'Mở' với người tài

05/05/2022 05:10 GMT+7

Giải thích cho việc 3 năm chỉ thu hút được 5 người tài, lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM cho hay ngoài dịch Covid-19 còn do nhu cầu thực tế của các cơ quan, đơn vị rất đa dạng, thường xuyên thay đổi trong khi việc đảm bảo tuân thủ quy trình thu hút theo hướng công khai, minh bạch đòi hỏi nhiều thời gian.

Thu hút người tài vào làm việc ở khu vực công lập được TP.HCM đưa ra thảo luận và thông qua từ năm 2018; các chính sách ưu đãi được cụ thể hóa vào năm 2019. TP được đánh giá là năng động nhất cả nước dự kiến thu hút người tài cho các lĩnh vực như: nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị, văn hóa, nghệ thuật, thể dục…

Nghiên cứu sinh làm việc trong một trường đại học ở TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng có vẻ như không phải sở, ngành nào của TP cũng cần người tài về làm việc. Cụ thể, năm 2020, chỉ có 4 đơn vị: Sở KH-ĐT, Sở KH-CN, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao cần 14 vị trí. Qua năm 2021, Sở VH-TT cần 6 vị trí và năm nay cũng chỉ cần 5 vị trí cho lĩnh vực kế hoạch đầu tư và nông nghiệp.

Chưa nói về chính sách đãi ngộ dù đã được áp dụng cơ chế đặc thù nhưng vẫn còn thấp so với khu vực tư nhân, số người tài làm việc cho lĩnh vực công chỉ đếm trên đầu ngón tay chủ yếu do nhu cầu của các đơn vị. Với nhu cầu ít ỏi đó, thật khó để tạo ra làn sóng trọng dụng nhân tài. Cùng với thủ tục nhiêu khê càng khiến người tài nản lòng, dù thực tâm họ rất muốn cống hiến, và tự tin rằng sẽ cống hiến được nhiều điều vào sự phát triển chung của TP, của đất nước.

Đã là người tài thì luôn có nhiều lựa chọn nơi làm việc với mức đãi ngộ tương xứng. Nếu lĩnh vực công thực sự cần người tài thì cần mở lòng, mở cơ chế, mở quy trình để trải thảm mời người tài về cống hiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.