Milan phong tỏa mùa Covid nhớ về Việt Nam: Mùi vị đường phố, âm thanh của chợ...

16/01/2021 15:13 GMT+7

Chính phủ Ý vừa siết chặt các biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19 . Từ MIlan - "tâm dịch" trong đợt đầu, nhà văn Elena Pucillo Truong - từng được người chồng Việt "ngược dòng" từ Việt Nam sang để đoàn tụ đã chia sẻ về cuộc sống "mới".

Mỗi ngày tôi đều nghĩ về quãng thời gian đã trôi qua mà mình không tìm thấy điều gì để bám víu.
Các tin tức cứ đến liên tục, tin này nối tiếp tin kia, mấy phút trước như có mang theo một chút ánh sáng thì ngay sau đó bóng tối lại ngập tràn, càng lúc tôi càng thấy hoang mang, không có gì chắc chắn.
Và ngày tháng cứ thế trôi qua!

Xe chở vaccine phòng dịch đến Bệnh viện Niguarda, Milan hôm 27.12.2020 khi nước Ý bắt đầu việc chính ngừa cho người dân

Reuters

Mùa xuân với những ngày nắng đẹp cùng muôn hoa đua nở vừa trôi qua thì mùa hè nóng cháy như mời gọi đôi chân trần chạy trên bờ biển dưới bầu trời trong vắt cũng vội vã bay đi.
Những chiếc lá vàng ửng đỏ của mùa thu như kéo dài hơn: để lưu giữ kỷ niệm tôi đã nhặt rất nhiều, bảo quản cẩn thận như một món quà độc đáo để mang về trao tặng người thân.
Sau những đợt sương mù và những cơn mưa thu gió lạnh đã bắt đầu, mùa đông đã đến với những cành cây trụi lá, đứng trơ trọi và lạnh lẽo trên những cánh đồng, hình dạng như những bàn tay gầy ốm chỉa các ngón khẳng khiu lên trời.
Ngày trước Giáng sinh, tuyết rơi dày, trên mái nhà và trên những thân cây đều phủ một màu tuyết trắng tinh khôi. Dọc theo một con đường gần nhà, trong một sân vườn nhỏ, một cây hồng trụi lá nhưng treo đầy những trái màu cam mà thoạt nhìn dễ tưởng đó là cây thông trang trí Giáng sinh, lủng lẳng những quả banh nhiều màu sắc. Hình ảnh ấy mang lại cho tôi một chút niềm vui, như thể vừa quay lại tuổi thơ, nhưng niềm vui chỉ kéo dài một thoáng vì sau đó là lặng lẽ rơi vào một nỗi buồn và nhớ.
Ngày qua ngày, mỗi lúc như mỗi xa thêm cái giây phút được đoàn tụ với những người thân, với bạn bè cùng với những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống ở nơi xa xôi đó - Việt Nam.

Ngồi ở đây, được nói tiếng mẹ nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nói vài câu bằng tiếng Việt với chồng, nhớ lắm cái tiếng không chỉ để nói mà là để hát, đầy đủ các cung bậc lên bổng, xuống trầm.Quote author

Một cuộc sống mà tôi đang cảm thấy rất thiếu, dù đôi khi vẫn có thể trò chuyện với những người thân hay nhìn nhau qua màn hình nhưng như thế vẫn còn ít ỏi. Tôi nhớ những mùi vị đường phố, hương vị xào nấu của các thức ăn bay trong không khí, nhớ đến những âm thanh hỗn loạn và nhộn nhịp của chợ búa, về sự ân cần của chị bán xôi, anh bán bánh mì trứng mà mỗi sáng tôi đều ghé qua trước giờ hẹn với bạn bè để cùng ngồi bên ly cà phê sữa đá.
Tôi nhớ đến con đường ra chợ đông người, nhiều người thân thiện chào khi thấy tôi, nhớ cô bán đậu phộng luộc, bà bán báo mà hằng ngày chồng tôi đều ghé mua báo Thanh Niên Phụ Nữ. Tôi quen bà bán báo này từ nhiều năm, và thỉnh thoảng bà còn dành cho chúng tôi một sự bất ngờ, khi trả tiền cà phê thì bà chủ quán cho biết là bà bán báo đã âm thầm thanh toán trước rồi! Một cử chỉ thân thiện bằng tất cả sự tế nhị và nụ cười trên môi mà tôi biết cuộc sống vất vả và trong lòng bà nặng trĩu những ưu tư.

