HIỂM HỌA MÙA MƯA LŨ
Mỗi khi trời mưa lớn, nước trên thượng nguồn đổ về khiến dòng sông A Păng ở tổ dân cư Bhơ Hôồng 2 (xã Sông Kôn, H.Đông Giang, Quảng Nam) dâng cao, chảy xiết. Không có đường đi nào khác, hầu hết người dân bên kia sườn núi vẫn phải liều mình băng qua dòng nước để đưa con đi học, đi làm rẫy và mua thực phẩm sinh hoạt.
Theo người dân địa phương, nhiều năm trước có một người bệnh đau nặng đúng thời điểm mưa lũ. Họ đành phải dùng phao tự chế để đưa người bệnh sang suối, nhờ đó mà kịp thời cứu sống được.
Gần nhất, do ảnh hưởng của bão số 6 (Trà Mi) vào ngày 21.10, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn, nước lũ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn. Vì nóng lòng sớm về nhà, chị Cơlâu Thị Hàn (35 tuổi, ở tổ dân cư Bhơ Hôồng 2) đã mạo hiểm dẫn hai con nhỏ băng qua dòng sông A Păng đang chảy xiết để về nhà. Rất may, khi đi được một đoạn ngắn thì lực lượng chức năng phát hiện, ngăn cản.
"Hàng chục năm qua, cứ vào mùa mưa là người dân tổ dân cư Bhơ Hôồng 2 luôn trong tình trạng cô lập do nước trên thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông A Păng dâng cao, chảy xiết. Mong ước duy nhất của người dân là sớm có một cây cầu bắc qua sông để yên tâm đi lại, con cái đi học an toàn", chị Hàn nói.
Anh Zơ Đêl Xới (32 tuổi, ở tổ dân cư Bhơ Hôồng 2) cho biết vào mùa nắng thì sông cạn, còn dễ đi lại, chứ vào mùa mưa là nước dâng cao, chảy xiết khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn. "Muốn rời làng hoặc đi mua nhu yếu phẩm thì không còn con đường nào khác là phải đi qua con sông A Păng. Mùa mưa, người dân ở đây đều phải dự trữ lương thực để sử dụng phòng khi mưa lớn kéo dài, sẽ bị chia cắt. Điều chúng tôi lo lắng nhất là khi trời mưa, trẻ em đi học về qua suối rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp nước về cuồn cuộn, đành phải cho con nghỉ học ở nhà…", anh Xới buồn bã nói.
NGUYỆN VỌNG CHÍNH ĐÁNG VÀ CẤP THIẾT
Ông Jơđêl Vy, Trưởng thôn Bhơ Hôồng, cho biết con sông A Păng nối với tổ dân cư Bhơ Hôồng 2 thuộc vùng trũng thấp, khoảng cách giữa hai bờ suối khá rộng nên hễ có mưa lớn, lũ lại dâng cao nên thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ. Bên kia sông có 15 hộ với 54 nhân khẩu đồng bào Cơ Tu sinh sống từ lâu đời, trong đó có 16 em học sinh các cấp.
Nhiều thời điểm, mưa lũ xuất hiện đột ngột, nhu yếu phẩm chưa kịp chuẩn bị, người dân đành "có gì ăn nấy". Tội nhất vẫn là các em học sinh, sau khi tan học không thể trở về nhà. Nhiều đợt, lũ dâng cao 4 - 5 m, cả thôn bị cô lập nhiều ngày liền. Phụ huynh chỉ biết gửi gắm và động viên con em mình ở nhờ nhà hàng xóm bên kia sông, chờ nước rút mới qua đưa về.
Ông Jơđêl Vy cho hay mấy năm trước, người dân thường làm cầu tạm để qua sông. Tuy nhiên, do mưa lũ ngày càng khốc liệt, cầu tạm cũng nhiều lần bị cuốn trôi. Từ đó đến nay, người dân không làm nữa. Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho người dân vượt lũ, mới đây thôn cũng huy động lực lượng thanh niên làm bè nứa, nối dây cáp ở hai đầu bờ sông làm điểm cố định, nhưng cũng chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn rồi cũng bị nước lũ cuốn trôi. "Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần kiến nghị sớm xây một cây cầu bắc qua sông A Păng để phá thế cô lập, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại, cũng như an toàn trong thời điểm mưa lũ. Cây cầu vượt lũ là ước mơ lớn của người dân hàng chục năm qua", ông Jơđêl Vy trầm tư nói.
Bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, cho biết địa phương rất nóng lòng mong chờ có dự án xây cầu cho người dân tổ dân cư Bhơ Hôồng 2. "Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về việc xem xét đầu tư cây cầu cho người dân ở tổ Bhơ Hôồng 2 qua sông A Păng nhưng vẫn chưa có kết quả, do chưa có nguồn vốn đầu tư công xây dựng mới", bà Ngơi nói.
Bình luận (0)