Mở rộng cánh cửa miễn thị thực

20/03/2022 07:02 GMT+7

Đánh giá việc khôi phục chính sách miễn thị thực như trước khi có dịch sẽ là đòn bẩy mở lại thị trường du lịch; song các công ty lữ hành cùng nhiều chuyên gia cho rằng “cánh cửa” miễn thị thực vẫn còn quá hẹp.

Ngày 15.3, ngày ấn định VN mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm “đóng cửa” thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 về việc miễn thị thực cho 13 quốc gia với thời hạn lưu trú 15 ngày. Việc miễn thị thực này được áp dụng trong 3 năm, đến hết ngày 14.3.2025 và sẽ được xem xét gia hạn. Cùng với đó, việc khôi phục lại chính sách xuất nhập cảnh như trước dịch từ 15.3, VN cũng cho phép nối lại việc miễn thị thực cho người nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà VN là thành viên, hoặc miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại, trong đó bao gồm các hiệp định, thỏa thuận miễn thị thực với các nước Đông Nam Á.

Covid-19 sáng 20.3: Cả nước 7.791.841 ca nhiễm | Ai cần tiêm mũi 4 vắc xin?

Thực tế là trước đây, nhiều đoàn khách vào VN muốn ở lâu hơn thường phải xin gia hạn visa vừa mất công, vừa mất phí và gây phiền phức. Vì vậy, để thu hút khách du lịch nước ngoài vào VN sau dịch, bên cạnh xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh cần có “ưu đãi” về visa, ít nhất là miễn 1 tháng như nhiều quốc gia hiện nay đang thực hiện

Ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty du lịch Đại lục VN

Trong 13 nước vừa được Chính phủ quyết định miễn thị thực đơn phương, nhiều quốc gia đang thực hiện chính sách miễn thị thực trong thời gian 3 năm (5 nước hết hạn tháng 6.2021 và 8 nước hết hạn vào 31.12.2022). Như vậy, với việc tiếp tục miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia, khôi phục chính sách xuất nhập cảnh với các nước Đông Nam Á, số lượng công dân các quốc gia được miễn thị thực vào VN hiện nay là hơn 20 quốc gia.

Khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 18.3

Ngọc Dương

Mở rộng các nước được miễn thị thực

Cho rằng các quốc gia được miễn thị thực đều là những thị trường du lịch tiềm năng, ổn định về mặt an ninh, chính trị và từ trước dịch Covid-19, VN cũng đã thu hút được lượng lớn khách du lịch đến từ các quốc gia này, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours (HanoiRedtours), đánh giá việc mở cửa du lịch từ 15.3 và chính sách miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch của 13 quốc gia đến VN là “đòn bẩy” quan trọng để VN mở lại thị trường du lịch “hậu Covid-19”. Theo ông Hoan, miễn thị thực là giải pháp tốt nhất để thu hút khách du lịch sau thời gian dài thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa phòng chống dịch, thể hiện trân trọng, chào đón du khách đến với VN. “Tuy nhiên, VN cần mở rộng thêm các nước được miễn thị thực hơn nữa, đặc biệt là bổ sung những thị trường lớn và tiềm năng khác như: các nước Tây Âu, New Zealand, Ấn Độ, Canada, Các tiểu vương quốc Ả Rập… Các quốc gia này đều đang có đường bay thuận lợi đến VN”, ông Hoan nêu ý kiến.

Khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 18.3

NGỌC DƯƠNG

Đồng tình với khuyến nghị cần tăng thêm số nước được miễn thị thực, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng số nước miễn thị thực quá ít thì chúng ta sẽ bị hạn chế về thị trường, khó mở rộng thị trường.

Một báo cáo nghiên cứu có tên "Thực trạng chính sách thị thực của VN và một số đề xuất nhằm cải thiện chính sách thị thực" của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện mới đây, cho biết so với các nước trong khu vực ASEAN khác, tác động của việc miễn thị thực nhập cảnh đơn phương của VN là tích cực hơn, làm tăng số khách du lịch quốc tế đến, doanh thu từ du lịch gia tăng cao hơn nhiều lần sự giảm thu do miễn thị thực. Cụ thể, báo cáo của TAB cho hay, sau khi thực hiện miễn thị thực, số lượt khách quốc tế trung bình từ các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý tăng gần 20%.

Cũng theo TAB thì nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách tạo thuận lợi về thị thực, như Thái Lan miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn thị thực cho 70 quốc gia, và Philippines miễn thị thực tới 157 quốc gia. Từ đó, TAB cũng đề xuất ngoài các nước đã được miễn thị thực, trước mắt Chính phủ nên mở rộng diện miễn thị thực cho công dân 4 quốc gia nữa, gồm: Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ.

