Đường huyết cao bị ảnh hưởng bởi lối sống và yếu tố di truyền, vì vậy, các nhà khoa học tại Đại học Eastern Finland (Phần Lan) muốn tìm hiểu xem chế độ ăn uống ảnh hưởng thế nào đến đường huyết ở người có nguy cơ di truyền cao.
Họ đã kiểm tra dữ liệu của gần 1.600 người, chủ yếu là nam giới, trong độ tuổi từ 51 đến 85, không mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo chuyên trang y tế News Medical.
Những người tham gia điền vào bảng câu hỏi về tần suất thực phẩm và mức đường huyết trong 2 giờ sau khi ăn.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu này cùng với mức độ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 liên quan đến 76 biến thể di truyền có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
Các tác giả đã xây dựng 2 mô hình chế độ ăn uống: Lành mạnh và không lành mạnh.
Chế độ ăn lành mạnh bao gồm các món ăn sau: Rau, trái cây, cá, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua không đường và ít béo, khoai tây luộc.
Chế độ ăn uống không lành mạnh bao gồm: Nhiều thực phẩm như khoai tây chiên, thịt chế biến sẵn, bánh kẹo, đồ ngọt, ngũ cốc tinh chế, sữa nguyên béo có đường và các bữa ăn chế biến sẵn.
Kết quả đã phát hiện chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm lượng đường trong máu và giảm cả nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 bất kể yếu tố di truyền.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm mức đường huyết lúc đói và mức đường huyết trong 2 giờ sau khi ăn, cải thiện chỉ số đường huyết, độ nhạy insulin và cải thiện việc tiết insulin.
Cụ thể, những người tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống lành mạnh đã giảm đến 31% nguy cơ tăng đường huyết, theo News Medical.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận: Chế độ ăn uống lành mạnh có liên quan đến mức đường huyết thấp hơn và nguy cơ tăng đường huyết thấp hơn, đặc biệt là ở nam giới, ngay cả người có di truyền mắc bệnh tiểu đường.
Bình luận (0)