Những người lớn tuổi được chích ngừa tại Bệnh viện Niguarda, Milan, Ý

Reuters

Ngồi ở đây, được nói tiếng mẹ nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nói vài câu bằng tiếng Việt với chồng, nhớ lắm cái tiếng không chỉ để nói mà là để hát, đầy đủ các cung bậc lên bổng, xuống trầm. Tôi nhớ lắm những tiếng cười của các bạn hay những giọt nước mắt mà chúng tôi đã từng nhỏ xuống trong những tình huống không vui. Thời gian có thể trôi qua nhưng không thể nào xóa đi những kỷ niệm, nó luôn và mãi bám vào trái tim mà tôi cứ bấu víu vào đó mỗi ngày trong nỗi nhớ.
Điều mà tôi lo ngại lúc này là sự an toàn, về sự lây nhiễm dịch bệnh và thiếu vắng một triển vọng cho tương lai. Tôi và chồng thường thiết kế các chương trình, tổ chức các cuộc gặp hay tham gia vào các chuyến du hành với các bạn. Bây giờ thì không thể và chẳng ai biết là tình hình quái quắc này sẽ kéo dài bao lâu. Trước đây chúng tôi còn đặt ra các giả thuyết nhưng bây giờ thì chẳng thể nghĩ hay tính toán được gì.
Có một điều an ủi là trong những ngày thành phố bị phong tỏa, không thể ra ngoài hay đi lại, chúng tôi vẫn có internet để được kết nối với những người thân.
Tạm thời phải bằng lòng với những cuộc điện thoại từ xa, nhưng đây cũng là cơ hội để suy nghĩ về mọi việc, về con người, về những mối quan hệ tình cảm, công việc và xã hội.
Chúng ta sẽ hiểu và đánh giá tốt hơn về cuộc sống trước khi xảy ra đại dịch và đồng thời cũng khôi phục lại những giá trị tình cảm mà xã hội hiện đại đã không xem là cần thiết, thí dụ như tình liên đới và sự tử tế.
Vì tiền bạc hay thành công cá nhân mà nhiều người đã quên đi tình người, sẵn sàng chà đạp lên người khác mà không nghĩ đến hậu quả. Còn bây giờ, mỗi ngày chúng ta đều nghe thấy những biểu hiện của tình liên đới, nhất là đối với những thành phần bất hạnh, ngoài chuyện bị mất việc làm hay nhà cửa, có người còn những mất mát khác như cha mẹ, ông bà hay anh chị em.
Nhưng trong sự tuyệt vọng họ đã không bị bỏ rơi. Có rất nhiều phương án làm từ thiện nhằm giảm bớt phần nào nỗi đau cho họ. Y tá và bác sĩ chính là những người đã ghi nhận những lời cuối cùng của các bệnh nhân đã chết trong bệnh viện để truyền đạt lại cho thân nhân. Nhiều người thiện tâm đã tổ chức các buổi gây quỹ và cung cấp nhiều bữa ăn miễn phí cho những người bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Tôi không biết là các hình thức nhân đạo này sẽ được kéo dài bao lâu, nhưng cần phải nhìn nhận là không có gì được xem là đương nhiên, rằng cuộc sống có thể đổi thay trong từng phút mà chúng ta không có cách nào tránh được.
Điều duy nhất có thể giúp chúng ta tiếp tục đi tới là niềm hy vọng luôn hiện hữu, dù có khi lẩn khuất. Nếu chúng ta không nhìn thấy nụ cười vì bị chiếc khẩu trang che khuất thì hãy nhìn vào đôi mắt, tấm gương của tâm hồn, luôn soi chiếu sự chân thành từ trái tim.
Milan, tháng 1.2021
Bản dịch của Trương Văn Dân
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.