Những ai cần tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19?

Thêm thời gian lưu trú miễn thị thực

Cũng đánh giá cao việc khôi phục chính sách miễn thị thực của Chính phủ, song ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty du lịch Đại lục VN, cho rằng thời hạn lưu trú 15 ngày đối với khách nước ngoài là hơi ngắn, nhất là với khách du lịch đến từ châu Âu. “Thực tế là trước đây, nhiều đoàn khách vào VN muốn ở lâu hơn thường phải xin gia hạn visa vừa mất công, vừa mất phí và gây phiền phức. Vì vậy, để thu hút khách du lịch nước ngoài vào VN sau dịch, bên cạnh xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh cần có “ưu đãi” về visa, ít nhất là miễn 1 tháng như nhiều quốc gia hiện nay đang thực hiện”, ông Dương chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, cần phải kéo dài thời gian lưu trú đối với khách du lịch được miễn thị thực. “Nếu chúng ta mở được 15 ngày, tại sao không mạnh dạn dài thêm 20 ngày hay 30 ngày như nhiều quốc gia đang thực hiện”, ông Hoan nêu.

Nghiên cứu nói trên của TAB cũng cho biết, các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia hay Philippines đều áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương từ 30 ngày trở lên để thu hút thêm khách du lịch quốc tế.

Đánh giá vấn đề này, PGS-TS Phạm Trung Lương, cho rằng việc miễn thị thực chỉ áp dụng với hạn 15 ngày là “quá ít”. “Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt ở các nước châu Âu là nghỉ dài ngày, cả tháng trời nghỉ đông, thì tại sao hạn tạm trú của mình chỉ có 15 ngày. Xu hướng đó giới nghiên cứu đã nói từ lâu, nói nhiều rồi khi góp ý chính sách”, ông Lương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu đặt trong sự so sánh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Campuchia thì thấy rằng, cả 2 nước này đều mở cửa du lịch sớm hơn VN, các chính sách xuất nhập cảnh thoáng hơn cho du lịch, như Thái Lan miễn thị thực 60 ngày, Campuchia thì 30 ngày, còn VN chỉ 15 ngày; trong khi họ cũng không hề thua kém chúng ta về độ riêng biệt của văn hóa. Do đó, theo bà Thủy, nếu có chính sách cởi mở hơn về thị thực cũng sẽ giúp du lịch VN tăng khả năng cạnh tranh so với các “đối thủ”.

Cởi mở và thuận lợi hơn

Bên cạnh “nới” thời gian lưu trú cho khách du lịch được miễn thị thực tại VN, ông Hoàng Hậu Dương kiến nghị, đối với các quốc gia chưa được miễn thị thực, thời gian thủ tục xét duyệt hồ sơ xin visa cũng phải đẩy nhanh hơn nữa hoặc có thể rút ngắn một số thủ tục online. “Hiện khách ở các quốc gia này muốn vào VN với mục đích du lịch đều phải thông qua các công ty du lịch làm thủ tục và hồ sơ sẽ phải trình lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Những trở ngại về thủ tục hành chính trong cấp thị thực có thể sẽ khiến khách du lịch lựa chọn các điểm đến khác trong khu vực thay vì đến VN”, ông Dương nhìn nhận.

Theo báo cáo của TAB, trước năm 2020, VN đã áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong số các nước có nhiều khách du lịch đến VN, vẫn còn một số nước vừa không được áp dụng chính sách miễn thị thực, vừa không được áp dụng cấp thị thực điện tử. Từ đó, TAB kiến nghị, ngoài việc miễn thị thực, Chính phủ nên bổ sung các nước được cấp thị thực điện tử như Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan... và tất cả quốc gia châu Âu chưa được miễn thị thực nhập cảnh vào VN.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy đánh giá, với chính sách miễn thị thực hiện nay đã tốt hơn so với thời điểm phòng, chống dịch 2 năm qua, song bà không nhìn thấy chiến lược dài hạn trong vấn đề này. “Chẳng hạn, 15.3 chúng ta bắt đầu mở cửa du lịch thì cũng phải đến ngày đó mới có văn bản về việc miễn thị thực. Phải sau quyết định đó, chúng ta mới có thể mở cửa truyền thông ra nước ngoài, các đơn vị ở nước ngoài mới truyền thông tiếp cho khách du lịch. Vì thế, trong tháng này, không chắc chúng ta đã có khách quốc tế”, bà Thủy phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.