Mong đất nước có nhiều người như ông Võ Văn Kiệt

22/11/2022 15:18 GMT+7

'Khi mọi người nhắc về chú Sáu Dân cũng đều thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu', Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại hội thảo về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Sáng 22.11, hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam” được tổ chức trang trọng tại Hội trường TP.HCM.

Trong phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, với tầm nhìn vượt thời gian, ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo triển khai những công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Có thể kể đến các công trình điển hình như: đường dây tải điện 500 kv Bắc-Nam; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; công trình thoát lũ ra biển Tây, phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên; xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi tại hội thảo

NHẬT THỊNH

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua cam go thử thách, cuộc đời ông Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhất là TP.HCM. Trong những thời điểm khó khăn có tính chất bước ngoặt thì tài năng, trí tuệ, sự sắc sảo, phẩm chất và bản lĩnh của ông Sáu Dân được hiển lộ rõ nét nhất, và để lại cho đời một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại.

“Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là điểm tựa, niềm tin và nguồn cảm hứng của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ. Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ, mục tiêu quan trọng của cuộc hội thảo là cùng nhau đi tìm chất liệu nào đã tạo nên nhà chính trị, văn hóa tầm cỡ; những nguyên tố nào đã hình thành nên một con người tổng hợp từ thân thể, trí tuệ, tâm hồn, tinh thần luôn đổi mới; và trường lớp nào đã đạo tạo nên một cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tận tâm, tận lực, tận hiến.

“Khi mọi người nhắc về chú Sáu Dân cũng đều thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu. Điều đó nhắc nhở rằng, các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân, vận sáng tạo vào bối cảnh, điều kiện, nhiệm vụ, yêu cầu mới, tạo giá trị mới, để góp phần đưa đất nước vượt qua thử thách mới”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ các cán bộ lão thành cách mạng và các Mẹ Việt Nam anh hùng ở H.Bình Chánh, TP.HCM, tháng 5.1995

TTXVN

Gắn với thực tiễn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy TPHCM tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu học tập rèn luyện, gắn với thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14 năm của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, quyết tâm xây dựng TPHCM văn minh hiện đại nghĩa tình, có chất lượng sống tốt.

Sống giản dị, gần gũi với nhân dân

Lý giải thêm về bí danh Sáu Dân, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá ông Võ Văn Kiệt đã cống hiến trọn đời vì lý tưởng cách mạng cao cả, nhân văn là giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Ông luôn gắn bó, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm tiêu chí, thước đo cho hoạt động của bản thân.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với các đại biểu dự hội thảo

NHẬT THỊNH

“Bí danh Sáu Dân ra đời từ đó và trở thành tên gọi trìu mến, thân thiết mà các cán bộ, đảng viên và nhân dân dành cho ông”, ông Thắng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, từ những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, ông Sáu Dân vẫn giữ nếp sống trong sáng, giản dị.

Trao đổi tại hội thảo, TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia khu vực IV, nhìn nhận định dấu ấn lớn nhất của ông Võ Văn Kiệt đối với đồng bằng sông Cửu Long và cũng là đối với cả nước có lẽ là dấu ấn trong lòng dân. Đi với cách mạng, tức là đi với nhân dân, ông lấy bí danh Sáu Dân, đặt tên con gái là Hiếu Dân.

TS Khanh chia sẻ, cả đời ông Võ Văn Kiệt yêu dân, hiếu dân, sống gần gũi dân, hết lòng hết sức lo cho dân. “Hồi ông tại thế, người dân gọi kênh T5 là kênh ông Kiệt hay kênh ông Sáu. Thuận theo lòng dân, một năm sau ngày ông mất (10.7.2009), HĐND tỉnh An Giang quyết định đổi tên kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm ông tại đầu tuyến kênh”, TS Khanh cho hay.

TS Phan Công Khanh cũng chia sẻ dấu ấn của ông Sáu Dân trong lòng cán bộ và nhân dân chính là những giai thoại về ông được cán bộ và nhân dân lan truyền. Như chuyện ông mê đọc sách, có người nói bóng gió sau lưng: “Nông dân mà học đòi trí thức”. Nhưng ông Sáu Dân cũng chỉ bình thản nói với người giúp việc: “Không sao cả, họ nghĩ như vậy cũng có cái lý. Mình là nông dân thiệt, ham học là để bớt dốt, để đỡ cản trở anh em trong công việc mà thôi”.

Chính sự khoan dung, nhân hậu, nghĩa tình, thuỷ chung, phóng khoáng, thoải mái của bản thân mà ông Võ Văn Kiệt được nhiều trí thức và nghệ sĩ quí mến, kính trọng nhân cách và trí tuệ của ông, rồi được ông cảm hoá và qui tụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.