Mong không còn những nỗi đau bom đạn sau chiến tranh

11/11/2019 05:00 GMT+7

Cần tiếp tục cảnh báo người dân chớ coi thường những phế liệu, đầu đạn, vỏ bom mìn... còn sót lại sau chiến tranh. Đã xảy ra nhiều vụ, có vụ chết người...

Câu chuyện một người dân ở Kon Tum lấy đầu quả đạn pháo 105 mm sót lại sau chiến tranh làm đe sửa chữa nông cụ, khi nhóm lửa gần đó thì xảy ra vụ nổ khiến 9 người bị thương, trong đó có 2 trẻ em, đã khiến nhiều bạn đọc đau lòng.
Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 8.11, cả nhà anh A Viên (38 tuổi, ngụ thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, H.Đăk Glei) dọn dẹp nhà cửa, rửa chén đũa sau ngày thôi nôi cháu. Trong lúc dọn dẹp, những người phụ nữ nhóm bếp lửa gần cái đe là một quả đạn pháo để sưởi ấm vì lúc này trời lạnh. Ít phút sau, quả đạn pháo phát nổ khiến 7 phụ nữ và 2 trẻ em bị thương nặng. Vụ nổ cũng khiến mái nhà của bố anh A Viên lật tung, đất đá bị cày xới và mái tôn của 3 nhà liền kề cũng bị thủng, hư hại nặng.
Anh A Viên cho biết nhiều năm trước, bố anh là ông A Đang lên rừng nhặt được một quả đạn pháo 105 mm. Thấy phần đuôi đạn bằng phẳng nên ông Đang cắm đầu xuống đất, lấy phần đuôi làm đe. Nhiều năm nay gia đình ông vẫn dùng cái đe này để sửa chữa nông cụ.

Mong nạn nhân sớm bình phục

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ lòng thương cảm đối với các nạn nhân, mong các nạn nhân sớm bình phục. BĐ Vu Lam (TP.HCM) viết: “Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm mà hôm nay vẫn để lại hậu quả. Thật đau lòng”. BĐ TranTinh (Đồng Nai) chia sẻ: “Một bài học quá đắt. Chiến tranh đã qua từ lâu mà vẫn còn gây sát thương người dân vô tội. Chớ bao giờ đụng đến những vỏ bom mìn, đạn pháo...”.
BĐ Hoai Van (Bình Dương) cho rằng một vụ nổ 9 người bị thương là không thể xem nhẹ và “Cầu cho các nạn nhân mau tai qua nạn khỏi, sớm trở về với gia đình. Quá tội cho 2 trẻ em bị thương, mong các bác sĩ hãy cứu lấy em, em còn quá nhỏ”. Trong khi đó, BĐ ThaThu (Bình Dương) cũng lo lắng cho bé gái Y Thị Trâm, 22 tháng tuổi, vì vẫn đang trong tình trạng hôn mê, sức khỏe rất nguy kịch. “Cầu mong các nạn nhân tai qua nạn khỏi, chóng bình phục”, BĐ này viết.

Đừng để thêm nỗi đau sau chiến tranh

Nhiều BĐ thật lòng khuyên: Chớ bao giờ “đùa giỡn” với bom mìn, đạn pháo… BĐ Tam Thanh (Đồng Nai) viết: “Nếu mình không có chuyên môn, làm sao mà biết nguy hiểm hay an toàn, nên tốt nhất là tránh xa, thấy những vật này nên báo cho cơ quan chức năng và đừng bao giờ mang vác chúng về nhà mà có ngày gây họa cho mọi người”.
Cùng quan điểm, BĐ CongVan (Bình Phước) nhấn mạnh: “Cần tiếp tục cảnh báo người dân chớ coi thường những phế liệu, đầu đạn, vỏ bom mìn... còn sót lại sau chiến tranh. Đã xảy ra nhiều vụ, có vụ chết người, mong tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân biết mà tránh”. BĐ ChinhThanh (Bình Phước) cũng cho rằng chính quyền địa phương nên tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng hơn để người dân được biết, tuyệt đối không "dính" đến mấy thứ này.
Tương tự, BĐ Nhiên Đăng (TP.HCM) đề nghị: Xin bà con dù trong hoàn cảnh nào cũng không có những “sáng kiến” lấy đạn bom trong chiến tranh để biến thành vật dụng hoặc đào bới đem về nhà mà gặp thảm họa.
“Mong các nạn nhân sớm hồi phục trở lại cuộc sống. Mong sẽ không có ai "coi thường" đạn pháo để xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Chính quyền địa phương nên tuyên truyền, vận động người dân giao nộp những thứ này, tuyệt đối không sử dụng đạn pháo... cho dù đã lấy thuốc nổ ra”.
LamHa (Đắk Lắk)
“Quá đau lòng. Cầu cho các nạn nhân sớm bình phục. Một vụ nổ để lại nhiều điều phải suy nghĩ, ít nhất là "Cái gì mình không biết rõ thì chớ đụng vào".
Chien Thang (Đồng Nai)
“Đừng bao giờ tiếc mà tận dụng vỏ đạn pháo, bom mìn... nói chung là vũ khí giết người, để làm vật dụng trong nhà. Nguy hiểm khôn lường. Đã có quá nhiều bài học rồi”.
VanThanh (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.