhân lực và phát triển con người VN, giống nòi VN tương xứng với những yêu cầu to lớn của kỷ nguyên mới.
Tất nhiên, mỗi chính sách khi ra đời đều vấp phải khó khăn. Chính sách miễn viện phí càng không là ngoại lệ. Ngoài khó khăn về tài chính, còn tồn tại nhiều lo lắng khác, rằng liệu người bệnh có phải chịu áp lực của cơ chế xin - cho và tiêu cực khi đứng giữa 2 lựa chọn: một bên là bệnh viện tư viện phí cao và bên kia là bệnh viện công viện phí được miễn? Các bệnh viện phải làm sao trong bối cảnh tự chủ, và việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở, vật chất, máy móc thiết bị có đảm bảo đầy đủ, kịp thời? Thu nhập của các bác sĩ, nhân viên y tế có đảm bảo để họ toàn tâm làm việc…
Trước mỗi đổi thay đều không tránh khỏi những lo lắng, nghi ngại. Nhưng cũng giống như việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông, chỉ cần một quyết tâm, một lộ trình, một cơ chế quản lý khoa học và tính toán hợp lý, chúng ta sẽ làm tốt. Bởi lẽ, miễn học phí và viện phí không đơn thuần là chính sách an sinh, mà còn là chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước: đầu tư cho con người là nguồn vốn hiệu quả và bền vững nhất.
Bình luận (0)