Miệt thị ngoại hình, người trẻ nên ứng phó thế nào?

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
26/06/2021 06:00 GMT+7

Những người trẻ bị miệt thị ngoại hình từ ngoài đời lẫn trên môi trường mạng đều phải tự cố gắng bình tĩnh đối mặt trước những bình luận ác ý.

Miệt thị ngoại hình (body shaming) được hiểu là dùng ngôn ngữ để phán xét, chê bai, bình luận ác ý về vẻ ngoài của người khác. Chủ đề này trở thành vấn đề thu hút người trẻ sau những ồn ào từ một chương trình truyền hình thực tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, các bạn trẻ cho hay họ từng bị miệt thị ngoại hình ít nhất một lần trong đời.

Tự ti về bản thân từ những lời miệt thị

Trong một trường hợp cụ thể, Lê Thị Hồng Thắm, thí sinh tham gia cuộc thi ảnh online Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021, cho hay cô liên tục nhận phải những lời bình luận ác ý về nhan sắc ngay sau khi hình ảnh của cô được đăng tải lúc dự thi.
Hồng Thắm đối mặt nhiều bình luận miệt thị trên mạng xã hội như “với giao diện này là loại từ vòng gửi xe” hay “cô này còn xấu hơn vợ tôi”…
Không chỉ bị miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội, các bạn trẻ còn phải đối mặt tình trạng này trong cuộc sống hằng ngày, như môi trường học đường. Điều này khiến một số bạn trẻ luôn cảm thấy tự ti về bản thân.
“Khi còn là học sinh trung học, tôi luôn bị những người xung quanh chọc ghẹo, cười cợt mỗi khi tôi xuất hiện, chỉ vì răng không đẹp, cao 174 cm quá khổ. Đôi khi những lời nói đó không có ác ý nhưng khiến tôi tổn thương rất nhiều”, Nghiêm Mộng Tuyền, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
Tuy nhiên, Tuyền luôn giữ thái độ bình tĩnh trước những lời đánh giá về ngoại hình từ người khác. Bên cạnh đó, cô cũng tìm cách bày tỏ mong muốn và chia sẻ cảm xúc với bạn bè và may mắn nhận được sự thấu hiểu của họ.
“Dù vậy, tôi cũng ý thức được khuyết điểm của bản thân nên tôi đã đi niềng răng để hoàn thiện hơn. Tôi làm đẹp vì bản thân chứ không phải vì muốn làm hài lòng tất cả mọi người”, Tuyền nói.
Hiện là giáo viên dạy kỹ năng sống cho một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, Tuyền luôn chú trọng việc giáo dục cho học sinh hiểu về miệt thị ngoại hình, những bài học về sự thấu hiểu, vị tha, để tạo một môi trường học tập lành mạnh và văn minh.

Miệt thị ngoại hình  luôn để lại những tổn thương sâu sắc cho những nạn nhân của nó

Nguyễn Điền

Đồng cảnh ngộ với Mộng Tuyền, anh Trương Hoài Khanh (22 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) từng phải gánh chịu nhiều lời ra tiếng vào vì ngoại hình thừa cân và làn da ngăm đen.
“Những lời nói tưởng chừng như vô hại ấy khiến tôi ám ảnh trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, tôi quyết lấy những lời chê bai làm động lực tập luyện thể thao và có lối sống khoa học hơn”, Khanh kể lại.
Giờ đây, chàng trai từng bị bạn bè chê bai về cân nặng trở thành một diễn viên điển trai, ăn nói duyên dáng.
“Dù người khác có đánh giá thế nào thì họ cũng không sống thay cuộc đời của mình nên bạn trẻ cũng đừng quá bận tâm. Những người hay chê bai người khác có thể đang gặp vấn đề gì đó trong cuộc sống của họ”, Hoài Khanh bày tỏ quan điểm.

Nghiêm Mộng Tuyền từng rất tự ti về chiều cao của bản thân

NVCC

Định bỏ học vì bị bạn bè miệt thị

Một trường hợp khác là N.T.T.T (22 tuổi, ở quận 11, TP.HCM) từng có ý định bỏ học vì bị bạn bè miệt thị về ngoại hình ốm yếu, không mạnh mẽ.
“Từ nhỏ, tôi đều bị bạn bè, thậm chí là người lớn gọi là “Bê Đê”, đồ “Bóng” chỉ vì ngoại hình ốm yếu, cử chỉ điệu bộ có phần nữ tính. Thậm chí, có lần tôi còn có ý định bỏ học vì bị một giáo viên gọi lên bảng và nói với cả lớp rằng lớn lên tôi sẽ đi chuyển giới chứ không làm được chuyện gì ra trò”, anh N.T.T.T kể lại.
Dù vậy, trong thời gian học THPT, N.T.T.T may mắn có vài người bạn và thầy cô luôn thấu hiểu, giúp anh vượt qua những rào cản về sự kỳ thị.
Hiện anh N.T.T.T đã tốt nghiệp đại học và công tác trong ngành truyền thông nên anh luôn muốn truyền tải thông điệp về một lối sống văn minh, tôn trọng sự đa dạng của tất cả mọi người.

Hoài Khanh từng phải đối mặt với những lời nói khiếm nhã về thân hình thừa cân trong quá khứ

NVCC

Bình tĩnh, không nóng vội để lên tiếng hoặc đáp trả
Trao đổi về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Võ Trần Khánh Vy, học viên cao học chuyên ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm quốc gia Moscow (Nga), đưa ra lời khuyên cho người trẻ: “Khi gặp phải những lời miệt thị ngoại hình, bạn nên thật sự bình tĩnh, không nóng vội để lên tiếng hoặc đáp trả".
Theo chuyên viên Khánh Vy, trước khi quyết định im lặng hay lên tiếng tự bảo vệ bản thân trước lời miệt thị, bạn trẻ cần suy nghĩ thật kỹ và cân nhắc những rủi ro và hậu quả có thể xảy ra đối với sự lựa chọn đó.
“Để không phải rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực khi bị body shaming, chúng ta có thể tự an ủi bản thân bằng cách hình thành những suy nghĩ như: không có ai là hoàn hảo, ai cũng có những khuyết điểm của riêng mình,… hoặc tìm kiếm sự chia sẻ động viên từ người thân, bạn bè đáng tin cậy”, chuyên viên Khánh Vy lưu ý.
Bên cạnh đó, chuyên viên Khánh Vy khuyên các bạn trẻ nên cảm thông đối với những đặc điểm mà bản thân cảm thấy đó là khuyết điểm của người khác và tránh ngôn từ mang tính miệt thị ngoại hình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.